Đến đây, lại chạnh lòng nhớ về cái hiu quạnh của hồ Tịnh Tâm ở Huế. Một địa chỉ, một danh thắng có tên tuổi hẳn hoi, dưới thời Nguyễn từng được vua Thiệu Trị liệt vào danh sách “Thần kinh nhị thập cảnh”, tức 20 thắng cảnh nổi tiếng đất Thần kinh. Qua bao biến cố thăng trầm, Hồ Tịnh Tâm vẫn còn dấu tích của những đảo Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu... Sen Huế trồng ở hồ Tịnh cũng là đặc sản nổi tiếng không nơi nào bì kịp. Thú trà sen tao nhã bậc nhất của người Việt, cũng có nguồn cội ngay trên hồ Tịnh, gắn với thú ẩm thực vương giả tinh tế, cầu kỳ một thời.
Cách đây chừng chục năm, trò chuyện với nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh - người từng được hầu trà ông ngoại là Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ở Đại Nội. Cụ ao ước: “Giá như khôi phục lại thú trà sen ở Tịnh Tâm, làm nơi ngắm cảnh, thưởng trà, chơi cờ và nhấm nháp chè long nhãn... thì không khéo, Huế sẽ có một điểm tiêu giao, giải trí sang trọng không đâu có được. Thế nhưng, trải qua bao năm tháng, Tịnh Tâm hiu hắt màu phế tích thi thoảng chỉ được đánh thức trong vài ngày ngắn ngủi của các kỳ Festival. Những sân khấu rối nước náo nhiệt qui tụ hàng chục phường rối truyền thống vùng Bắc Bộ trong Festival Huế 2004. Một sân khấu nghệ thuật huyền ảo với cái tên rất thơ “Hơi thở của nước” trên sân khấu chìm độc nhất vô nhị lần đầu tiên ở Việt Nam tại Festival Huế 2010... Một đôi chút lóe sáng nhưng cũng đủ để nhận ra sâu hơn tiềm năng đa dạng của hồ Tịnh. Đâu chỉ có sen, có câu cá hay thưởng cảnh như nghệ nhân Kinh ao ước. Đó còn có thể là không gian sân khấu nghệ thuật độc nhất vô nhị, chỉ có một nơi như Huế, ở hồ Tịnh.
Mới đây, khi bàn đến hai chữ “thương hiệu” cho du lịch Huế, một chuyên gia cho rằng: Tại sao Huế không xây dựng thương hiệu du lịch tĩnh tâm, bắt đầu bằng di tích hồ Tịnh Tâm vốn đã rất nổi tiếng ở Thành Nội, rồi lan tỏa đến nhà vườn, nhà chùa, Bạch Mã, Tam Giang - Cầu Hai?. Một câu hỏi mà ngẫm nghĩ, lại phải chép miệng: “Tiếc cho hồ Tịnh quá...”.
Theo sử liệu, hồ Tịnh Tâm nguyên thủy là vết tích của sông Kim Long chảy qua Kinh thành Huế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động 8.000 binh lính tham gia cải tạo hồ và năm 1838, vua Minh Mạng cho tái thiết nơi này thành chốn tiêu dao, giải trí của giới quyền quí chốn cung đình. Với diện tích 1.500m2, nơi đây có ba hòn đảo, gồm Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu... và giống sen hồ Tịnh nổi tiếng vẫn được lưu truyền. Một địa chỉ quá lý tưởng và đích thị dành cho dịch vụ tiêu giao, giải trí gắn với di sản triều Nguyễn... nhưng đáng tiếc đến nay vẫn đang ngủ yên.
Kim Oanh