ClockThứ Bảy, 25/01/2020 06:30

Thao thức chùa Huế...

TTH - Vượt ra khỏi chiếc áo của mình, chùa Huế đã không chỉ là riêng của Phật giáo mà còn là tài sản độc đáo, vô giá cần gìn giữ…

Vườn lan bên mái chùaVề chùa Huế ngắm hoa sala

Một góc Huyền Không Sơn Thượng

Mới đó mà đã ngót nửa thế kỷ kể từ cái thời tôi là đứa con nít sống với ông bà nội nơi góc vườn nhỏ êm đềm dưới chân non Ngự. Học thêm học nếm, điện tử điện tôn đều chưa hề có trong khái niệm. Hè về, lũ học trò trong xóm tha hồ rủ nhau chơi đủ thứ trò chơi mà kể tên có khi lũ trẻ bây chừ còn không biết. Trong tất cả các món, chia phe bắn nhau bằng súng bời lời có lẽ là trò chơi hớp hồn nhất với lũ bé trai chúng tôi thời đó. Hôm nào cả bọn cũng rủ nhau đi chặt hóp (một loài tre cây chỉ nhỏ như ngón tay người lớn thường được trồng làm bờ rào) để làm súng, sau đó lại dáo dác đi hái trái bời lời làm đạn để kịp “lâm trận”.

Một hôm, để chuẩn bị “vũ khí” cho mình, tôi và thằng bạn nối khố tên Út kéo nhau lên phía ngã tư Bánh Bèo để tìm trái bời lời. Hai thằng tha thẩn mãi vô tới lăng “cụ Kinh tế” vẫn chưa tìm thấy, đi tiếp thêm một quãng nữa thì bất chợt bắt gặp một ngôi cổ tự. Mái chùa xưa cũ, cây cối xanh tươi. Bọc quanh mé trước chùa là dòng suối trong vắt uốn lượn cứ róc ra róc rách chảy mãi. Quang cảnh ấy, thanh âm ấy như có ma lực khiến hai thằng con nít chúng tôi không đứa nào bảo đứa nào cùng ngồi bệt xuống chiếc cầu đúc xi măng sạch boong bắc qua dòng suối và say sưa lắng tai nghe tiếng nước chảy. Một cảm giác yên bình và bâng khuâng rất khó tả như len khắp châu thân. Hai đứa cứ ngồi vậy, cho đến khi mặt trời xế bóng mới giật mình giục nhau chạy để kịp về nhà trước khi trời tối.

Huyền Không Sơn Thượng

Sau này mới biết ngôi cổ tự ấy có tên Trà Am. Lớn lên chút nữa, đọc sách vở biết tên chính xác của chùa là Tra Am chứ không phải Trà Am như người ta quen gọi. Chùa do thiền sư Viên Thành khai sơn khoảng những năm đầu thập kỷ thứ 3 của thế kỷ trước. Sư Viên Thành lấy tứ “tra bất như lê” (tra không thể bằng lê) trong điển tích xưa để đặt tên cho chùa nhằm tỏ lòng tôn kính thầy mình là Viên Giác Đại sư, Tổ khai sơn chùa Ba La Mật. Khởi phát chỉ là một thảo am giữa hoang vu rừng núi, qua thời gian và sự dụng công của tăng chúng, phật tử, chùa Tra Am đã trở thành “một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật hiếm có”. Và bài thơ ấy trong vô ngôn đã làm tần ngần bước chân cả những đứa con nít chúng tôi một thuở…

Mà Huế của tôi đầu chỉ có mỗi Tra Am. Miền Hương Ngự từ lâu còn được nhiều người đặt cho cái tên rất đỗi an yên: xứ Thiền kinh. Nghe qua ai cũng biết ngay đó là vùng đất Phật giáo. Người ta tính không có nơi nào trên rẻo đất hình chữ S này có số lượng chùa chiền nhiều như ở Huế. Một con số thống kê cho thấy, có đến chừng 550 ngôi chùa lớn nhỏ ở đây, trong đó rất nhiều chùa có tuổi từ trăm năm trở lên. Không phô trương hoành tráng, lánh xa chốn phố thị phồn hoa, các vị cao tăng xưa thường tìm nơi núi cao rừng thẳm cắm tích trượng dựng thảo am, khai sơn nên những mái chùa khiêm cung hòa mình với thiên nhiên cây cỏ. Các thế hệ tiếp nối đã kế thừa công nghiệp của chư Tổ khai sơn, cứ thế lần hồi kiến tạo để đến bây giờ cho Huế một tập hợp những bài thơ tuyệt tác, những tác phẩm nghệ thuật có sức trường tồn. Rất nhiều trong số đó đã dự vào hàng danh lam thắng tích, tiếng thơm lan tỏa như Thiên Mụ, Thánh Duyên, Bảo Quốc, Từ Hiếu, Diệu Đế, Thuyền Tôn, Tây Thiên, Vạn Phước… Bậc đế vương như vua Thiệu Trị cũng không thể cầm lòng trước cảnh sắc vi diệu của chùa Huế đã phải ngự bút đề thơ, những Vân Sơn Thắng Tích, Thiên Mụ Chung thanh, Giác Hoàng Phạm Ngữ đến nay vẫn còn lưu dấu...

Thiên Mụ nhìn từ sông Hương

Hàng trăm năm hiện hữu đồng hành, những ngôi chùa Huế còn dự phần hun đúc nên tính cách hiếu hòa, nghiêm cẩn, thâm trầm của cộng đồng cư dân nơi đây; bồi đắp, tích trữ cả một kho tài nguyên quý giá và đầy hồn cốt để cho Huế có thể phát triển du lịch văn hóa tâm linh - một loại hình du lịch thời thượng đang rất hút khách khiến không ít nơi từ lâu nay vẫn đua nhau đổ công đổ của, bạt núi phá rừng mong cầu nhưng chưa chắc có được… Nói như vậy để thấy, vượt ra khỏi chiếc áo của mình, chùa Huế đã không chỉ là riêng của Phật giáo mà còn là tài sản độc đáo, vô giá cần phải quan tâm gìn giữ.

Mông lung rồi lại nhớ chuyện chưa lâu khi dẫn bà cô ở xa về thăm lên chùa lễ Phật nhân ngày đầu năm. Tất nhiên là không thể đi hết mà chỉ chọn một vài ngôi tiêu biểu. Vẫn chùa xưa Phật cũ, nhưng cảnh sắc thì đã khác trước ít nhiều khiến cô tôi cảm thấy bồn chồn. Trên đường về, cô nhận xét mà như than phiền: “Nhà cửa bữa nay không khéo lấn luôn cả chùa…”. Thì vẫn biết vậy nhưng phải làm sao, người mỗi lúc mỗi đông nhưng đất thì không thấy nở. Thời gian và nhu cầu phát triển đã khiến cho không ít ngôi chùa từ chốn thâm sơn cùng cốc nay “về” nằm ngay giữa trung tâm phố thị. Như Từ Đàm và Báo Quốc, một tài liệu tôi được đọc đâu đó có kể rằng, trước đây các thầy các chú từ chùa này sang chùa kia phải vạch cây men núi đi mất cả buổi, nay thì 2 chùa cách nhau đúng chừng mỗi sải. Có điều, tuy là giữa phố thị, nhưng không gian chung quanh chốn cửa thiền vẫn được tôn trọng. Còn bây giờ…

Bình yên Từ Hiếu

Sau bận ấy, tôi bắt đầu để tâm thỉnh thoảng đảo quanh một vòng cảnh quan chùa Huế. Những ngôi chùa “mặt tiền” thôi xin không đề cập, nhưng những Hàm Long Báo Quốc, Di Đà Tây Thiên, Tường Vân, Châu Lâm, Từ Hiếu… thì nhà cửa lớn nhỏ, cao thấp đang ngày mỗi xáp lại. Quán sá, hàng ăn với ồn ào thực khách, rộn ràng rượu thịt bình thản hoạt động sát cạnh vách chùa... Tôi cũng thử trở lại Tra Am, ngôi cổ tự từng để lại xúc cảm đậm sâu trong ký ức tuổi thơ tôi. Đại lộ Võ Văn Kiệt mở ra khiến cho đường đi Tra Am bây giờ chỉ cần một loáng. Chùa xưa vẫn đó nhưng cảnh cũ hao gầy. Con suối trong róc rách reo hát hôm nào giờ chỉ còn như một đường mương thoát nước… Thương và tiếc, nhưng biết làm sao.

Chùa không phải là di tích nên làm gì có khu vực I, khu vực II, có chế tài của luật di sản mà bảo vệ? Và xem chừng cũng vì thế mà đó đây đã xuất hiện những cảnh chùa bị biến tướng sau cái gọi là trùng tu khiến giới thức giả nhiều người phải giật mình ái ngại. Cũng may đó mới chỉ là một số chứ chưa phải là tất cả, nhưng nếu ngay từ bây giờ không lưu tâm, đến một lúc nào đó mới quay lại nhìn thì e rằng quá muộn…

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế
Chùa Tra Am - chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi tôi vừa tròn 7 tuổi. Đám tang bà nội tôi sau khi di chuyển rất khó khăn trên con đường đất ngoằn ngoèo, nay là đường Nguyễn Khoa Chiêm, dưới trời mưa tầm tã, thì đến chùa Tra Am.

Chùa Tra Am - chốn tiêu diêu
Dưới bóng cây hạnh phúc

Mỗi lần về thăm chùa làng, việc đầu tiên của tôi là đứng trước chùa, ngước lên nhìn những tán xanh của mấy cây phượng tròn trước sân chùa. Bao nhiêu ký ức về ngôi chùa cũ và những người thân ùa về trong vòm lá xanh lao xao cổ thụ. Tôi gọi đó là bóng cây hạnh phúc như tựa đề một bộ phim vừa chiếu trên truyền hình Việt Nam.

Dưới bóng cây hạnh phúc
Mùa Phật đản về

Là xứ sở của hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, thật không quá khi người ta bảo mùa Phật đản là một trong những mùa đẹp nhất trong năm ở Huế.

Mùa Phật đản về
Ăn cơm chùa

Hiểu theo nghĩa đơn giản, ăn cơm chùa là ăn cơm ở chùa. Ở một ý nghĩa nào đó, nó có hàm ý là ăn cơm miễn phí.

Ăn cơm chùa
Return to top