ClockThứ Tư, 21/08/2024 06:42

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế: Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó

TTH - Phương án di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế từ di tích Quốc Tử Giám (số 1 đường 23/8, trong Kinh thành Huế) về địa chỉ mới 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế theo kế hoạch được tiến hành sau tết Giáp Thìn 2024. Thế nhưng do gặp trở ngại về kinh phí nên công tác này vẫn chưa thể hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Dâng hương tưởng niệm 150 năm ngày mất ông tổ nghề nhiếp ảnhDu lịch làng nghề hấp dẫn du kháchKể chuyện về dệt limar tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á

 Những hiện vật "khổng lồ" là xe tăng, máy bay, khẩu pháo… được dời về địa điểm mới từ trước đó

Sau hơn 40 năm “tạm trú” tại di tích Quốc Tử Giám, việc di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế về địa chỉ mới đã được tính toán từ nhiều năm trước. Ngay từ đầu năm 2024, công tác chuẩn bị cho việc di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, hệ thống kho tàng, tài liệu, hiện vật… tiếp tục được thực hiện một cách rốt ráo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong nhiều lý do khiến việc di dời còn bị trở ngại là do chưa được cấp kinh phí.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế là một trong những bảo tàng công lập trên địa bàn tỉnh có khối lượng tài liệu, hiện vật “khổng lồ” với hơn 32.000 tài liệu, hiện vật, gồm nhiều chất liệu khác nhau, như: Kim loại, sành sứ, gốm, mộc, vải, giấy, đá, da, nhựa, bông, sợi, phim, ảnh tư liệu... Trong số này, có hiện vật bệ thờ Vân Trạch Hòa và chóp - bệ tháp Linh Thái đã được xếp hạng Bảo vật Quốc gia.

Đại diện lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho hay, ngoài khối lượng lớn hiện vật, nhiều chủng loại, thể loại, chất liệu… thì việc di dời Bảo tàng cũng sẽ thêm phần khó khăn khi còn phải chạy đua với thời tiết. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, những hiện vật này hiện vẫn đang được đặt tại kho ở di tích Quốc Tử Giám nhưng hệ thống cơ sở vật chất lại đang đối mặt với hư hỏng, xuống cấp.

“Cơ sở vật chất của di tích Quốc Tử Giám đang xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống vì kèo, đòn tay, rui mèn bị oằn, có nơi bị sụp xuống, hệ thống mái ngói có nơi bị trụt hết toàn bộ. Tình hình hiện nay chỉ cố gắng chống đỡ trong mùa nắng, khi mùa mưa đến không thể sử dụng tiếp tục vì gây nguy hiểm khối tài liệu, hiện vật. Do vậy, việc di chuyển phải được tiến hành khẩn trương và kịp thời trước khi mưa bão, thời tiết diễn biến xấu”, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trăn trở.

 Cán bộ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đóng gói các hiện vật chuẩn bị dời về địa điểm mới

Theo ông Lộc, đơn vị đã làm kế hoạch xin kinh phí lên cấp trên và vẫn đang chờ được phân bổ để đảm bảo việc di dời đúng tiến độ. Ngoài kinh phí đề xuất 650 triệu đồng, trong quá trình vận chuyển sẽ có những hiện vật có trọng lượng, thể khối khá lớn, quá trình đó phải tháo lắp nên cần có sự hỗ trợ các cơ quan chức năng, chuyên môn.

Ở địa điểm mới số 268 Điện Biên Phủ (TP. Huế), ông Lộc cho hay, đã xây dựng những ý tưởng trưng bày, nhưng căn cứ trên tình hình thực tế rất khó thực hiện, tính khả thi không cao do nơi này chưa có không gian trưng bày cố định và chuyên đề. Vì thế, sắp tới Bảo tàng chú trọng tuyên truyền, giáo dục truyền thống thông qua phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đơn vị lực lượng vũ trang và trường học đóng trên địa bàn.

“Về lâu dài tại địa điểm mới đơn vị sẽ nghiên cứu phát huy hiện vật thông qua trưng bày kho mở, trưng bày kết hợp với các hiện vật ngoài trời hiện có”, ông Lộc chia sẻ và nói thêm đang tính toán xây dựng đề án “bảo quản và phát huy giá trị hiện vật thể khối lớn”. Những hiện vật lớn này có thể kể đến là các chiếc xe tăng, máy bay, khẩu pháo… đã từng được lực lượng quân đội hỗ trợ di chuyển về địa chỉ 268 Điện Biên Phủ từ năm 2022.

Trao đổi thêm về việc bàn giao lại di tích Quốc Tử Giám, người đứng đầu Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế nói rằng, đã có những buổi làm việc, trao đổi cụ thể với đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Hiện cả hai đơn vị cũng đang gấp rút chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ các bước tiếp theo để tiến hành bàn giao ngay sau khi di chuyển toàn bộ hiện vật về nơi mới.

Đại diện văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, việc di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế là chủ trương của tỉnh, hiện công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất. Riêng vấn đề kinh phí di dời, hiện sở đã làm dự toán xin cấp bổ sung gửi qua Sở Tài chính. Sau khi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và một khi được cấp kinh phí sẽ phân bổ về ngay để thực hiện việc di dời.

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm), đơn vị sẽ tổ chức kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản, OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Huế trong 2 ngày 28 và 29/12.

Xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương

TIN MỚI

Return to top