ClockThứ Năm, 01/03/2018 09:01

Bảo tồn giá trị văn hóa từ cộng đồng

TTH - Phát huy vai trò các nghệ nhân, các sinh hoạt lễ hội trong đời sống, huyện A Lưới đã kết hợp việc sưu tầm, phục dựng và bảo tồn với phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

A Lưới tổ chức truyền dạy văn hóa truyền thống cho thanh niên, học sinh

Dệt Zèng, nghề thủ công truyền thống của đồng bào được quan tâm bảo tồn và phát huy

Đánh thức tiềm năng cộng đồng

Khác với mọi khi, căn nhà của già Quỳnh Hầu, làng Tà Roi, xã A Ngo những ngày này thật đông các thanh niên trong làng. Mọi người đều trong trang phục truyền thống, xếp thành đội hình theo sự hướng dẫn của già. Các điệu múa, lời hát truyền thống bắt đầu vang lên theo từng nhịp… Già Quỳnh Hầu tự hào: “Để gìn giữ các bản sắc văn hóa, già đã mở nhiều lớp truyền dạy cho con cháu và thế hệ trẻ các điệu múa hát truyền thống, cách múa đánh cồng chiêng, thổi khèn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục và các nét hoa văn trang trí của đồng bào mình…”. Dừng buổi tập để trò chuyện, già Quỳnh Hầu nhớ lại: “Tôi bắt đầu học thổi khèn, các điệu múa, lời hát, chơi cồng chiêng từ khi còn nhỏ. Ban đầu học vất vả lắm, các nhạc cụ này không dễ cảm nhận và khó chơi thành thạo. Tôi phải mất nhiều thời gian cùng các bậc cao niên trong làng tập hát, tập múa, chơi cồng chiêng mới ăn sâu vào trí nhớ được”.

Trong ngôi nhà của già Quỳnh Hầu, những bộ nhạc cụ được treo trên giá rất cẩn thận. Tất cả được ông xem như gia tài của mình và gìn giữ hàng ngày. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe đã yếu dần, nhưng già Quỳnh Hầu vẫn mong muốn được góp sức mình bằng việc chỉ dạy, truyền thụ cho lớp trẻ học múa hát, cồng chiêng, khèn, hay bất cứ làn điệu, nhạc cụ nào của dân tộc mình. Ông sẵn sàng bỏ ra cả ngày để truyền lại âm nhạc cho thanh niên trong thôn, xã. Ông vui mừng: “Nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm tuyên truyền, vận động, bà con bây giờ đã nhận thức được giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình rồi…”.

Anh Hồ Văn Huỳnh, một thanh niên địa phương, cũng có những đóng góp quan trọng trong việc lưu giữ lại những vốn quý văn hóa của đồng bào mình. Hiện tại, anh tự bỏ công sức tìm hiểu, sưu tầm, bảo tồn được nhiều hiện vật văn hóa của vùng cao A Lưới. Anh còn cất công theo các già làng trong vùng học cách chế tác, sử dụng các công cụ, nhạc cụ truyền thống đang có nguy cơ mai một. Anh Huỳnh cho biết, các hiện vật sẽ được anh hồ sơ hóa.

Tạo động lực

Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm cho biết: "Để bảo tồn các giá trị văn hóa, ngành chức năng huyện A Lưới đã triển khai công tác sưu tập, đánh giá về giá trị và thí điểm trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở A Lưới; phục dựng các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng, nhà sàn, nhà dài truyền thống. Ngành nghề dệt Zèng và thủ công mỹ nghệ cũng được quan tâm bảo tồn và phát huy. Đến nay, hoạt động dệt Zèng được tổ chức hằng trăm đợt triển lãm phục vụ trong các dịp lễ lớn và du khách đến tham quan, góp phần tích cực trong việc bảo tồn nét văn hoá đặc sắc về trang phục của đồng bào".

Cùng với bảo tồn văn hóa vật thể, huyện A Lưới đã quan tâm phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, cộng đồng các làng, bản trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể gồm các lễ hội truyền thống: Ariêu Car (Lễ hội đoàn kết giữa các làng), Ariêu Piing (Lễ cải táng), Ariêu Aza (Tết truyền thống, mừng lúa mới). Qua đó, các tập tục văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc được phục dựng, duy trì thường xuyên. Đồng thời, thông qua các nghệ nhân, già làng, cộng đồng các dân tộc, nhiều thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các DTTS đã được sưu tầm, bảo tồn, phát huy và hòa nhập cùng phát triển.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định: "Địa phương đang huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào các DTTS. Huyện tích cực vận động 100% đồng bào DTTS sử dụng trang phục truyền thống trong những ngày lễ hội; tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và xuất bản chữ viết, tục ngữ, ca dao, các làn điệu dân ca, dân vũ, truyện cổ... của các DTTS. Có chính sách phát huy vai trò các nghệ nhân, già làng, cộng đồng các thôn, bản trong công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tiến đến tổ chức các lễ hội của đồng bào theo định kỳ để trở thành các sản phẩm du lịch của địa phương".

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

TIN MỚI

Return to top