ClockThứ Năm, 13/09/2012 06:02

Trăm gian và... trăm mối tơ vò

TTH - Câu chuyện về hai công trình nhà Tổ và gác Khánh ở chùa Trăm gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) – di tích đã được xếp hạng Quốc gia từ năm 1962 bị phá dỡ vào khoảng trung tuần tháng 8 vừa qua trở thành một sự kiện nóng trên diễn đàn công luận. Bàng hoàng, xa xót, hụt hẫng, nuối tiếc... là những biên độ tình cảm đã được thể hiện khi di sản văn hoá gần 1.000 năm tuổi với vẻ đẹp linh thiêng, cổ kính và một bề dày lịch sử bị xâm phạm và mất đi giá trị nguyên gốc.

Cho đến lúc này thì việc xác định mức độ sai phạm, đối tượng sai phạm gần như đã đi đến hồi ngã ngũ. Suy cho cùng thì việc phá huỷ đã được bắt đầu từ thành ý, ấy là khi nhà chùa lo cho sự xuống cấp của công trình đến hồi khó cứu vãn, lo cho sự an toàn của người dân khi vãn chùa... nhưng phần vì không thông hiểu Luật Di sản, phần vì quá nóng ruột nên đã đặt việc vào sự đã rồi. Trong khi đó, mặc dù đã có phương án trùng tu, được cơ quan chủ quản phê duyệt dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo và được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch chấp thuận cấp kinh phí trong năm 2011 nhưng do chưa có nguồn để bố trí kinh phí nên việc trùng tu, tôn tạo chưa thể tiến hành.

Vấn đề đặt ra ở đây không chỉ ở 5 tỷ đồng tiền công đức của dân và tiền nhà chùa đi vay để làm mới hai công trình nêu trên đã đổ sông, đổ biển mà còn là những hệ luỵ mà nó để lại khi giải quyết và khắc phục hậu quả. Nhiều hơn và lớn hơn, là một khoảng trống rất lớn trong nhận thức của người dân về di sản, là sự e dè và vơi vớt lòng tin đối với vai trò giám sát, bảo vệ di sản của chính quyền sở tại và cơ quan chức năng. Ở đây, theo chúng tôi, bên cạnh sự nóng vội của nhà chùa, của người dân, rất cần sự nóng ruột của các cơ quan thẩm quyền đối với những công trình di sản văn hoá đang cần được cứu nguy, cần được trùng tu, tôn tạo và cần có cơ chế ưu tiên đầu tư kinh phí để gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng các di sản văn hoá của dân tộc.

Với hàng ngàn di tích hiện diện trên địa bàn, điều may mắn đối với Thừa Thiên Huế là chưa có một sự cố hy hữu nào xảy ra như chùa Trăm gian ở Hà Nội. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của quá trình bảo tồn di sản văn hoá vật thể trên địa bàn, có lẽ cũng đã đến lúc cảnh báo về nguy cơ công trình mất bền vững ở các di sản. Điều này trở nên đáng lo hơn khi theo báo cáo của Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, mỗi năm cả tỉnh có từ 200 đến 300 di tích (trong tổng số 891 di tích văn hoá và lịch sử được đưa vào danh mục quản lý) cần được đầu tư tôn tạo nhưng chưa thể bố trí nguồn kinh phí. Sự xuống cấp ở các di tích này sẽ tăng dần lên theo từng năm. Nhu cầu về nguồn kinh phí do vậy cũng tỷ lệ thuận với nhu cầu cần được đầu tư, đấy là chưa kể những biến động về giá cho vật liệu, nhân lực lao động và thợ thủ công truyền thống...

Cũng như tất cả các địa phương trong cả nước, chúng ta đang đứng ở một thời điểm khó khăn. Trong quá trình phát triển, ở những thời điểm nhất định, có rất nhiều yêu cầu và nhu cầu lớn hơn cần được ưu tiên tập trung đầu tư và khó có thể cùng lúc giải quyết được tất cả các vấn đề. Tuy vậy, sự nóng ruột về sự xuống cấp công trình ở các di tích trên địa bàn cũng là điều đang hiện hữu, một nỗi lo như trăm nỗi tơ vò. Thế nên, một danh sách cho các công trình cần được ưu tiên hàng đầu cho đầu tư trùng tu, tôn tạo có lẽ cũng là điều cần được thực hiện ngay. Bên cạnh đó là việc tăng cường hơn nữa vai trò quản lý giám sát của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, vai trò của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về di sản và Luật Di sản... Với sự cộng hưởng từ nhiều phía như vậy, việc bảo tồn các di tích - di sản văn hoá có lẽ mới giữ được tính nguyên gốc, nguyên trạng cho sự đầu tư khi có nguồn chứ không rơi vào sự nóng vội, duy ý chí như đã xảy ra ở chùa Trăm gian.

Hạnh Nhi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top