ClockThứ Năm, 27/06/2013 11:41

Trèo lên Mỏ Tàu

TTH - Tuổi lên mười ở vùng tạm chiếm, tôi bị ám ảnh bởi những tiếng súng và bắt đầu nghe nói nhiều về Mỏ Tàu. Bao quanh làng Dạ Lê Thượng quê tôi về phía tây nam là những núi đồi nhấp nhô và ở đó có Mỏ Tàu.  

Bấy giờ để bảo vệ phía nam thành phố Huế, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng một hệ thống phòng thủ dày đặc với 2 điểm nhấn đặc biệt ở ấp 5 Thủy Phương và khu vực sân bay Phú Bài. Vùng rừng núi phía tây nam bao quanh những căn cứ này trở thành nơi tranh chấp ác liệt. Những trận đánh lớn liên tục xảy ra và cái tên Mỏ Tàu máu lửa đi vào tâm trí tôi từ đó. Sau này tôi được biết về chiến dịch lớn mang tên La Sơn - Mỏ Tàu vào năm 1974 như một sự khởi đầu cho cuộc Tổng tiến công Xuân 1975 trên đất Thừa Thiên Huế. Thời khắc lịch sử vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 28/9/1974 khi lá cờ giải phóng phất phới tung bay trên cứ điểm Mỏ Tàu. Trận đánh chiến lược quan trọng này được các chiến sĩ Sư đoàn 324 và Trung đoàn 6 thực hiện xuất sắc đã kết thúc thắng lợi chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu. 30 ngày đêm chiến đấu liên tục với 4 đợt tiến công, 1.800 tên địch bị tiêu diệt và bắt sống (và tất nhiên, thương vong về phía ta cũng không hề nhỏ). Chỉ con số chừng ấy thôi cũng nói lên sự khốc liệt của chiến tranh. Máu đã nhuộm đỏ cây cỏ nơi đây. Nhưng điều quan trọng hơn qua chiến dịch này là ta đã thu hẹp vùng chiếm đóng và phá vỡ hệ thống phòng ngự phía tây nam Huế của địch, mở đầu cho sự kết thúc hoàn hảo sau đó vào mùa Xuân 1975.

Trên đỉnh Mỏ Tàu, phía sau là đập Tả Trạch

Gần 40 năm sau ngày giải phóng tôi mới có dịp đến với Mỏ Tàu thuộc địa phận xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, mang theo tâm trạng khao khát tìm hiểu và giải mã những điều tuổi thơ cảm nhận về chiến tranh. Đã có những tuyến đường mở ra đến tận chân núi. Những tán rừng trồng cũng đã khép tán nơi lưng chừng núi, nhưng Mỏ Tàu với 3 ngọn núi sừng sững Mỏ Tàu 1, Mỏ Tàu 2 và Mỏ Tàu 3 vẫn như sự thách đố sức vóc con người. Đường lên các đỉnh Mỏ Tàu dựng đứng buộc người chinh phục phải chuẩn bị, luôn cảnh giác và tập trung cao độ. Một sự vô ý, sẩy chân có thể rơi ngay xuống vực thẳm phía dưới và hậu quả là điều không lường hết được. Hành trình kéo dài hàng tiếng đồng hồ, vậy nhưng một cảm giác thật đặc biệt khi chạm đỉnh. Trên đỉnh Mỏ Tàu cao nhất tới 325 mét, thu vào tầm mắt con người là cả một vùng đất phía tây nam Huế. Nhìn ra phía biển là Phú Bài và đồng bằng các vùng Hương Thủy, Phú Lộc. Ngược lên phía bắc là Huế. Đặc biệt từ đỉnh cao Mỏ Tàu có thể nhìn thấy rõ ràng con đập Tả Trạch và cả vùng sông Hai Nhánh phía sau tương lai sẽ ngập chìm trong vùng lòng hồ thủy lợi rộng lớn. Còn nữa là những địa danh đã đi vào lịch sử kháng chiến của Thừa Thiên Huế như núi Nghệ, núi Bông… Mỏ Tàu đã như vọng lâu phía nam của Huế. Hèn chi mà trong chiến tranh, bên nào cũng bằng mọi cách chiếm giữ.

Trèo lên đỉnh cao Mỏ Tàu hôm nay mới cảm thấy sự nhọc nhằn, khó khăn và vất vả của người lính năm xưa khi mà sự sống và cái chết liền kề trong gang tấc. Hôm đặt vấn đề trèo lên Mỏ Tàu, người lính năm xưa nay đã là cán bộ hưu trí ở thị trấn Phú Bài là anh Lê Hữu Tòng vui lắm. Chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu nổ ra, anh Tòng là Huyện đội trưởng Hương Thủy phụ trách phối hợp chiến đấu với các lực lượng bộ đội chủ lực chiến đấu giằng co với địch. Buổi sáng chuẩn bị lên đỉnh, anh Tòng mời cả mấy anh em ra quán bún bò ngon nhất ở Phú Bài. Mỗi người ăn một tô bự chang. Anh Tòng bảo, như vậy mới có sức mà leo lên Mỏ Tàu. Lượng sức giờ đã giảm sút lắm rồi, anh Tòng ngồi đợi ở dưới núi. Ở tuổi xấp xỉ 70, anh Tòng không quên một thời trai trẻ và oanh liệt đã chiến đấu nơi đây. Nhìn những dãy đồi núi nhấp nhô, anh Tòng thật tọ vẹ khi gọi tên. Bên cạnh Mỏ Tàu 1, 2 và 3 là đồi O Dễ, đồi O Chát, đồi Ba Lô, đồi Lá Nón, ngã ba Xoong (nơi bộ đội hành quân vô tình làm để rơi xoong gây nên tiếng động), rồi cửa rừng Vạt Xoài, cửa rừng Mồ Côi… Anh Tòng bảo, đó là tên gọi mà bộ đội mình đặt trong chiến tranh để gọi cho gần gũi và dễ nhớ. Nó gắn liền với những kỷ niệm về con người hay những hồi ức khó quên trong những tháng ngày ác liệt.

Tôi nghe chuyện, bỗng nhớ về suối Máu hay dốc Mạ Ơi phía trên này từng biết. Ở Thừa Thiên Huế mình đã có biết bao tên gọi địa danh của thời máu lửa. Nó như nhắc nhở cho các thế hệ về một thời đạn bom không dễ gì quên và còn nữa là một tính cách Huế thật dung dị trong ứng xử, trong cách xưng hô, gọi tên. Bản đồ chiến tranh chỉ còn lại những điểm cao số hóa khô khan và lạnh lùng, nhưng trong ký ức của anh Tòng và những đồng đội là những cái tên O Dễ, O Chát… biết mấy thân thương. Nó là sự bổ sung tuyệt vời cho một nét Huế thời chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng mà không dễ gì ai cũng biết và cũng cảm nhận được.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top