Công tác cán bộ phải vì lợi ích của dân, vì nhiệm vụ chính trị để xem xét, bổ nhiệm cán bộ có đủ đức, đủ tài, có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xứng đáng với vị trí được giao. Có như vậy, sự nghiệp cách mạng mới thành công. Quy trình công tác cán bộ bao gồm từ quy hoạch, đào tạo, thử thách, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ…
Từ năm 2005, chủ trương của Bộ Nội vụ tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo đã được các nhà làm công tác tổ chức cán bộ hoan nghênh. Nhưng cho đến nay, sau 7 năm, số địa phương thực hiện chủ trương này còn quá ít.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời tiêu biểu nhất về việc phát hiện, sử dụng nhân tài. Cốt lõi tư tưởng của Người về phát hiện, sử dụng nhân tài là lòng thiết tha thực sự cầu hiền, xuất phát từ tư tưởng nhân văn, dựa trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vì Tổ quốc trên hết. Đất nước ta không thiếu người có tài, có đức. Vấn đề là phải có sự đồng bộ từ nhận thức, thái độ đến cơ chế, chính sách trong phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, cất nhắc và đãi ngộ…
Tổ chức thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo là một khâu rất quan trọng trong toàn bộ quy trình công tác cán bộ. Một số địa phương như Đà Nẵng, Long An, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã tổ chức thí điểm thực hiện thi tuyển cạnh tranh đối với một số chức danh lãnh đạo như: trưởng phòng, phó trưởng phòng cấp sở và lãnh đạo một số đơn vị sự nghiệp công lập.
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thi tuyển các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc thành phố quản lý. Quảng Ninh mới là địa phương đột phá trong việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở, ngành. Đồng Tháp cũng đã thi tuyển Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và đã chọn được người mà đại đa số lãnh đạo tỉnh và giáo viên đồng tình với cách làm tương tự như Quảng Ninh. Theo đó, 4 ứng cử viên ưu tú nhất trong diện quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh được một Hội đồng tuyển chọn và yêu cầu viết Chương trình hành động cho một nhiệm kỳ làm phó giám đốc sở. Chương trình hành động được trình bày trước Hội đồng và ứng cử viên đó phải trả lời những câu hỏi phản biện. Hội đồng còn cho lấy ý kiến, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong ngành giáo dục và đào tạo.
Việc thi tuyển hai chức danh lãnh đạo cấp sở (Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) ở Quảng Ninh vừa qua, ngoài các tiêu chí chung theo quy định của pháp luật hiện hành, Tỉnh ủy Quảng Ninh còn nêu rõ người “chưa phải đảng viên, người có bằng đại học tại chức, người không có hộ khẩu ở địa phương đều được dự tuyển”. Đây là một tư duy rất nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về tuyển dụng công chức.
Việc tổ chức thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo hiện nay chưa được pháp luật quy định. Đây là một chủ trương của Đảng và Nhà nước để đổi mới công tác cán bộ, là một vấn đề cần phải tổ chức làm thí điểm để rút kinh nghiệm, sau đó, các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các quy định để thực hiện thống nhất trong cả nước.
Để loại trừ những tiêu cực có thể phát sinh trong thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo, nhất thiết phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, công bằng trong quá trình tổ chức thi tuyển; xây dựng quy chế thi tuyển, trong đó, coi trọng việc xác định các tiêu chí cụ thể để đánh giá các nội dung thi; một Hội đồng chấm thi được thành lập, gồm những thành viên có tâm và có tầm, hoạt động độc lập với tinh thần trách nhiệm cao và hoàn toàn khách quan, không bị tác động bởi chủ quan, hoặc một yếu tố nào đó trong khi xét kết quả thi tuyển.
Thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo là một khâu đổi mới quan trọng trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Ưu điểm nổi bật của việc thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo là thực hiện được nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong việc bổ nhiệm cán bộ; mặt khác, phát hiện và lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo cũng là giải pháp khắc phục tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền” mà dư luận hiện nay đang quan tâm.
Nếu coi việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là khâu sau để loại thải những người không xứng đáng thì việc thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo chính là khâu đầu vào, là một giải pháp, một cơ hội để tinh lọc bộ máy. Việc thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo không chỉ dừng ở cấp địa phương mà nên thực hiện cả ở cấp Bộ.
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI đã xác định: “Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước… Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục. Công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa…”
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XI) đã nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” là một trong ba vấn đề cấp bách mà Đảng ta dồn sức “tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt”.
Thiết nghĩ, tỉnh ta nên nghiên cứu, tham khảo việc tổ chức thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo ở các địa phương nói trên và sớm tổ chức thí điểm ở địa phương mình, cùng với cả nước, với quyết tâm chính trị cao, đổi mới một bước công tác cán bộ theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo thực sự có tài, có tâm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.