Một góc thành phố biển Nha Trang
Nha Trang là một trong những thành phố “phát triển nóng” về du lịch. Sự thay đổi ấy diễn ra từng năm, mỗi năm mỗi thêm cái mới, hiện đại, lịch sự, sang trọng và cho thấy đây là một thành phố du lịch biển sôi động. Nếu năm 1996, khách sạn cao nhất ở Nha Trang lúc ấy là Nha Trang Lodge 13 tầng thì nay Nha Trang đã có khách sạn cao 41 tầng (Best Western Premier - Havana Nha Trang), và nhiều khách sạn đang xây dựng, có chiều cao 30- 40- 50 tầng như khách sạn Mường Thanh Quê Hương ( cao 42 tầng- chưa kể 2 tầng hầm và 1 tum mái, cao 166 mét), Tropicana Nha Trang Complex ( 50 tầng)…. Những tập đoàn lớn về khách sạn như Sheraton, Best Western, InterContinnental Hotels Group, Sunrise đều có mặt ở Nha Trang… Nha Trang là thành phố biển, sự phát triển du lịch biển ở Nha Trang cho người Huế chúng ta khi đi du lịch ở đây nhiều suy nghĩ.
So với Nha Trang hay nhiều địa phương trong cả nước, Thừa Thiên Huế của chúng ta là một điểm đến du lịch đa dạng và phong phú. Huế có đủ các loại hình du lịch: du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch chiến trường xưa…. Nếu xét về góc độ sang trọng, cao cấp, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng biển ở Huế đâu có thua gì Nha Trang hay bất cứ địa phương nào trong cả nước, thậm chí lợi thế về thiên nhiên thơ mộng còn đem đến cho những khu nghỉ dưỡng ở Huế khung cảnh tuyệt vời mà ít nơi nào sánh kịp. Như Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna ( thôn Cù Dù- Lộc Vĩnh- Phú Lộc), Nirvana Spa & Resort Lăng Cô hay Ana Mandara Huế ( Thuận An) đẳng cấp thuộc vào hàng quốc tế, sang trọng bậc nhất, rất xanh, rất thân thiện theo đúng chuẩn của thế giới, xứng đáng là những địa chỉ du lịch biển vì môi trường.
Có đầy đủ loại hình du lịch như vậy, lại thêm ẩm thực thuộc vào hàng tuyệt vời- vừa ngon- vừa rẻ nhưng tại sao khi nhắc đến thành phố du lịch, Huế vẫn chưa phải là hàng đầu?!.
Nha Trang - nơi biển trong lòng thành phố. Một con đường Trần Phú dài hơn 4 km chỉ toàn khách sạn, khách du lịch chỉ cần băng qua đường là đến biển. Sự dày đặc luôn tạo cảm giác đông đúc, nhộn nhịp. Và đúng thế thật, chỉ riêng con đường Trần Phú ở Nha Trang đã tạo những ấn tượng về sự phát triển du lịch ở đây: du khách nước ngoài và trong nước đi lại nhộn nhịp, đông đúc. Vài năm gần đây, du khách Nga đến Nha Trang ngày càng nhiều. Về đêm, Nha Trang có một khu chợ dành cho người Nga, đèn sáng trưng, hàng hóa phong phú. Và dĩ nhiên du khách các nước khác cũng tham quan, mua bán ở đây. Cái không khí này, chúng ta có thể bắt gặp ở Huế, đó là khu phố Tây đường Phạm Ngũ Lão. Nhưng quả thật, hàng hóa ở khu phố Tây đường Phạm Ngũ Lão là áo quần, vải vóc, hàng lưu niệm, tranh ảnh, vài quán ăn… chỉ mới là mua bán nhỏ chứ chưa đủ sức để khách phải chi những món tiền lớn hơn.
Thứ hai, nói về phát triển du lịch thì phải nhìn vào cơ sở hạ tầng, giao thông, khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi. Những khách sạn 40 hay 50 tầng dễ làm cho người ta choáng ngợp. Lời ngợi khen cất lên khi bản năng chinh phục trong mỗi con người được đáp ứng. Và điều đó thì Nha Trang đã và đang có những khu liên hợp khách sạn- căn hộ cao cấp 40-50 tầng- những tòa nhà cao vời vợi. Nhưng đời sống con người đâu chỉ có chiều cao mà quan trọng là chiều sâu. Huế là chiều sâu.
Du lịch Huế là du lịch nhìn vào bên trong- nội tâm con người. Huế không nhộn nhịp mà Huế cho du khách cơ hội sống chậm lại, cho du khách có điều kiện nhìn sâu vào bên trong nội tâm của con người mình. Đó là một thế mạnh của du lịch Huế. Nhưng ở Huế, du khách chưa phải là “thượng đế”. Dĩ nhiên để phục vụ như thượng đế thì chi trả cũng theo giá của “thượng đế”. Nhưng những người bán hàng ở Huế, những người phục vụ ở khách sạn, nhà hàng, quán ăn ở Huế mình vẫn còn mang phong cách của “mệ”, thủng thẳng, không săn đón vồn vã mà cũng không ơ hờ quá đỗi. Điều này cũng có cái hay riêng của nó, nhưng nói chung tâm lý của người đi chơi là muốn được phục vụ như một “thượng đế”, muốn gọi là có ngay….
Thứ ba là vấn đề hàng rong và vệ sinh. Bãi biển dài gần 4 km ngay trung tâm thành phố mà không thấy người đeo bám bán hàng rong, môi trường sạch sẽ, nhà vệ sinh (WC) công cộng miễn phí quá chuẩn, sạch sẽ thơm tho và lịch sự. Chỉ riêng về WC, Huế mình cũng cần phải thay đổi cách nghĩ. Từ bãi biển cho đến nhà hàng, quán cà phê, trung lưu cũng như bình dân… thì WC đều rất rộng rãi, sạch sẽ.Với một thành phố du lịch, chi tiết ấy tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng và đôi khi lại ghi điểm cho du lịch.
Sự phát triển nhà cao tầng đâu phải luôn là niềm vui. Những tòa cao ốc đang được xây dựng dọc đường Trần Phú làm người dân Nha Trang lo ngại bóng đen cao ốc sẽ làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của thành phố biển này. Những cao ốc và sự “phân lô” ngấm ngầm trên bãi biển đe dọa quyền được hưởng thụ tài sản thiên nhiên của người dân thành phố, ngay cả công viên Yersin cũng từng nằm trong tầm ngắm của một dự án khách sạn 45 tầng. Dự án này đã bị phản đối quyết liệt từ những người có chuyên môn và đã từng nắm giữ vai trò quản lý … Những bài học này từ Nha Trang là muôn đời không cũ đối với một thành phố phát triển về du lịch như Huế.
Cả Vịnh Nha Trang và Vịnh Lăng Cô của Thừa Thiên Huế đều được công nhận là Vịnh đẹp Thế giới. Nhìn tổng thể, Khánh Hòa cũng như TTHuế đều có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch biển, những thành công và cả những thách thức từ du lịch Nha Trang cũng sẽ là những điều mà Thừa Thiên Huế đã hoặc sẽ trải qua.
Đã và đang xảy ra tình trạng thiên nhiên đang dần được ưu tiên dành riêng phục vụ cho người có tiền. Nếu như vậy thì không khí, tinh thần của du lịch sẽ nghèo nàn và buồn chán vì nó thiếu hơi thở của đời sống thực tại. Bảo vệ quyền lợi thụ hưởng của người dân trong phát triển du lịch, đó cũng là một thách thức của những địa phương phát triển mạnh về du lịch...