Bổ sung một số công trình bỏ sót
Sau khi UBND tỉnh có quyết định, ban hành danh mục bảo tồn 27 công trình kiến trúc Pháp như trường học, biệt thự, khách sạn, nhà thờ... một số chuyên gia có ý kiến rằng, con số 27 công trình là chưa đủ và cần đánh giá lại một cách khoa học, nghiêm túc .
Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin (cũ) cho rằng, có sự bất hợp lý trong quá trình tham mưu bởi có những công trình không dính dáng đến thời Pháp. Ông Hoa dẫn giải, nhà thờ giáo xứ Phủ Cam hiện nay do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, được khởi công xây dựng từ năm 1960 vào thời điểm được nâng cấp từ giáo phận lên tổng giáo phận. Quá trình xây dựng kéo dài đến năm 2000 mới hoàn thành. Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế được nêu trong danh sách, đó không phải là tên gọi đúng mà chính xác phải là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Công trình này có kiến trúc đẹp nhưng không phải kiến trúc Pháp mà khai thác kiến trúc hiện đại, xen lẫn truyền thống Việt Nam.
“Cần xem lại vấn đề lên danh sách này bởi nó liên quan đến học thuật, văn hóa, lịch sử... Tôi nghĩ trước khi lên danh sách cần phải tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà sử học, những người am hiểu Huế. Chúng ta phải thận trọng trong từng chi tiết từ tên gọi, hồ sơ xây dựng, hiện trạng...”, ông Hoa nhấn mạnh và đề nghị xem xét lại quyết định này để điều chỉnh một cách hợp lý; đồng thời có ý kiến bổ sung thêm một số công trình bị “bỏ sót” như trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh hiện nằm ở số 26 Lê Lợi.
Khách sạn Sài Gòn Morin với lối kiến trúc Pháp đang phát huy được công năng sử dụng
Có giải pháp phù hợp
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoa, khi đưa ra quyết định bảo tồn, cần chỉ rõ bảo tồn cái gì ở từng công trình cụ thể. Tương tự, chủ sở hữu công trình được phép làm gì, ở phạm vi nào và ngược lại.
Ga Huế - công trình kiến trúc Pháp
Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cũng cho rằng, di sản kiến trúc Pháp ở Huế cần được bảo vệ, cải tạo lại bởi đây là di sản kiến trúc đặc biệt. “Qua nhiều thời kỳ đã mất một số công trình kiến trúc Pháp có tuổi đời trên 100 năm. Do đó, cần tiến hành nhanh việc thống kê lại tất cả công trình kiến trúc Pháp ở Huế hiện có, lập hồ sơ lý lịch di tích, từ đó nghiên cứu, lập đề án, nâng cấp, bảo tồn...”, ông Vĩnh đề nghị.
Bàn về kiến trúc Pháp ở Huế, GS.KTS Hoàng Đạo Kính từng chia sẻ tại một hội thảo rằng, quỹ kiến trúc đô thị Huế ít đồ sộ, song phong phú về sự hiện diện kiến trúc các thời, thể loại, nổi trội về giá trị và cảnh quan. Xem quỹ kiến trúc đô thị Huế theo thể loại và mảng kiến trúc các thời có phần khiên cưỡng, bởi Huế là một cơ thể thống nhất hiếm thấy. Ở mỗi thành phần đô thị, ở mỗi công trình kiến trúc, sự khác biệt các thời và phong cách không phải đã bộc lộ rõ ràng. Song, để thực hiện việc xem xét và đánh giá mang tính chất kiểm kê học thì chia thành các nhóm gồm kiến trúc thành lũy và kiến trúc cung đình; kiến trúc dân dụng truyền thống; kiến trúc tín ngưỡng và tôn giáo; kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc; kiến trúc sau 1945; kiến trúc cảnh quan đô thị.
Bảo tàng Văn hóa Huế còn khá nguyên vẹn
Giáo sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh đến vài trò kiến trúc Pháp với dẫn chứng cụ thể trên bờ Nam sông Hương từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng một phố Tây với nhiều thể loại công trình kiến trúc, mà một số lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Kiến trúc thời Pháp ở Huế chưa rõ vì những nguyên nhân nào mà có những dị biệt so với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy bị hao hụt và pha tạp khá nhiều song thành phần kiến trúc này vẫn chiếm giữ vai trò quan trọng trong quỹ kiến trúc đô thị Huế, góp phần tạo nên diện mạo đô thị Huế.
Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại khi thời gian qua, một số biệt thự, công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu bị hư hỏng, xuống cấp hoặc thay đổi hiện trạng để phục vụ cho một số dự án đầu tư hay quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội...
La Residence Hotel& Spa nằm ở số 5 Lê Lợi là một trong những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu cạnh bờ sông Hương
Ý kiến từ các nhà nghiên cứu và chuyên gia là, cần có phương hướng, giải pháp để tạo sự hòa hợp giữa kiến trúc cổ và kiến trúc hiện đại, giữa nhu cầu phát triển kinh tế và giá trị văn hóa, như vậy mới không “đánh mất tính đặc thù của đô thị Huế”.
Bài, ảnh: PHAN THÀNH