ClockThứ Năm, 02/07/2015 05:58

Ca Huế trước thách thức bảo tồn

TTH - Việc ca Huế vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia không chỉ là niềm tự hào đối với người dân Huế, với các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu mà còn là yêu cầu cấp thiết cần được bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Cấp thiết sưu tầm

Trong một lần, trò chuyện với nghệ nhân Minh Mẫn về ca Huế, bà bày tỏ nỗi lo khi tuổi đã gần đất xa trời, nếu mất thì sẽ mang theo cả vốn quý mà mình đã chắt chiu, gìn giữ trong suốt cả đời người. Nghệ nhân Minh Mẫn kể, bà thuộc hầu hết các làn điệu ca Huế nhưng chưa có cơ quan, tổ chức nào đến gặp để ký âm, ghi lại những bài bản cổ. Ngoài đi hát, tại tư gia của nhà nghiên cứu Bửu Ý, những khi ngồi một mình, bà lại tẩn mẩn chép lời ca Huế đầy một cuốn vở. Nghệ nhân lật giở từng trang vở học trò: “Ghi lời rứa thôi chứ tui không biết ký âm. Thế hệ sau có đọc cũng khó mà biết cách luyến láy, nhả chữ cho đúng, rồi lại tam sao thất bản, nhất là những lời cổ”.
Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), các cơ quan liên quan đã thiếu sót khi chưa khai thác hết “tài sản” quý giá mà những “báu vật sống” như nghệ nhân Minh Mẫn đang lưu giữ. Ông nói: “Các cơ quan chuyên môn chưa làm hết chức năng của mình trong việc sưu tầm và lưu giữ những làn điệu, bài bản ca Huế. Đây là việc làm cấp thiết. Tuổi các nghệ nhân đều đã cao, nếu không làm bây giờ thì không kịp. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chuyên môn và một số đơn vị trực thuộc ngành để làm tốt trách nhiệm này”.
Nhạc công ca Huế. Ảnh: Nguyệt Tú.
Những người tìm đến học ca Huế ở nghệ nhân Minh Mẫn cũng hiếm người chịu khó học hết vốn quý này, nên bà vẫn chưa có truyền nhân để truyền hết ngón nghề. Nghệ nhân trải lòng: “Cũng có nhiều nghệ sĩ trẻ tìm đến tôi học hát ca Huế, nhưng chỉ ca được vài bài để đi ca Huế trên sông là họ nghỉ. Cũng hiếm người học những bài bản cổ vì khó hát và kén khách nghe”.
Một vị khách am hiểu ca Huế đến từ Hà Nội vào Huế công tác từng phàn nàn: “Tôi rất mê ca Huế, lần nào vào đây cũng tranh thủ đi nghe ca Huế trên sông cho bằng được. Nhưng càng ngày, số bài bản ca Huế trong chương trình biểu diễn càng ít đi, thay vào đó là những điệu lý, dân ca và cả nhạc mới. Điều đó khiến tôi rất buồn”, vị khách chia sẻ.
Trao đổi vấn đề này với ông La Thiên Phương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế (gọi tắt là trung tâm), ông Phương trầm ngâm: “Với thời lượng hạn chế khi biểu diễn ca Huế trên sông Hương như hiện nay, các bài bản lớn của nghệ thuật ca Huế, như: Quả phụ, Nam xuân, Nam ai, Phú Lục, Tứ Đại Cảnh… gần như vắng bóng. Thay vào đó phần lớn là các làn điệu dân ca, các điệu lý, dẫn đến việc biến dạng hình thức diễn xướng ca Huế, gây sự hiểu lầm với du khách, nhất là những người đang tìm đến ca Huế với lòng đam mê thật sự”.
Cũng theo ông Phương, việc xã hội hóa hoạt động ca Huế mang lại lợi ích về kinh tế, giải quyết được công ăn việc làm cho diễn viên, nhạc công và bà con nhân dân. Tuy vậy ít nhiều làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có của ca Huế.
Nhiều nhiệm vụ được đặt ra
Để bảo tồn và phát huy giá trị của ca Huế xứng với danh diệu vừa được tôn vinh, theo ông Phan Tiến Dũng, trước tiên, phải tập trung sưu tầm, lưu giữ các bài bản, nhất là những bài bản cổ - tinh hoa của ca Huế và tranh thủ sự truyền nghề của các nghệ nhân lão thành cho thế hệ kế cận. Bên cạnh đó, cần có cơ chế bảo đảm các chính sách truyền thụ và kinh phí hỗ trợ cho nghệ nhân, dù họ không bao giờ đòi hỏi. Ông La Thiên Phương cho biết: “Trung tâm đang lập kế hoạch đề nghị Sở VH, TT&DL bổ sung chức năng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ca Huế. Theo đó, Trung tâm sẽ sưu tầm, ký âm các bài bản ca Huế để truyền đạt cho thế hệ sau; mời các nghệ nhân truyền nghề cho nhạc công, nghệ sĩ để nâng cao chất lượng ca Huế”.
Về đào tạo lực lượng kế cận, ông Phan Tiến Dũng cho rằng, sắp tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo đưa ca Huế vào dạy trong các trường học. Sau khi triển khai thí điểm ở một số trường sẽ nhân rộng mô hình này. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các trường chuyên nghiệp để đào tạo lực lượng nghệ sĩ có tài năng, tạo điều kiện cho các đối tượng này được học tập và bồi dưỡng ở những môi trường chuyên nghiệp hơn. 
Từ lâu, hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương và tại các nhà hàng, khách sạn... đã thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu của du khách khi đến Huế. Việc tổ chức các hoạt động này cần tiếp tục được quản lý chặt chẽ. Chú trọng chất lượng, xây dựng các chương trình ca Huế gồm những bài bản các làn điệu dân ca phù hợp với thời lượng biểu diễn và tổ chức không gian diễn xướng lịch lãm, trang trọng. Đội ngũ diễn viên, nhạc công thường xuyên được tập huấn để nâng cao chuyên môn và thái độ phục vụ, bởi chính họ là hạt nhân để quảng bá sâu rộng giá trị của ca Huế đến người dân và du khách.
“Chúng ta phải chống thương mại hóa hoạt động ca Huế bằng các biện pháp xử lý nghiêm. Cơ quan quản lý, người tham gia biểu diễn, chủ phương tiện vận chuyển cần phối hợp một cách đồng bộ theo quy chế tổ chức biểu diễn thì chất lượng biểu diễn ca Huế mới được nâng lên”, ông Phan Tiến Dũng cho hay và nói thêm: “Để tạo không gian diễn xướng đúng nghĩa cho ca Huế, Sở VH, TT&DL sẽ quy hoạch các điểm biểu diễn nghệ thuật, có thể xây dựng một số điểm biểu diễn ca Huế ở nhà hát, bảo tàng, di tích... Từ đó, tạo cho ca Huế hình thái phát triển cả về chất lượng nghệ thuật và không gian biểu diễn”. 
Theo ông La Thiên Phương, việc biểu diễn ca Huế theo phong cách thính phòng cần được tiếp tục chú trọng và phát triển. Bởi lẽ, đây là không gian diễn xướng phù hợp với loại hình ca Huế. Ở đây, những du khách “tri âm tri kỷ”, những nhà nghiên cứu sẽ được tận hưởng đầy đủ các cung bậc của các làn điệu trữ tình, sâu lắng của ca Huế. Hiện nay, tại một số di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, Bảo tàng Văn hóa Huế và một số câu lạc bộ đã triển khai có hiệu quả hoạt động này.
Chủ nhân đích thực của di sản là nhân dân. Để ca Huế tiếp tục gắn bó và phát huy sức mạnh trong cộng đồng dân cư, cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, quảng bá để người dân chủ động, tích cực tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”

Bây giờ, rừng Ngọc Linh xanh ngắt vẫn um tùm bóng cây che trên di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng: Ngục Đăk Glei. Hơn 70 năm trước, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Tiếng hát đi đày” ở ngay Đăk Glei tháng Giêng năm 1942: “…Đường lên xứ lạ Kông Tum/ Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao”. Bài thơ ấy đến nay còn vọng...

Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Return to top