Chuyện trao đổi, thậm chí cả tranh luận về một bài viết là bình thường trong nghiên cứu, học thuật. Trao đổi, tranh luận là để làm sáng tỏ, để đạt đến chân lý, đạt đến bản chất của vấn đề. Điều ấy là cần thiết và hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Vậy nhưng, có một vài người hình như lại không nghĩ như vậy. Có cảm giác họ cứ nhăm nhăm... chờ cơ hội, chỉ cần có hớ hênh, sơ sẩy là lập tức nhảy vào "ném đá, đâm chém" loạn xạ. Mục đích không gì khác là để đả kích, miệt thị tác giả bài viết mà họ cho rằng "viết bậy", là thiếu kiến thức. Và, xa hơn, và quan trọng hơn là để khoe sở đắc sở học của bản thân.
Trước đây, khi internet chưa có hoặc còn hạn chế, các bài trao đi đổi lại, góp ý tranh luận đều chỉ có một con đường là gửi đến các tòa soạn. Dĩ nhiên, bài viết nếu "lên gân" quá, ngôn từ "gây hấn" quá thì sẽ được biên tập để đạt độ chừng mực cần thiết. Những bài viết "quá đáng", vượt qua ranh giới của chuyện trao đổi, tranh luận mang tính học thuật có thể sẽ bị loại bỏ. Bây giờ "thế giới phẳng", một số người thoải mái "văng" bạt mạng trên mạng. Chưa biết bản chất vấn đề ra sao, trúng trật thế nào đã lớn tiếng thóa mạ, chửi bới. Mình là lớp hậu sinh mà vẫn cả gan gọi người đáng bậc cha chú của mình là thằng này thằng nọ. Sở học của mình chỉ mới tí ti đã xem bậc tiền bối như phường "túi cơm giá áo". Như trường hợp bài báo tôi vừa kể, sau khi đọc bài trao đổi, một anh chàng làm nghề thầy thuốc có chút máu me nghiên cứu đã nhảy xổ vào mắng nhà nghiên cứu khả kính của bài viết đầu tiên là "thằng lừa bịp" (!??). Khi có các comment nhẹ nhàng nhắc nhở, và nhất là khi nhà nghiên cứu khả kính nọ có bài viết thứ hai, giảng giải, dẫn chứng tận tường để chứng minh rằng bài viết của mình là chính xác; còn cách kiến giải của bài góp ý thì có sự nhầm lẫn do tác giả của nó chưa tận tường văn bản cổ. Không biết sau khi đọc bài viết ấy, anh thầy thuốc sẽ nghĩ gì, có biết tự vấn và tự ngượng?
Thoáng đọc một lần, nhưng triết lý về bông lúa của người Nhật khiến tôi rất thích. Đại ý, người Nhật vẫn dạy con cháu rằng, bông lúa càng mẩy hạt thì càng trĩu xuống. Nghĩa là càng thành đạt, càng giỏi giang thì càng phải biết khiêm cung. Điều đó cũng có nghĩa là ngược lại, những bông lúa lép hạt thì bao giờ cũng ngóc đầu giương cao ra vẻ. Tôi vẫn nghĩ, những người hay chém gió, khoe kiến thức cũng chỉ là những bông lúa lép hạt.
Diên Thống