ClockThứ Năm, 02/08/2012 15:57

Xưa cũ

TTH - Hơn cả tuần, Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2012 diễn ra ở Huế. Ngày đêm nào cũng có vở diễn, lại toàn là những vở kịch hay và các đoàn kịch nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc lâu nay chỉ được biết qua xem đài đọc báo, vậy là tranh thủ đi xem. Rạp Hưng Đạo bên tê cầu Trường Tiền trở thành điểm đến của cả nhà.

Lần đầu tiên, tôi được đặt chân đến rạp Hưng Đạo cách nay cũng đã hơn 40 năm. Lúc đó ở quê, một hôm ông chú ruột từ Sài Gòn ra Huế chơi, nghe tin có đoàn cải lương Kim Chung biểu diễn, hứng chí kéo luôn tôi đi xem. Quá đã, lần đầu được đặt chân vào rạp hát này, tôi cứ như người trong mơ. Cái gì thấy cũng lạ, cũng hay, cũng hiện đại và sang trọng, dòm ngắm mãi mà không thấy chán. Rồi những năm 80 của thế kỷ trước, tôi học ở Huế. Cùng với các rạp xi-nê Tân Tân, Châu Tinh, Hoàn Mỹ, rạp Hưng Đạo trở thành địa chỉ quen thuộc. Buổi chiều rảnh rỗi, lại buồn buồn, không có nhiều việc để làm, tốt nhất là đến rạp Hưng Đạo xem xi-nê. Rạp hát Hưng Đạo và cùng nhiều rạp xi- nê khác nữa ở Huế đối với tôi đã trở thành kỷ niệm của một thời đã qua.

Rạp Hưng Đạo nay đã thành Trung tâm Văn hóa TP Huế. Ảnh: Võ Nhân

Tôi lục tìm mãi vẫn không rõ rạp Hưng Đạo, nay được đổi tên là Nhà văn hoá Huế, rồi Trung tâm Văn hoá Huế được xây dựng từ khi nào. Chỉ được biết sử cũ chép rằng, năm 1780 vua Tự Đức đã cho xây một toà nhà đặt tên là Thương Bạc để làm nơi đón tiếp các sứ đoàn và phía trước toà nhà này có xây dựng một ngôi đình gần bờ sông để đón tiếp các thương nhân. Năm Ất Dậu (1885), Tòa Thương Bạc được làm phủ của Quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, rồi thành trường Hậu Bổ, trường Uyên Bác, Cổ Học viện, hiện nay tòa nhà này đã không còn dấu tích và thay vào đó là rạp Hưng Đạo.

Rạp Hưng Đạo (và cả Trung tâm Văn hoá Thông tin mới được xây dựng sau ngày giải phóng ở phía bờ Nam) có kiến trúc không đẹp nếu so với Nhà hát Hà Nội hay Sài Gòn nhưng lại có vị thế tuyệt vời khi nằm đối diện với dòng Hương. Nó là niềm tự hào, là hoài niệm một thời của vùng núi Ngự, sông Hương. Vậy nhưng, buổi sáng nay đã yên vị trong rạp để theo dõi vở kịch hay, một cảm giác buồn khi sau cả nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, tên gọi thì luôn mới nhưng cái rạp hát Hưng Đạo một thời kia thì lại ngày càng cũ ra, nhếch nhác và lạc hậu so với đòi hỏi tiện nghi của thời hiện đại. Ngay cả cái toi- lét cũng khiến nhiều người giật mình bởi nó xưa cũ quá rồi và lại rất bẩn thỉu.

Hà Nội dám bỏ ra cả bạc tỷ để giữ cho Nhà hát lớn Thủ đô vẫn nguyên vẹn vóc dáng xưa đã đi ký ức của bao thế hệ và để tự làm mới mình. Cũng là điều không khó hiểu khi công trình được xây dựng từ năm 1911, phỏng theo kiểu thiết kế nhà hát cổ điển ở châu Âu của các kiến trúc sư người Pháp là Broye và Harlay đã là niềm tự hào, biểu tượng văn hoá của Thủ đô. Thời hiện tại này, không so bì được với Hà Nội nhưng Huế cũng không hổ danh là Cố đô xưa, là trung tâm văn hoá của Quốc gia. Vậy mà, mỗi lần có một sự kiện văn hoá lớn, kiểu như Liên hoan phim Quốc gia trước đây hay Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2012, những loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự sang trọng và hiện đại của các địa chỉ biểu diễn thì lại thấy Huế mình hình như thiếu vắng mất rồi những cái cần có. Có thể chưa giàu có nhưng phải sang trọng, bản sắc và cá tính hơn trong “cách chơi” là một yêu cầu của vùng đất văn hoá.

Tôi tự nghĩ ra trò chơi sắp đặt. Bên cạnh các nhà hát lớn Hà Nội, Sài Gòn hay Hải Phòng, sự lựa chọn tương xứng dành cho Huế, “Nhà hát lớn” là Trung tâm Thông tin Văn hoá hay rạp Hưng Đạo một thời của tôi, bên nào cũng một cảm giác chênh vênh. Nó không xứng tầm.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top