ClockThứ Sáu, 15/05/2015 18:06

Vinh dự và trách nhiệm

TTH - Trong lộ trình hoàn thiện hồ sơ “Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” để đệ trình UNESCO đề nghị đưa vào Danh mục Di sản Ký ức của nhân loại, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã chính thức được đặt ra và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu văn hóa.

Trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam và 78 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Di sản tư liệu này đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế bảo tồn trong khả năng tốt nhất có thể cùng với các công trình kiến trúc chứa đựng di sản tư liệu này. Cụ thể là toàn bộ hệ thống đã được quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ, phòng tránh tình huống đáng tiếc bất ngờ xảy ra, đồng thời hạn chế việc phải tác động trực tiếp đến tư liệu gốc. Điều đáng lo, tuy mỗi ô thơ văn là cổ vật, nhưng vì gắn với những công trình cổ nên không thể áp dụng những phương pháp hiện đại để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm… Mục tiêu chiến lược của đơn vị quản lý là đề nghị với UNESCO đưa thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế vào Danh mục Di sản Ký ức của nhân loại, nhằm dễ dàng tiếp thu những công nghệ bảo quản hiện đại trên thế giới.

Theo TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục Trưởng Cục Di sản Văn hóa, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế chứa đựng các giá trị đáp ứng tiêu chí để trở thành di sản tư liệu của khu vực hoặc của nhân loại. Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, có bốn việc cần quan tâm. Đó là tăng cường nhận thức về sự tồn tại và ý nghĩa của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; chuẩn bị đội ngũ cán bộ làm công tác bảo quản; tổ chức kiểm kê, phân loại, tư liệu hóa, đánh giá giá trị và tình trạng kỹ thuật của di sản để có giải pháp bảo vệ phù hợp; cuối cùng là tăng cường việc trao đổi thông tin, phổ biến nội dung của hệ thống thơ văn này bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trong khi đó, PGS.TS Trương Quốc Bình - Chuyên viên cao cấp Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, lại ngắn gọn: Khi sự vinh hạnh càng lớn do có thêm di sản được quốc tế tôn vinh thì trách nhiệm quản lý lại càng nặng nề. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng một chương trình bảo quản đặc biệt cho một số công trình đặc biệt tại Quần thể di tích Cố đô Huế. Trung tâm BTDTCĐ Huế tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý trực tiếp, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy và bảo quản phòng ngừa. Đồng thời, có thể xúc tiến việc bảo quản cục bộ cho một số khu vực có những thơ văn tiêu biểu nhất bằng công nghệ hiện đại.

Ngoài những giải pháp mang tầm vĩ mô, TS. Trương Quốc Bình cũng đề nghị cụ thể hơn: Với những tác phẩm thơ văn tiêu biểu ở những công trình tiêu biểu, Trung tâm BTDTCĐ Huế nên giới thiệu nội dung, ý nghĩa bằng những tờ gấp thông tin. Du khách đến với thưởng lãm kiến trúc di tích sẽ tiếp nhận được ngay. Họ có thể xem tại chỗ, nhưng cũng có thể mang theo để đọc hiểu sau. “Hướng dẫn viên sẽ không có nhiều thời gian để giới thiệu hết được cái hay cái đẹp của mỗi điểm đến. Vậy nên, hãy kể cho du khách nhiều câu chuyện hay về những cái hay, cái đẹp liên quan đến di tích và hãy để cho họ cảm nhận theo cách riêng của mình”, TS. Trương Quốc Bình chia sẻ cách để “nhân” nhận thức về sự tồn tại và ý nghĩa của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top