ClockThứ Năm, 21/10/2010 14:25

Thiếu hoạt động tôn vinh sách quý

TTH - 1. Cuộc triển lãm về Kiều với gần 1.000 bản sách quý tại Trung tâm mục vụ giáo phận Huế bên lề hội thảo về thân thế, sự nghiệp của L.Cadière là một hoạt động thu hút sự quan tâm của những người yêu văn hóa. Tiêu điểm là sự xuất hiện của bản sách cổ Kim Vân Kiều tân truyện (Nhâm Thân 1872, tái bản năm Tân Hợi 1891) từng đạt giải cuộc thi Những cuốn sách vàng 2004. Theo hiểu biết của những người yêu sách, mảnh đất thần kinh vốn là trung tâm văn hóa một thời, ắt sẽ có những bản Kiều gần như chuẩn, hoặc được in; hoặc được triều đình bảo quản, lưu giữ. Ngoài giá trị thời gian, nó còn có độ chính xác cao, hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, tiến tới xác định một bản Kiều nguyên gốc.

2. Huế - Kinh đô xưa mang trong mình nhiều trầm tích văn hóa. Dấu ấn lịch sử văn hóa được thể hiện qua những tác phẩm đặc sắc đến nay vẫn còn giá trị như: Phủ Biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam văn hóa sử cương, Đô thành hiếu cổ... Đất Cố đô cũng là gắn liền với tên tuổi các nhà nghiên cứu nổi tiếng như Đào Duy Anh, Tôn Thất Dương Kỵ, Bửu Kế... Huế cũng có những tủ sách quý, thư phòng nổi tiếng của nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Hữu Châu Phan...

3. So với hai đầu đất nước, hoạt động trưng bày, triển lãm sách ở Huế khá hiếm hoi. Ngoài ngày hội sách do Công ty Phương Nam tổ chức; một số đơn vị, trường học cũng mở hội sách nhưng quy mô nhỏ lẻ. Ở TP Hồ Chí Minh có hẳn những ngày hội sách lớn, trong khuôn khổ đó là cuộc thi những cuốn sách vàng, cuộc thi tủ sách gia đình... Đây là cơ hội để người yêu sách “khoe” những đứa con tinh thần và cũng là dịp phát lộ nhiều bản sách quý. Khi quy mô Hội thi tủ sách gia đình được mở rộng, hai tủ sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Hữu Châu Phan đã đạt được giải cao khiến những “thí sinh” khác thay đổi cách nhìn về giá trị những bản sách được lưu giữ tại Huế.
 
Tuy nhiên, sự tôn vinh văn hóa đọc hiện nay chưa được xã hội hóa và chưa tương xứng với vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa như Huế là một điều đáng tiếc. Sách cũ, sách quý được ví như vàng rơi trong nhân gian liệu sẽ có cơ hội tụ họp và tỏa sáng hay không cần một động thái tích cực hơn từ phía những người làm công tác quản lý văn hóa.

L.Tuệ 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top