ClockThứ Ba, 29/11/2022 14:20

Truyền thống gia đình Huế trong xây dựng giá trị văn hóa gia đình hiện đại

TTH.VN - Thừa Thiên Huế là vùng đất hiện đang giữ gìn được hệ giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong đời sống gia đình và xã hội. Những giá trị này đang từng ngày được bảo tồn và phát huy cùng với các giá trị văn hóa gia đình hiện đại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định điều này qua tham luận tại Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 29/11.

Hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mớiNgười dân là chủ thể phát huy các giá trị di sản văn hóaChia sẻ giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóaKhánh thành bảo tồn Triệu Tổ Miếu và khai mạc “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”

Hội thảo được tổ chức theo hình thực trực tiếp và trực tuyến tại 3 điểm cầu: TP. Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TP. Hồ Chí Minh

Hội thảo được tổ chức theo hình thực trực tiếp và trực tuyến tại 3 điểm cầu: TP. Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TP. Hồ Chí Minh. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo chủ trì tại điểm cầu tại TP. Hà Nội.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Hệ giá trị gia đình Huế

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ, gia giáo truyền thống Huế mang đậm dấu ấn của tư tưởng Nho giáo nên gia đình là hạt nhân căn bản của xã hội, ở đó nổi bật chức năng hương hỏa, nhất là mô hình đại gia đình truyền thống. Vấn đề cốt lõi của hương hỏa chính là thừa ngã tôn sự (nối dõi tông đường) từ đó, hữu hiệu nhất là phải làm rạng danh gia tộc, chủ yếu dựa trên định chế dư luận xã hội: “Một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm dơ cả họ chịu tiếng”.

Người lớn phải không ngừng phấn đấu để trở thành tấm gương mẫu mực cho con cái noi theo và ngược lại, con cái cũng phải hết sức nỗ lực để không phụ công ơn cha mẹ, là gìn giữ gia phong. Gia phong (môn phong, gia pháp) là phong khí truyền thống trong gia tộc, là phong cách gia giáo, không chỉ liên quan đến sự hưng suy của gia tộc mà còn liên quan đến phong khí của xã hội. Quan hệ trực tiếp đến gia phong chính là vị thế của người cha (ông) và vai trò của người mẹ (bà) trong gia đình với quyền hạn và trách nhiệm tối ưu về phương cách giáo dục con cái.

Trong mô hình đại gia đình truyền thống Huế, người đàn ông sẽ đảm đương công tác xã hội - ngoại giao và trao hẳn vai trò “tề gia” cho người phụ nữ. Người đàn ông ngoài việc đảm đương công tác xã hội - ngoại giao, còn đảm đương chức năng hương hỏa một cách thuần túy, phải tu thân - tề gia - trị quốc theo đúng chuẩn mực đạo đức Nho giáo để làm rạng danh gia tộc, hoàn toàn yên tâm về một hậu phương êm ấm trong tay bà nội, bà mẹ và bà vợ.

Việc thờ cúng ngoài yếu tố tâm linh còn giáo dục sự hiếu nghĩa, biết ơn đấng sinh thành và sống có đạo đức, làm việc thiện của thế hệ con cháu. Lễ giáo trong văn hóa gia đình Huế thể hiện rõ trong những dịp lễ, tết, hiếu, hỉ: con cháu phải tự sắp xếp để về dự bữa cơm gia đình ngày tết. Ngày giỗ ông bà, phải tham gia chạp mả (tảo mộ) của dòng tộc, ông bà, cha mẹ trong dịp tháng Chạp hàng năm. Con cháu bên nội, bên ngoại đều có trách nhiệm rõ ràng trong những dịp này, thể hiện sự kính trên nhường dưới, nhớ công đức tổ tiên, động viên khích lệ những ai có tinh thần trách nhiệm lo việc hiếu sự trong gia đình, dòng tộc.

Sự giáo dục thế hệ trẻ “đi thưa về trình” ở Huế khá khắt khe. Sự nghiêm khắc đến khắt khe này thực sự có tác dụng giáo dục con người ngay trong gia đình sống có thứ bậc, có trách nhiệm, không tuỳ tiện. Cộng đồng dân cư Huế, sự sum vầy, tình cảm gắn bó còn thể hiện trong “tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường” (3, 4 thế hệ ở cùng một nhà). Với những gia đình không ở cùng một nhà nhưng thường con trai khi lấy vợ lại quây quần trong một mảnh đất của ông cha để làm nhà ở.

Người dân Huế thường đề cao ngợi khen lòng hiếu thảo, biết lễ nghi, phép tắc trong mối quan hệ dòng tộc, làng xóm, quê cha đất tổ... Tuy vậy, gia đình Huế thường mang tâm lý hoài cổ, thủ thế, giằng co giữa cái cũ và cái mới của người dân đô thị Huế. Sự e ngại, cân nhắc nhiều khi thái quá của người Huế đối với cái mới là một hạn chế, thiệt thòi. Tuy nhiên, nó cũng là những điều kiện để thanh lọc trong cách tiếp nhận, cũng như giữ gìn bền vững hơn những giá trị truyền thống.

Việc điều chỉnh, dung hoà hợp lý trong cách tiếp nhận cái mới là điều rất cần thiết, lược bỏ đi những hệ quả gây nên sự cản trở trong tiếp nhận nét tích cực của cái mới, đồng thời duy trì những gì tạo nên sự bảo tồn bền vững cái hay của truyền thống là cách làm mới nếp nghĩ lối sống, cách ứng xử của dân cư Huế hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Đặc trưng riêng của gia đình Huế còn được thể hiện trong chức năng giáo dục. Gia đình là môi trường giáo dục thuận lợi nhất, là nơi hình thành và hoàn chỉnh đạo đức, nhân cách của con người, tốt hay xấu gì cũng bắt đầu từ đó. Cuộc sống gia đình sẽ tạo ra và bồi đắp những mầm sống ấy. Nền giáo dục của gia đình xứ Huế ở bất cứ tầng lớp nào cũng nhằm mục tiêu đào tạo nên những con người mang các đặc điểm riêng có của mình, hay nói một cách khác, đó chính là tính cách Huế, như: hiếu học, tôn sư trọng đạo, tình yêu xóm giềng, quê hương, đất nước; giao tiếp ứng xử tế nhị, thanh nhã trong cử chỉ lẫn ngôn ngữ... Vì thế, gia đình Huế rất chú trọng trong việc giáo dục.

Người phụ nữ là tấm gương “tứ đức” (công - dung - ngôn - hạnh), đảm đang, lo việc nội trị cho chồng yên tâm ngoại giao, cũng là người thầy của con trẻ trong những bài học đạo đức, luân lý, nữ công gia chánh. Một gia đình hạnh phúc trong quan niệm của người Huế không thể thiếu không khí sum vầy và những bữa ăn ngon, đó cũng là nếp nhà.

Hiện, hầu hết phụ nữ ở Huế đều có công ăn việc làm, không phải phụ thuộc vào chồng, được học tập, tham gia các công tác xã hội. Xu hướng cá nhân hóa và sự tôn trọng tự do cá nhân đã được đề cao hơn, mức độ độc lập cá nhân được coi là một yếu tố biểu hiện chất lượng cuộc sống gia đình. Tính độc lập cá nhân được gia đình tạo điều kiện nuôi dưỡng, phát triển, tạo nên phong cách sống, tính cách, năng lực sáng tạo riêng, khiến cho mỗi người đều có bản sắc riêng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ so sánh, nếu như ở gia đình Huế thời trước, người ta thường đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của con cái đối với cha mẹ, đề cao sự tôn kính tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, thuỷ chung giữa vợ chồng, hướng về cội nguồn quá khứ, thì trong các gia đình ngày nay lại có xu hướng vươn tới cái mới, cái luôn thay đổi, đề cao lợi ích, hạnh phúc, nguyện vọng và tính độc lập của mỗi cá nhân. Vợ chồng lấy tình yêu làm cơ sở, dân chủ bàn bạc trong mọi việc, tôn trọng ý kiến con cái. Gia đình hiện đại ngày càng phát triển trên nền tảng gia đình truyền thống vẫn được xem là cơ bản và vững chắc ở Huế.

Những góc nhìn tham chiếu từ truyền thống gia đình Huế

Đời sống xã hội ở nước ta đang có nhiều biến đổi sâu sắc, toàn diện trước tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Trước sự tác động đó, giá trị truyền thống của gia đình và sự tiếp nhận thiếu chọn lọc lối sống bên ngoài, một số giá trị truyền thống trong gia đình đang bị mai một và biến dạng.

Các đại biểu tham gia Hội thảo quốc gia tại điểm cầu Thừa Thiên Huế 

Để góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam, từ góc nhìn của Huế, chúng tôi nhận thấy rằng, hiện nay gia đình Huế vẫn mang trong mình những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, có sự bảo tồn, cách tân, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và bổ sung các giá trị văn hóa mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, công tác gia đình ở Thừa Thiên Huế đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều phong trào, hoạt động thi đua đã gắn cho gia đình những giá trị, chuẩn mực mới tốt đẹp làm cho gia đình hoàn thiện hơn, “tế bào của xã hội” thực sự quan trọng hơn.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã tích cực tham gia, hưởng ứng mọi hoạt động, phong trào thi đua trong công tác gia đình, chủ động triển khai nhiều công việc để góp phần thực hiện thành công công tác gia đình nói chung và chiến lược gia đình của Trung ương triển khai.

Trước sự tác động rất mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường, rất nhiều giá trị bị đảo lộn, trong đó có gia đình, thì ở Thừa Thiên Huế, thuần phong mỹ tục tốt đẹp vẫn được gìn giữ, phát huy và gia đình Huế ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái ấy. Đó chính là sức mạnh của truyền thống văn hóa gia đình Huế được lưu truyền từ đời này sang đời khác, khá khắt khe, mang trọng trách như một “sức mạnh nội sinh” để gia đình Huế chống lại những tiêu cực, những ảnh hưởng từ bên ngoài.

Xây dựng các giá trị, đức tính tốt đẹp của lối sống Huế, phong cách ứng xử của gia đình Huế: cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, kính trên nhường dưới, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài với những chuẩn mực mới phù hợp với thời kỳ hội nhập và phát triển.

Để góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, gắn liền với việc tiếp thu những giá trị văn hóa gia đình văn minh của xã hội hiện đại.

Tích cực phát huy vai trò của dòng họ, của làng xóm, tổ dân phố trong xây dựng gia đình văn hóa, với mục tiêu chung là: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Tuyên truyền về các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung và gia đình truyền thống Huế nói riêng, nâng cao nhận thức của mỗi người về vị trí, vai trò của gia đình cũng như những giá trị của văn hóa gia đình đối với sự phát triển của quê hương, đất nước; chú trọng đến tính lan tỏa những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong, lễ giáo và văn hóa ứng xử trong gia đình.

Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa phương thức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác gia đình; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội trong tuyên truyền phổ biến các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, các mô hình gia đình văn hóa.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong điều kiện mới. Gia đình là “cái nôi” đầu đời giáo dưỡng nhân cách, phẩm chất của con người. Vì vậy, cần “đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc ông bà, cha mẹ đối với con cái qua hành động, cách thức ứng xử có văn hóa giữa người với người. Mỗi bậc ông bà, cha mẹ cần chú trọng làm gương cho con cháu thông qua thái độ, cách thức ứng xử hằng ngày đối với người thân, họ hàng, hàng xóm láng giềng và xã hội. Tổ chức cuộc sống gia đình một cách có nền nếp, các thế hệ đi trước truyền thụ cho con cháu những nét đẹp văn hóa gia đình, bồi dưỡng nhân cách văn hóa cho mỗi người; gắn xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; chú trọng xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”,... tạo môi trường tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Muốn vậy, xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa ngày càng cao nhân dân; tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Công cuộc bảo tồn, gìn giữ cũng như phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam, gia đình Huế một cách hiệu quả sẽ góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định. 

ANH PHONG (lược ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục đầu tư phòng đọc sách cho các xã, phường, thị trấn

Chiều 28/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tiếp tục đầu tư phòng đọc sách cho các xã, phường, thị trấn
Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Sáng 17/8, tại TP. Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” (Chỉ thị 20-CT/TW).

Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng
“Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”

Đó là chủ đề của hội thảo quốc gia được Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đồng tổ chức trong sáng 15/7.

“Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”
Vai trò của an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia

Ngày 15/6/2023, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia về chủ đề “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia”.

Vai trò của an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia

TIN MỚI

Return to top