Chiến Hữu, Phó TBT báo TTH, tôi và Cúc - Việt kiều Mỹ, Lâm - Việt kiều Ca-na-đa cùng lên Biệt phủ Thảo Nhi, như lời Chiến Hữu “Rất Huế và rất ngon”. Hai cô bạn Việt kiều sững sờ đón nhận cảm giác bất tận của một nhà hàng vườn cổ dành cho họ, đúng như lời Chiến Hữu, rất Huế. Còn ẩm thực, món bánh tráng phơi sương ăn với thịt heo luộc, như lời Cúc “Em sợ thịt, nhưng ăn món này ngon quá”. Chiến Hữu cười, tán: “Ngon hơn bánh tráng phơi sương Tây Ninh hí”. Chiều, tôi, Cúc, Lâm còn được Hữu dẫn ăn món cơm hến, bởi “Em đọc bác Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về cơm hến mà ước ao”, Cúc nói thế. Ở quán cơm hến vỉa hè, quả đúng như nhà văn họ Hoàng khi ông viết: “Bộ đồ màu của cơm hến là nhiêu khê nhất thiên hạ. Đây là bảng liệt kê các món gia vị mà tôi từng quan sát được ở một gánh cơm hến, chắc có thể coi là “lý tưởng”, như sau: 1.Ớt tương, 2.Ớt màu, ớt dầm nước mắm, 3.Ruốc sống, 4.Bánh tráng nướng bóp vụn, 5.Muối rang, 6.Hạt đậu phụng rang mỡ, giã hơi thô thô, 7.Mè rang, 8.Da heo rang giòn, 9.Mỡ và tóp mỡ; 10.Vị tinh. Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc, và vị cay đến trào nước mắt.” Và nhìn xem, hai cô Việt kiều dù đã ăn tới tô thứ 3 vẫn “cứ sì sụp, xuýt xoa kêu ngon, ngon”.
Khu Du lịch Nước khoáng nóng Mỹ An cách Huế 7km về phía biển Thuận An yên bình đến dân dã. Sau gần 10g được thỏa thích ngâm mình trong hồ nước nóng hoặc chìm vào giấc ngủ ngọt lành chúng tôi trở về Huế, dù hai cô bạn Việt kiều cứ một hai đòi nán lại. Cả hai cô đều cắc cớ như thế này: “Chất lượng dịch vụ tốt thế, nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên tuyệt vời thế, phong cảnh đẹp thế và nhất là giá rẻ thế sao… nỡ về”. Rồi cắc cớ sao ít khách thế, để ông bạn Hữu chống chế rằng, không phải ngày cuối tuần mà bạn.
Dọc đường Lý Nam Đế thuộc phường Hương Long, tôi bắt gặp thật nhiều nhà xưa mà mỗi nhà là một không gian xanh với thật nhiều loại cây. Huế thật lạ, nắng mưa đều vào nhạc vào thơ, những tưởng là điều kiện khó cho các loại cây từ những vùng miền khác du nhập và tồn tại. Thế nhưng không, tôi đã được ngồi dưới tán lá xum xuê của những cây măng cụt cả 100 năm tuổi, đã ngỡ ngàng trước đủ loại hoa trái có xuất xứ từ Bắc vào Nam trong một khu vườn. Để chợt nhận ra rằng thú “chơi” vườn của người Huế nghiêng về giá trị tinh thần và rằng cả cây và người xứ này đều thỏa ước với nhau như thế, dù bất thành văn. Và thật mừng khi đã có những Vỹ Dạ Xưa, Đình Vũ Nhi, Nam Giao hoài cổ, Tịnh Lâm Viên, Tịnh Lâm Nhi,… dù mới hình thành nhưng đã tác động tốt đến 4.228 nhà vườn còn hiện hữu của Huế. Hay nói đúng hơn là Văn hóa nhà vườn Huế.
Thành phố sạch, xanh, bình yên được tạo nên từ lớp lớp văn hóa xứ thần kinh của người Huế là điều rất riêng khó thành phố nào có được. Và do vậy, năm ngày ở Huế của một chuyến đi quả còn rất ít. Tôi (và nhiều du khách nữa) sẽ mang theo niềm hứng khởi này để hẹn lòng sẽ lại về với Huế. Bởi Huế gần gũi quá.
…Và xa
Đi tìm mua bộ tam sự, để chắc ăn, tôi nhờ tới 2 đồng nghiệp một ở báo, một ở Truyền hình Huế cùng lên Phường Đúc. Thật buồn, vì sau khi đã tìm “đỏ con mắt” ở nhiều điểm bán đồ thờ tự chúng tôi chỉ gặp rặt những bộ tam sự mẫu mã thật đẹp, nhưng không thuộc về làng nghề Huế mà tự tít tắp xa từ Đài Loan. Thì ở đây, tức Phường Đúc nổi tiếng với nghề đúc đồng chúng tôi cũng thất vọng sau khi tìm đến vài cơ sở đều nhận được cái lắc đầu buồn bã của chủ nhân, bởi “không cạnh tranh nổi chú ơi”. Tôi thật buồn, khi nhớ lời Trần Phá Nhạc dặn tôi trước khi về Huế: “Bạn sẽ mua được bộ tam sự tại Huế với nét mộc mà đẹp đến thâm sâu. Còn chiếc chuông, nhất định phải là chuông Huế. Bởi tiếng chuông Huế có âm trầm, vang dài chứ không đứt quãng như chuông nơi khác. Đó chính là bí quyết gia truyền và tài ba của làng nghề Phường Đúc”.
Cũng vậy, tại tiệm vàng có tiếng ở chợ Bến Ngự, tôi tìm mua một chiếc kiềng vàng để tặng em dâu ngày cưới, cũng đành phải mua hàng Made in… không thuộc Huế. Từ tiệm vàng này, chỉ ngược về phía phường Trường An chừng cây số là nơi có khu mộ tổ nghề kim hoàn.
Trong phòng chờ ra máy bay, mua một tờ báo Thanh niên, cô bán hàng tha thướt cánh áo dài thật duyên nhỏ nhẹ “chú cho con xin 5.000đ” làm tôi nhớ lại hai cuộc hội thoại nho nhỏ.
Một, tại quầy vé của hàng không Việt Nam.
- Cho chú xin hóa đơn giá trị gia tăng.
- Mạng bị nghẽn nên không có chú ơi.
- Vậy làm sao chú thanh toán.
- Chú ở đâu, cháu sẽ gửi đến.
- Ở thành phố Hồ Chí Minh.
- Thế thì đành chịu.
Hai, tại Biệt phủ Thảo Nhi:
- Ghi hóa đơn cho chú.
- Không được chú ơi.
- Sao thế?
- Chú chỉ mới dùng có hơn 500.000đ.
- Vậy bao nhiêu mới có hóa đơn ?
- Dạ, trên 1.000.000đ ạ.
Thôi đành, nhưng cả ba cô bé nào có lỗi gì, lỗi thuộc về các nhà quản lý đã quên hay cố mắc những lỗi lầm tưởng chừng rất nhỏ trong cái tổng thể của nền kinh tế một thành phố rất mạnh về tiềm năng du lịch. Trên máy bay, tôi tranh thủ đọc cuốn Đất nước Việt Nam qua cửu đỉnh Huế của Dương Phước Thu mới xuất bản quý 1 năm 2011. Thật bất ngờ, sách không quá lời khi là “Một bộ Đại Nam nhất thống chí bằng hình ảnh vô cùng độc đáo được đúc khắc trên chín đỉnh đồng đồ sộ của nước ta…”. Phải thế chứ, người Huế yêu Huế là lẽ dĩ nhiên, nhưng yêu đến tỉ mẫn như tác giả Dương Phước Thu thì đúng như lời KTS Phùng Phu-Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế “Sách được viết với tất cả công tâm và công phu”. Và Huế bớt xa trong tôi trên đường về khi tôi vẩn vơ với ý nghĩ: Tại sao ngành du lịch Huế còn thiếu những chương trình giao lưu cho khách với các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu,… như Dương Phước Thu chẳng hạn.
Trung Trường