Chủ sở hữu của con tem đặc biệt ấy là ông Lê Phi Công, tính đến năm 2011 này đã ở tuổi 85. Ông là người mê tem từ thời còn học lớp 3. Bộ sưu tập ông có được là do trao đổi với bạn bè và xin từ những người quen. Linh mục Per Ganier ở Dòng Chúa cứu thế và một bà xơ ở Phủ Cam là 2 người mà ông Công nhớ mãi bởi họ rất mến ông, luôn để dành tem và đợi ông đến để cho. Năm 1946, lúc 20 tuổi ông đã có bộ sưu tập tem kha khá với các loại tem của 147 nước trên thế giới. Để bộ sưu tập tem lại nhà thoát ly theo kháng chiến biền biệt gần ba chục năm. Năm 1975 khi trở về, dù đã lường trước nhưng ông vẫn đã điếng người khi biết bộ sưu tập của mình đã mất hết.
Ông Lê Phi Công
Huy hiệu từ những người yêu tem tìm đến thăm và tặng ông Công để kỷ niệm.
Tuy nhiên, trên những dặm dài chinh chiến, thú chơi tem vẫn cứ không rời ông. Đi đâu ông cũng để ý, cũng sưu tập và cất giữ cẩn thận từng con tem nơi ngực áo. Nhờ vậy mà sau giải phóng, ông cũng đã có được một bộ sưu tập tem khác không nhỏ. Ông Công cho hay, con tem 1 penny nói trên ông được một Việt kiều cho khoảng năm 1951-1952 gì đó, khi ông sang công tác ở Xiêm Riệp (Campuchia)…
*
* *
Bộ sưu tập tem của ông Lê Phi Công có số lượng đến hàng chục ngàn con. Riêng tem Việt Nam có 3 cuốn dày cộp. Đặc biệt, ông sưu tập đủ tem của 12 con giáp; tem chân dung của Hồ chủ tịch, các danh nhân và các lãnh tụ cách mạng...; có rất nhiều mẫu tem, được ông Công sưu tập đủ mỗi mẫu 5 con. Bộ tem phát hành thơì gian đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, ông Công có đủ 6 con tem kỷ niệm mốc quân và dân miền Bắc bắn rơi 500 chiếc máy bay, rồi 1.000, 2.000, 3.000, 4.000, và cuối cùng là 4.181 chiếc.
|
Đúng 2 năm rưỡi sau khi viết bài giới thiệu về ông với những con tem (Thừa Thiên Huế Cuối tuần số 466, tháng 12/2008 - Bài viết sau đó đã được rất nhiều báo dẫn lại, trong đó có cả Thông tấn xã Việt Nam cũng điện vào xin dịch ra tiếng Anh và đăng tải), trở lại thăm và thấy vui vì ông vẫn khỏe như dạo nào. Hỏi thăm chuyện tem, ông vui vẻ mang ra khoe tôi một tấm bìa các tông cỡ bằng quyển vở học trò, trên đó ông tỉ mẫn gắn và ghi chú về những tấm huy hiệu do người hâm mộ tem đến thăm và gửi tặng lưu niệm. Ông bảo, sau khi báo đăng, nhiều người lặn lội tìm đến thăm và xin xem tem, trong đó có nhiều người đến từ Canada, Pháp, Thái Lan, Nga, Mỹ… Gần đây nhất là một người đến từ Malaysia. Ai cũng thích, cũng xuýt xoa, nhưng đặt vấn đề mua lại “hoàng đế” tem thì hình như chưa ai… đủ can đảm. Có lẽ, người ta choáng trước cái giá “triệu đô” mà “người anh em” của con tem này trước đó đã đạt đến. Ông Công nói, trong số những người ghé thăm, có một người đàn ông Pháp chừng 40 tuổi tên là Prouneau. Người này trong 1 năm đã trở đi trở lại nhà ông 2 lần. Chưa đặt vấn đề với con tem “triệu đô”, nhưng theo nhận xét của ông Công, hình như Prouneau rất sốt ruột, như sợ sẽ có ai đó mua mất “hoàng đế” tem (?)
Con tem Victoria 1 penny giá bán hơn triệu USD năm 1993 được giới thiệu trên báo TN số 8-6-2008
Và con tem in hình nữ hoàng Victoria mệnh giá 1 penny mà ông Công đang thủ đắc.
Tám mươi lăm tuổi, lứa tuổi “tính ngày”. Ông Công vẫn đang giữ ý định chuyển nhượng bộ sưu tập tem của mình cho những ai biết chơi, để những con tem tiếp tục được gìn giữ cho đời. Và - ông thật lòng - cũng là để có chút tiền để tiêu pha cho những ngày tháng không còn nhiều nữa của mình…
Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, con tem giá 1 penny này thuộc hàng thế hệ những con tem đầu tiên của thế giới, rất hiếm và từ lâu đã được lên ngôi “hoàng đế trong vương quốc các loài tem”.
Còn trên mạng internet, BBT_Temviet có viết: “Con tem 1penny màu cam …của Mauritius phát hành năm 1847 in hình Nữ hoàng Anh Victoria. Mẫu tem được Joseph O Barnard thực hiện theo yêu cầu của Bưu điện Mauritius.… Cho đến nay người ta chỉ biết có 1 con tem 1 penny hiện hữu và cũng trong cuộc đấu giá vào năm 1993, con tem này được bán ra ở giá 1.072.260 dollars”. Ông Công tin rằng, con tem mà ông đang có cũng cùng loại với con tem mà người ta từng nhắc tới.
|
Diên Thống