ClockThứ Năm, 13/03/2014 05:30

Tôn vinh các giá trị đích thực cho khoa học xã hội nhân văn

TTH - Năm nay, khi chọn môn thi tốt nghiệp PTTH, nhiều học sinh đã không mặn mà chọn môn lịch sử. Có trường công bố tỷ lệ 0% học sinh chọn thi môn này, phần lớn tỷ lệ chọn thi môn lịch sử từ 1% đến 4%, có trường chỉ có một em đăng ký (!)

Phản ứng trước kết quả này, có hai luồng ý kiến. Một là ủng hộ việc học sinh không chọn thi môn lịch sử. Những người ủng hộ này lý giải: Lối dạy và học chú trọng ghi nhớ “biên niên sự kiện” và áp đặt sự bình luận khiến học sinh chán; thi lịch sử học bài mệt hơn các môn tự nhiên, trong lúc các môn tự nhiên có thể thi trắc nghiệm thì môn lịch sử phải học thuộc lòng; các môn khác dễ có điểm cao hơn môn lịch sử nên phải ưu tiên; đừng nên hiểu học sinh không đăng kí thi sử thì giáo dục toàn diện phá sản, bởi trong nhiều năm đi học, học sinh đã trải qua nhiều thi kiểm tra…

Con số tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn lịch sử quá thấp lại là một hiện tượng bất thường. Đây là lý do cho luồng dư luận còn lại đau lòng và lo lắng. Trước đó, năm 2013, ngay sau khi biết môn sử không phải thi tốt nghiệp, có học sinh trường nọ đã vui mừng xé và tung đề cương ôn tập môn sử trắng xóa sân trường. Với phản ứng kiểu như thế, những môn khoa học xã hội bị quay lưng thì mục tiêu giáo dục toàn diện có nguy cơ phá sản là điều có thể thấy trước. Sâu xa hơn, khi môn học này bị coi thường, sẽ dẫn đến hệ lụy là một thế hệ không coi trọng nhận thức lịch sử.

Việc học sinh ngày càng không thích học môn sử cũng đồng nghĩa cho thấy học sinh không mặn mà gì với khối C trong kỳ thi đại học. Năm 2011, khi làm hồ sơ thi đại học, chưa đến 5% thí sinh chọn thi khối C. Dư luận lúc đó hết sức lo lắng và bàng hoàng về việc “rớt giá” thê thảm của khối C. Câu hỏi đặt ra là: đằng sau đó có những hệ lụy gì?

Giáo sư Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, lúc đó phát biểu trên diễn đàn Tạp chí Sông Hương rất bức xúc: Sự thất thế của khối C lúc này chưa phải là đã đến đáy nhưng cái đáy đó ai cũng đã nhìn thấy. Đừng chờ đến đáy mới giải quyết vấn đề. Bởi điều này về sâu xa báo hiệu sự suy giảm khủng khiếp về giá trị nhân văn. Để đào tạo nên một con người cần cung cấp tri thức khoa học và tri thức về xã hội, đây là hai yếu tố căn cốt.

Xu hướng chung hiện nay là học sinh lao vào đăng ký các ngành học liên quan đến kinh tế, hứa hẹn đem lại thu nhập cao trong tương lai. Việc ưu tiên hết sức cho phát triển kinh tế mà quên chăm lo phần xã hội nhân văn, nhất thời tạo ra sự sung mãn của xã hội nhưng con người sẽ ngày càng trở nên cằn cỗi. Phải có nền tảng tinh thần và đạo lí để tạo nên nền móng vững chải của sự giàu có.

Thừa Thiên Huế trên tiến trình xây dựng đô thị nhân văn, cùng với việc trùng tu lại các di sản văn hóa, tổ chức thành công các kỳ Festival, các giá trị khoa học xã hội khác cũng đã được quan tâm tôn vinh: tổ chức Giải thưởng Cố đô về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Cố đô về Khoa học Công nghệ… Đó chính là hướng đi đúng, rất cần mở rộng hơn nữa trong thời gian đến, chẳng hạn như xúc tiến xây dựng bảo tàng văn học nghệ thuật là một ví dụ.

Một câu chuyện ấm lòng, tại A Lưới, hiện các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đứng chân trên địa bàn hầu như trường nào cũng đăng kí nhận chăm sóc và phát huy giá trị các di tích trong đó có di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh, nghĩa trang liệt sĩ huyện, nhà bia ghi danh tưởng niệm liệt sĩ xã, các địa đạo… Đó chính là những việc làm hết sức ý nghĩa trong bối cảnh giáo dục các môn xã hội quá nhiều điều đáng lo lắng như hiện nay.

Những việc làm đó ở A Lưới, Thừa Thiên Huế rất cần được nhân rộng.

Muốn chấn hưng được sự quan tâm chung đối với khoa học xã hội thì không chỉ báo động suông mà phải có chính sách thỏa đáng. Trong nhà trường thì ngành giáo dục phải đổi mới việc dạy và học các môn xã hội... Ngoài xã hội thì việc trân trọng các thành quả của khoa học xã hội nhân văn đúng như nó đáng phải có, chính là đòn bẫy cho toàn xã hội nhìn vào. Ở mỗi gia đình, đứa trẻ phải được sự giáo dục từ chính bố mẹ, coi tri thức khoa học nhân văn như của cải tinh thần, không cứ muốn theo đuổi các ngành xã hội nhân văn mới học văn….

Làm được những việc như thế, mới hy vọng tôn vinh lại các giá trị đích thực cho khoa học xã hội nhân văn trong bối cảnh đất nước xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặng Ngọc Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top