Thứ Sáu, 14/01/2011 05:05
(GMT+7)
Trở về với văn hóa dân gian
TTH - Trong những lần đến vùng cao A Lưới, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều em nhỏ say mê với các trò chơi dân gian... Một số thầy cô cho biết, đây là hình thức giáo dục gần gũi, dễ hiểu và kích thích sự phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ. Trước đó, dự án Sân khấu học đường được triển khai ở một số đơn vị giáo dục trên địa bàn đã tạo nên tiếng vang lớn. Ngoài việc tìm kiếm lực lượng bổ sung cho nền văn hóa truyền thống đang ngày càng già đi, dự án còn thổi một luồng gió mới vào tình yêu nghệ thuật dân tộc trong lớp trẻ.
Xa hơn ở các làng quê, tự thân người dân đã khôi phục những bài hát, điệu múa cổ phục vụ sinh hoạt văn hóa. Một số làn điệu đã ra mắt tại các cuộc liên hoan văn hóa nghệ thuật quần chúng khiến người xem nức lòng còn người làm công tác quản lý văn hóa thì mừng thầm bởi loại hình nghệ thuật dân gian này vẫn còn sức hút đặc biệt trong dòng chảy văn hóa. Mừng hơn, một trong các sản phẩm đó là múa Náp, múa Thiên hạ thái bình... đã được đưa vào phục vụ tour du lịch, thậm chí là lọt vào tầm ngắm của các dự án phát triển văn hóa.
Mới đây, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch thị xã Hương Thủy tổ chức lớp tập huấn hát dân ca cho cán bộ văn hóa tuyến cơ sở. Đây không phải là đơn vị đầu tiên có sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát huy dân ca. Một cán bộ phụ trách về chuyên môn lớp tập huấn cho rằng, Huế là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống, không biết tận dụng thế mạnh sẵn có sẽ rất lãng phí. Trong các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật toàn quốc, nếu đưa ca múa nhạc đương đại ra thi thố, ta không bằng bạn; còn tận dụng mảng dân ca, mang bản sắc cây nhà lá vườn thì xác suất chiến thắng bao giờ cũng nhiều hơn.
Phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống đã khó nhưng phải làm sao để nó có sức sống lâu bền hơn, ví như cần môi trường diễn xướng thường xuyên, xây dựng đội ngũ nhân lực kế cận... Nếu chỉ là nỗ lực của những người công tác văn hóa không thì e chưa đủ...
Linh Tuệ