ClockThứ Năm, 19/12/2013 06:13

Thương lắm chột nưa

TTH - Lúc còn là học trò, đọc câu thơ của Tố Hữu:“Ăn đi vài con cá/ Năm bảy cái chột nưa”, tôi cứ liên tưởng đến cái chột môn ở quê mình ở làng Dạ Lê Thượng. Sau này đi đây đó, về ngay làng Tân Xuân Lai của chính nhà thơ Tố Hữu và cả những làng bên, chứng kiến cả cánh đồng nưa, tôi mới à ha, nó giống mà lại không giống. Chột nưa và chột môn y chang nhau ở cái chột. Khác nhau là ở chỗ, với cây môn, phần chột chỉ là phụ, thu nhập chính là ở củ. Còn với cây nưa, mọi tinh túy đều dồn cả về đây, nơi phần chột và cũng là phần thân cây.

Chột nưa (tước vỏ từ gốc lên đến ngọn) có thể chế biến thành chột nưa xắt khúc, xắt lát đem kho hay tước nhỏ làm với dưa kiệu là những món ăn dân dã và khoái khẩu lâu nay của người dân làng Tân Xuân Lai, cả xã Quảng Thọ và vùng lân cận thuộc huyện Quảng Điền. Cây nưa bây giờ được trồng nhiều ở các thôn Phước Yên, La Vân Thượng, La Vân Hạ. Ngó bộ dáng hình mượt mà kia, thế mà không như loại rau má có thể trồng được quanh năm, cây nưa chỉ trồng được một mùa. Khi nước lũ mấp mé trên đồng ruộng cũng là lúc bà con Quảng Thọ hối hả thu hoạch nưa. Để rồi, ngày mưa lạnh có món chột nưa kho với cá đồng, con chim sẻ hay thịt heo, ăn với cơm nóng, eo ôi, tôi biết lắm, no bụng rồi mà vẫn cứ thèm cơm. Bây chừ còn thế huống chi xưa, cuộc sống bao cơ cực và đói nghèo. Còn nữa, nghe đâu, người Nhật còn dùng tinh bột chột nưa để ăn và cả nấu rượu nưa nữa.

Tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều cây trồng ở những vùng quê khác nhau ở Thừa Thiên Huế. Mới hay cũng ít có loại như cây nưa ở Quảng Thọ. Nó dễ trồng, không cần bón các loại phân hóa học như các loại rau màu khác mà chỉ cần ít phân chuồng hoặc phân xanh khi bắt đầu trồng. Cây nưa lại dễ chăm sóc, không bị sâu bệnh phá hoại, nên được xem là rau sạch do không phun thuốc trừ sâu. Bởi thế mới có chuyện cây nưa không thể mở rộng diện tích do thị trường tiêu thụ mà chỉ loanh quanh trong tỉnh do thức ăn chế biến từ nưa chưa thật phong phú và hấp dẫn, nhưng người dân Quảng Thọ vẫn cứ tha thiết với cây trồng dễ mến, ít đòi hỏi, biết “chịu khó chịu thương”, đã bao đời nay rồi gắn bó cùng người nông dân.

Có lẽ trong những ngày gian khổ bị giam cầm ở nhà lao đế quốc, nhà thơ lớn Tố Hữu của chúng ta đã nhớ nhiều về quê hương, về dòng sông Bồ, về những bãi bồi ven sông, về những bữa ăn có món chột nưa trong những bữa cơm nhiều mưa lạnh kía, như một biểu tượng nghèo khó của quê hương, để rồi từ nỗi nhớ da diết và lắng đọng ấy mà những câu thơ trong bài “ Con cá, chột nưa” ra đời, như tiếp thêm sức mạnh cho chính Tố Hữu và các đồng chí của ông như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vững bước trên con đường đấu tranh cách mạng, dệt nên ước mơ về một ngày mai tươi đẹp cho quê hương.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top