ClockThứ Năm, 10/05/2012 10:06

Xuôi dòng Lợi Nông

TTH - Dịp hè về, ở phía trên này thành phố nóng nực, lại cồn cào nhớ về con sông đào Lợi Nông với dòng nước một thuở trong xanh và ngọn gió mát rượi thổi từ phía sông. Lợi Nông dài đến 30 cây số, bắt đầu lấy nước từ sông Hương ở đoạn cuối cồn Dã Viên, qua địa phận Huế, thị xã Hương Thuỷ rồi đổ vào phá Hà Trung. Thuỷ Phương quê tôi chỉ là một trong số những vùng đất có dòng sông đào này đi qua thế nhưng lại có hẳn một thôn mang tên dòng sông. Tôi đặc biệt yêu thích vùng đất này. Hồi mới giải phóng, hè về là thời điểm lũ học sinh chúng tôi ra đồng, làm đủ thứ công việc của nhà nông. Thôn Lợi Nông có dòng sông Lợi Nông đi qua, dày đặc bóng tre rủ bóng, là nơi nghỉ lý tưởng vào buổi trưa hè hay khi chiều tà buông xuống. Thời đó nước sông còn trong lắm, chưa bị ô nhiễm nên cứ vậy mà dầm mình cả buổi, lại còn mò cua, mò hến, bắt cá, bắt ốc (loại ốc hút vẫn thường thấy nhiều ở những quán nhậu tại Huế)... Cũng hay, với con nhà nghèo thì tắm sông cũng là thú vui, là cách thư giãn và rồi nó đã sống mãi với ký ức và trong hoài niệm một thời.

Cứ ngẫm nghĩ lại mới thấy thấm thía về cái ý tưởng đào sông khơi dòng của cha ông mình ngày trước. Ví như Lợi Nông, được xem là con sông đào đầu tiên không chỉ của Huế mà còn là của cả nước. Vua Gia Long là người khởi sự. Nguyên xưa đây là vùng đất phía nam cách xa sông Hương có đến cả hàng vạn mẫu nhưng quanh năm mùa hè thì nước mặn tràn lên, mùa mưa lại ngập úng. Một lần xá ngự, xem xét tình thế, được nghe bao lời tâu trình, vị vua đầu triều Nguyễn đã có một quyết định để đời, đào sông khơi nguồn cho dòng chảy Hương Giang đi về hướng Nam. Vua Minh Mạng cho đổi tên An Cựu thành Lợi Nông và đến bây giờ nó vẫn là An Cựu ở trên này phố xá và Lợi Nông nơi phía đồng ruộng. Hình như không có ranh giới giữa An Cựu và Lợi Nông. Cũng chính vị vua có tài kinh bang tế thế bậc nhất của triều Nguyễn từng ban khẩu dụ với con sông đào, rằng “đã có danh thì hãy lo lấy phận” và Lợi Nông, đọc lên ai cũng hiểu là “làm lợi cho nhà nông”.

Cái lợi mùa màng là điều xưa nay ai cũng cảm nhận được. Vậy nhưng, vẫn còn đó một Lợi Nông mà như theo cách gọi hiện đại có chức năng cân bằng nhiệt độ cho Huế và tạo nên vẻ đẹp duyên dáng trong bố cục kiến trúc hai bên bờ sông. Ai đó từng có lời bàn Huế cổ kính và đẹp hơn cũng nhờ một phần con sông này. Thời Huế còn kinh đô và còn lại cho đến tận bây giờ hai bên bờ sông nhiều dinh cơ, phủ đệ của những ông hoàng, bà chúa hay đền đài, miếu mạo, cùng hưởng ngọn gió trong lành được tạo nên từ dòng nước mát Lợi Nông. Cũng không phải ngẫu nhiên mà khi đúc xong Cửu đỉnh, vua Minh Mạng đã cho chạm hình dòng Lợi Nông lên đó.
 
Còn xuôi dòng Lợi Nông, từ Huế về đến làng Thần Phù, phường Thuỷ Châu, cách trung tâm thành phố Huế chừng 10 cây số xưa có một cánh rừng, tục gọi là rừng Đông Lâm (rừng phía đông, nhìn từ kinh thành) mà dân gian sau này quen gọi là “lùm Chánh Đông”. Không rộng lớn lắm nhưng do nằm giữa đồng bằng thấp trũng, đất tốt nên giữ được vẻ nguyên sơ, phát triển nhiều loại lâm sản và quy tụ được khá nhiều các loài chim chóc, thú rừng. Xưa các vị vua Nguyễn trong những chuyến vi hành thường theo dòng Lợi Nông về đây thưởng ngoạn. Đời vua Minh Mạng cho xây dựng một toà hành cung để nghỉ ngơi tại chỗ. Đến thời Thiệu Trị, hành cung trở nên bề thế hơn, gọi là hành cung Thần Phù. Đông Lâm cũng từng được vua Thiệu Trị xếp vào hạng 20 thắng cảnh của đất Huế “thần kinh nhị thập cảnh” và có thơ vịnh.
 
Ít ai còn xuôi thuyền dọc theo dòng Lợi Nông dạo chơi như thuở nào, nhưng đi dọc theo những con đường qua bao thôn, bao làng dọc theo đôi bờ sông rợp bóng cây xanh giờ đây ta vẫn cảm nhận được trong lành, yên ả của miền quê nơi miền sông Hương, núi Ngự. Hưởng phúc lộc từ con sông đào, lại cảm phục hơn tầm nhìn xa, trông rộng của bậc tiền nhân trong khát vọng chinh phục tự nhiên, luôn biết cách khơi thông dòng chảy để không chỉ cho mùa màng bội thu mà còn góp phần hình thành nên bao tên đất, tên làng; khắc sâu và tôn lên hình ảnh về đất Huế duyên dáng và ngập tràn màu xanh.
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Return to top