ClockThứ Năm, 18/09/2014 05:09

Thế núi & tên gọi

TTH - Núi Kim Phụng nằm ở địa phận xã Hương Thọ (Hương Trà) được xem là ngọn núi cao nhất Cố đô, đến tận 432 mét. Tương truyền, trên núi có giếng nước rất trong. Đỉnh núi có tượng Phật nhỏ và tượng thần núi. Không khí trong lành, mát rượi. Từ đỉnh núi cao này, nhìn thấy bao quát cả thành phố Huế kề cận bên dòng sông Hương quanh co.

Chính cái vẻ “xinh đẹp lạ thường” đó, theo sự mô tả của Tiến sĩ Dương Văn An trong “Ô châu cận lục”, mà vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), lúc đúc Cửu đỉnh, nhà vua đã không ngần ngại khi cho khắc hình tượng núi vào Chương đỉnh. Còn sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, đây là một trong những nơi Thành uỷ Huế trú đóng và là trạm tiền tiêu của Bộ trong chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968.

Núi Kim Phụng hấp dẫn bao người không phải chỉ là vẻ đẹp, là thế núi và theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, là “chủ sơn” của xứ Huế, làm hậu cảnh với phá Tam Giang chính là tiền cảnh, mà còn ở tên gọi. Cái tên “Kim Phụng” tôi không dám chắc vì sao có, chỉ biết rằng ở vùng rừng núi này có dòng chim chào mào nổi tiếng. Dân chơi chào mào đều thừa nhận, đó là “giọng chim hay nhất của Huế”. Hiện nay, loại chim chào mào (Kim Phụng) không còn nữa, hay rất hiếm. Tên gọi Kim Phụng có vẻ như ít nhiều gắn bó với loài chim kia.

Thế nhưng, ngoài tên Kim Phụng, núi còn có ít nhất 5 tên gọi. Đó là núi Thương (Thương Sơn) hay Thiên Dữu trong sách vở, là hòn Đốn hay Đụn trong cách gọi của dân vùng nông thôn xung quanh, còn nữa là núi Chúa của dân miền biển từ xa vọng về. Chính Dương Văn An là người đầu tiên viết về núi Kim Phụng. Trong “Ô Châu cận lục”, ông đã viết rằng, núi nằm ở “tại đầu nguồn huyện Kim Trà. Dáng núi đẹp cao nhọn lên hơn hẳn các núi non bên hữu. Sánh nhìn bốn phía, trông như kho đụn”. Cái tên “đụn” của dân gian có thể có xuất xứ từ đó. Ngay cả tên gọi “Thương Sơn”, theo cách thông dụng mà tôi được biết, là do dáng núi nhọn và cao hơn hẳn các núi đồi xung quanh, trông như một kho lúa (tiếng Hán gọi là thương).

Xứ Huế vẫn tự hào là vùng đất của lắm sông và nhiều núi. Cùng với con sông Hương, sông Bồ... đẹp nổi tiếng và đã trở thành một phần của lịch sử, là những ngọn hùng vĩ in dấu trong tâm trí bao thế hệ, như Ngự Bình, Bân Sơn, Kim Phụng, Ngọc Trản, Quy Sơn... Người Huế mình cũng đã có nhiều kiểu đặt tên cho núi, trong đó có cách dựa vào dáng hình và vị thế, nó có vẻ gần gũi, chân chất mà ý nghĩa không kém phần sâu xa, với bao điều gửi gắm. Cũng như những tên gọi khác của núi Kim Phụng, tên gọi núi Rùa ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc chẳng hạn là một minh chứng.

Cái tên núi Rùa hay Quy Sơn (trong sách vở), cũng là Dương Văn An viết và lý giải trong “Ô châu cận lục”: “Núi nằm ở huyện Tư Vinh, gần xã Hoài Vinh. Phía ngoài thì bể cả bọc phương đông, phía trong thì một phần bể bao bọc quanh phương tây, phía nam thì cửa bể Tư Dung chảy ra. Trong có nhiều kênh rạch quanh co, trên có tháp (cổ) chót vót. Hình núi giống như cổ rùa nên đặt tên thế”. Núi sau đó còn được Quốc sử quán triều Nguyễn đặt tên Linh Thái (nghĩa đen là núi hình rùa linh thiêng) và còn nữa là tên núi Hãn Môn (nghĩa đen là núi giữ cửa biển”. Núi Rùa cao 146 mét, nằm ở cửa biển Tư Hiền là một biểu tượng cho thế đất miền Trung dài và hẹp, có dãy núi Trường Sơn ăn ra tận biển mà ta bắt gặp trong chương trình địa lý phổ thông.

Còn nữa những tên gọi của núi ở Huế gợi lên trong ta bao suy nghĩ về tư duy và đời sống tinh thần của người dân xứ Huế. Cảm nhận về đặt tên cho núi từ dáng hình và vị thế, do thế là thêm một khám phá thú vị về Huế, vùng đất văn hóa đặc sắc, chất chứa bên trong bao điều bất ngờ và mới lạ.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top