Việc tuyển chọn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng từ năm 2010. Theo PGS.TS Lê Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ sinh học Đại học Huế, tại lễ trao bằng cho cây đa Đá Bạc, sáng kiến này của hội đã tạo ra một phong trào quần chúng sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực bảo tồn nguồn gien quý hiếm, đồng thời góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Cây đa ở Đá Bạc chưa phải là quá già, chỉ khoảng 300 năm tuổi, được trồng nhằm đánh dấu, cắm mốc biên giới của làng Đá Bạc sau khi đã định canh, định cư (khoảng thế kỷ XVIII). Điều đáng nói là, đã từ lâu trên hành trình bắc nam, đi qua Thừa Thiên Huế, cây đa Đá Bạc được xem là điểm đến, nơi dừng chân của bao lữ khách. Cây đa gắn liền với bến đò Đá Bạc và bên kia đầm Cầu Hai là vùng khu ba, một thời cách đò trở giang. Ngay dưới gốc cây đa, hiện có một miếu thờ của ngư dân làng Đá Bạc với mong cầu cho người dân luôn gặp bình an, tôm cá đầy thuyền mỗi lúc ra khơi.
Cây đa Đá Bạc cũng được xem là nhân chứng lịch sử, từng chứng kiến những tội ác dã man của quân Pháp đối với nhân dân và những chiến sĩ cách mạng. Đây cũng là nơi gắn liền với chiến công của Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) tiêu diệt, cắt đứt cánh quân của địch trên đoạn đường Quốc lộ 1A từ Ngã ba Ràng Bò đến bến cây đa Đá Bạc góp phần giải phóng Thừa Thiên Huế trong đại thắng mùa xuân 1975. Nhắc lại đôi dòng lịch sử để thấy, cây đa Đá Bạc xứng đáng được tôn vinh là Cây di sản, sự vinh danh dựa trên những tiêu chí rất khắt khe.
Được công nhận di sản không chỉ là niềm vui, hạnh phúc mà còn là vinh dự của nhân dân và các cấp chính quyền, nơi có cây tọa lạc. Tuy nhiên, đây cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề cho địa phương. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ tốt các cây cổ thụ này, đồng thời kêu gọi nhân dân trong vùng quan tâm quản lý và chăm sóc để cây có điều kiện duy trì tuổi thọ và phát triển trường tồn. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức của người dân góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, gìn giữ màu xanh cho quê hương, đất nước.
Rất nhiều nước trên thế giới như Singapore, Trung Quốc, Thailand, Mianma, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ,…đã tiến hành bảo vệ Cây di sản như một loại danh mộc cổ thụ của đất nước. Ngoài giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, Cây di sản cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương. Đó cũng là vấn đặt ra với cây đa Đá Bạc nói riêng và Cây Di sản Việt Nam nói chung.
Đan Duy