Vào lúc nông nhàn, khi hạt ươi chín rộ, người dân nhiều xã miền núi đổ xô vào rừng, đốn hạ những cây ươi hàng chục năm tuổi để lấy hạt bán cho thương lái. Những cây ươi cổ thụ ngã gục không đếm xuể. Những gùi ươi nặng trĩu lén lút quẩy về miền xuôi, để lại những cánh rừng trống bị tàn phá loang lổ.
Việc phá rừng dưới lý do mưu sinh đã được nói đến nhiều. Nhưng sau chiến dịch tìm trầm, đốn cây dầu dè chế biến xá - xị, khai thác gỗ quý, nay lại đến cây ươi. Lá phổi của trái đất, tấm chắn phòng hộ cho con người là rừng, cay đắng thay lại bị chính con người tàn phá.
Không còn là cảnh báo, khi mỗi mùa mưa lũ, lở đất, lũ quét lại diễn ra nhiều hơn, tàn khốc hơn. Chúng thình lình cuốn trôi, vùi lấp những ngôi trường, những làng bản. Cùng với tàn phá rừng là những cuộc di dân, chạy trốn sạt lở núi diễn ra ở Tây Nguyên, Hà Giang... Hiện, dự án di dời các bản làng ở các tỉnh miền núi phía Bắc ra khỏi vùng sạt lở rất tốn kém và chưa biết khi nào mới dừng lại.
Ở vùng biển Phú Vang, Phú Lộc lại rộ lên chuyện khai thác cát biển bừa bãi phục vụ nhu cầu xây dựng. Bờ biển bị băm nát bởi những hố sâu rỉ nước. Mỗi hố cát bới lên, mỗi xe cát rời đi, người dân hoan hỉ có thêm nguồn thu nhập. Cuộc sống cơ cực hôm nay của một bộ phận ngư dân được cải thiện, để rồi phải trả một cái giá đắt hơn nhiều lần. Bờ biển bị tàn phá sẽ kéo theo những hệ lụy của sạt lở, của cát bay, cát lấp...
Cũng không còn là cảnh báo bởi nhiều năm qua, tiến trình sạt lở bờ biển âm ỉ ăn vào đất liền ở một loạt các xã Vinh Hải, Hải Dương, Phú Hải của Phú Lộc, Hương Trà, Phú Vang... Mỗi cơn bão đến, lại có thêm những ngôi nhà cận kề mép vực.
Xã hội đương đại đã có thêm một cụm từ mới: Tỵ nạn môi trường. Nhưng con người sẽ chạy về đâu khi sự tàn phá môi trường diễn ra cả rừng sâu, tận bờ biển và ngay trên những lòng sông?.
Có một câu chuyện có thật ở Bắc Kinh - Trung Quốc, khi một đôi vợ chồng phải ly hôn vì ô nhiễm môi trường. Cậu con trai của họ không chịu được khói bụi ở Bắc Kinh, phải thường xuyên theo mẹ về quê. Khoảng cách chia xa lâu ngày đã vô tình tạo ra những khoảng trống, những sứt mẻ không thể hàn gắn...
Và cũng không còn quá xa, khi các nhà khoa học cảnh báo, khoảng 50 năm nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ khan hiếm trầm trọng nước ngọt. Đó sẽ thực sự là một cái chết dai dẳng.
Nhưng gần hơn lại là những cái chết tức khắc khi đầu năm đến nay, cả miền Trung đã có 8 người chết do khai thác hạt ươi.