ClockThứ Tư, 15/06/2011 20:09

Xã hội tôn vinh, trách nhiệm càng nặng nề

TTH - Báo giới chúng ta lại bước vào kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam – ngày Bác Hồ xuất bản báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta. Ngày 21/6 không chỉ là ngày hội của những người làm báo mà còn là ngày các nhà báo được xã hội tôn vinh. Sự tôn vinh của xã hội đối với báo chí, nhà báo nhắc nhở chúng ta – những người làm báo cần đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo đối với sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước, sự giàu mạnh, độc lập của dân tộc.

Báo chí cách mạng ở nước ta bao giờ cũng là tiếng nói của Đảng, là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân. Các nhà báo là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Bác Hồ - Người rất mực quan tâm đến hoạt động của báo chí. Căn dặn các nhà báo Bác nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Xã hội tôn vinh, trân trọng bởi giới báo chí đã và đang hoàn thành tốt chức phận của mình, đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngày nay, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, hơn lúc nào hết, vai trò của báo chí đối với xã hội càng trở nên quan trọng, trách nhiệm của báo chí đối với đất nước, với nhân dân càng nặng nề hơn. Báo chí cần phản ảnh kịp thời, phân tích, đánh giá đúng mức, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và định hướng dư luận xã hội về các sự kiện, vấn đề thời sự trong và ngoài nước. Báo chí có trách nhiệm phát hiện, phản ánh kịp thời các điển hình tiên tiến, các mô hình, nhân tố mới trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo chí phải góp phần đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực trong xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng trước những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Các nhà báo ngành nhiếp ảnh, truyền hình tác nghiệp tại công trình hầm đường bộ Hải Vân. Ảnh: Tâm Hành
Năm 2009, nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những thành tích, đóng góp to lớn của những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Thủ tướng khẳng định: “Có thể đánh giá rằng, cùng với sự nghiệp đổi mới, báo chí nước ta đã phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, đã có những bước phát triển toàn diện, trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận và đánh giá cao vai trò quan trọng, những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà báo không ngừng học tập, phát huy những ưu điểm, khắc phục bằng được những thiếu sót, khuyết điểm mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đã chỉ ra. Thủ tướng nhấn mạnh: “…Đất nước, dân tộc ta đang đứng trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời cơ thuận lợi và thách thức khó khăn đều lớn, đan xen nhau, đòi hỏi những người làm báo Việt Nam không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận thông tin mới, công nghệ làm báo mới mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo Việt Nam vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo vệ vững chắc thành tựu cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”.
Nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp là việc làm thường xuyên của nhà báo. Trình độ chuyên môn của một nhà báo được đánh giá trong tác nghiệp báo chí với phong cách, tinh thần trách nhiệm cao. Mỗi công việc đều ẩn chứa trách nhiệm. Với nhà báo, trách nhiệm trước tác phẩm báo chí, mẩu tin của mình được phản ảnh trung thực, chính xác, phân tích vấn đề mang tính khoa học, khách quan sẽ tác động tích cực đến dư luận xã hội. Ngược lại, làm việc thiếu trách nhiệm, đưa tin viết bài thiếu tính trung thực, chính xác nó không chỉ tác hại đến uy tín của nhà báo mà còn gây hậu quả xấu trong dư luận xã hội. Phản ảnh sự kiện trung thực, chính xác là điều không dễ vì những lý do khác nhau. Bác Hồ từng nhắc nhở các nhà báo “Có thế nào nói thế ấy, sự thật có mặt tốt, mặt chưa tốt, thậm chí có mặt xấu. Sự thật bị che giấu bởi thói khoa trương, thổi phồng thành tích, làm láo, báo cáo hay”.

Một buổi làm việc của lớp Kỹ năng làm báo do Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ mở tại Báo Thừa Thiên Huế.
Để tác phẩm báo chí của mình phản ảnh đúng bản chất sự việc, trong tác nghiệp, Bác Hồ thường căn dặn “Phải gần gũi quần chúng” tức là nhắc nhà báo phải gắn với thực tiễn, sát với nhân dân. Gắn với thực tiễn, sát với nhân dân nhà báo thực hiện tốt những việc nghe – hỏi – thấy – xem – ghi – nghĩ và viết. Điều Bác dạy hầu như những ai hoạt động trên lĩnh vực báo chí đều biết rất rõ. Thế nhưng trong hoạt động, trong hành nghề thực hiện tốt những điều ấy là điều không đơn giản. Thế nên có những nhà báo viết bài, đưa tin thiếu tính chính xác, thậm chí không trung thực, làm mất lòng tin trong nhân dân. Đó là những tin đưa hấp tấp, bất cẩn, có những bài báo phóng đại sự việc, thiếu điều tra, kiểm chứng vấn đề, phán xét theo quan điểm cá nhân mà quên đi tính khoa học trong phân tích sự kiện.
Thường nhà báo làm việc với tinh thần trách nhiệm cao là những nhà báo có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp tốt. Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trước hết là tính trong sáng trong đưa tin, viết bài phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân. Không lợi dụng nghề nghiệp của mình để làm lợi cho cá nhân. Không dây dưa vào quan hệ làm ăn với nguồn tin và quan trọng hơn là không để mình bị sử dụng cho lợi ích của cá nhân, tổ chức nào. Tránh rơi vào tình huống mà mình có thể bị dày vò bởi xung đột về lợi ích.
Những năm qua, trong báo giới có không ít nhà báo đã sa vào cạm bẫy để rồi đánh mất phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của mình. Mặt trái của cơ chế thị trường đang vây bẫy nhà báo. Tình huống nhà báo bị lợi dụng do không hiểu vấn đề, sự việc   thấu đáo nên sai phạm trong đưa tin, viết bài là bài học xót xa. Tình huống nhà báo bị sử dụng do lợi ích vật chất, do kiếm tiền là vi phạm đạo đức mà xã hội lên án, không thừa nhận. Một con sâu làm rầu nồi canh, nay trong báo giới ngày càng có nhiều con sâu là một nỗi đau cho ngành báo chí. Cho nên mỗi nhà báo phải tự vấn lại mình, nâng cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp làm trong sạch đội ngũ những người làm báo.
Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho báo chí hoạt động. Xã hội tôn vinh nhà báo. Vinh dự ấy đòi hỏi nhà báo phải đề cao tinh thần rèn đức luyện tài, phấn đấu hết sức mình hoàn thành tốt nhất thiên chức của người cầm bút, xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là tiếng nói tin cậy của nhân dân.

Trần Nguyễn Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top