ClockThứ Năm, 01/07/2010 05:02

Cánh đồng nay đã vắng chim rồi...

TTH - Mỗi chiều khi mặt trời tụt xuống, một vùng trời đỏ ói khép lại phía đầu non, mùa màng râm ran trong tiếng hoan cả của lũ dế, ấy là thời điểm cánh đồng đón những loài chim ghé thăm trong cuộc thiên di đầy khổ lụy.

Chim én, chiền chiện, cu đất... cả khi cánh đồng chỉ trơ lại gốc rạ, thì những chú cò, chim đũa vẫn cúi nhặt từng hạt lúa rơi vãi một cách thản nhiên, lâu lắm mới nghển cổ như bất chợt âm thanh từ một hành tinh khác đánh rơi ngang trời. Lũ chim, chúng đưa nhau về vui cùng xóm thôn với ánh nhìn khờ dại nguyên thuỷ...

 


Đồng quê yêu dấu

Cách mươi năm về trước, chim chóc ở xóm tôi nhiều khôn kể. Chỉ riêng ở lùm Bù Lú đã đủ chim rải đi đậu ở các vườn nhà. Xóm truyền miệng lùm Bù Lú có ma, cũng nhờ vậy lũ chim mới tạm bình an. Trẻ con và thanh niên săn bắn ở đâu chứ chẳng dám lủi vào lùm Bù Lú. Càng ngày các loài chim bị săn đuổi từ các nơi bay về sống càng nhiều.
 
Nhưng rồi một hôm có hai thằng mặt lạ hoắc, ăn mặc bụi đời, ngồi trên chiếc xe 78 lần mần sao lại xách súng hơi tới lùm Bù Lú. Loài hiền nhất ở lùm Bù Lú phải kể đến hai con cú mèo. Mắt con nào cũng to, tròn xoe, nhìn từ dưới lên cứ vàng ọng. Hai thằng mặt lạ chỉ giết được một con. Khi nòng súng chĩa lên, mắt nó không chớp cho tới khi viên đạn xuyên vào. Từ đấy lùm Bù Lú bị quấy nhiễu thường xuyên. Từ đấy có người tới cuốc đất, làm nhà... Từ đấy không ai còn thấy con cú mèo còn lại đâu nữa.
 
Bắn chim là thú chơi số một của cái thằng tôi mất dạy thuở ấy. Không được phép ra sông lấy bùn nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn kiếm được bùn ở các con mương hay bờ ruộng về vắt thành hòn bi nướng lên làm đạn. Đó là loại bùn màu vàng hươm, dẻo. Lũ trẻ và tôi thường vắt đạn tròn, cho vào bếp suốt buổi, khi “ra lò” đa số đã chín, cứng như gạch; cũng có nhiều viên, do đất bùn, đen sẫm lại như mẻ sành. Những viên đó bắn chim, nếu trúng là phanh thây. Đã rất nhiều lần tôi làm cho bếp lửa của mẹ tắt, khói um lên. Mẹ nạt nộ, xúc đống viên bi bùn đổ ra ngoài, tôi vẫn chứng nào tật ấy tuy những lần sau bỏ vào bếp ít viên hơn.
 
 

Ký ức đồng quê
 
 
Tôi hồi đó còn nhỏ, tay yếu nên bắn chưa được chính xác, hiếm khi trúng được chim. Nhưng cũng như lũ trẻ trong làng, khi đi chơi hay lên đồng đều mang theo cây ná bên mình để bắn nhái, bắn rắn, bắn chim đất ở tầm gần.
 
Có hôm, cái thằng tôi, chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà giương ná bắn một chú gà choai bên bờ giậu. Tuy không giương ná hết cỡ nhưng vẫn nghe “bộp” rõ to. Con gà tức thì đổ xuống, hai chân chổng lên trời giẫy đành đạch, rồi lật mình nằm im. Tôi hoảng hồn, mồ hôi túa ra, quay trước nhìn sau xem có người không. Thật may không ai lúc đó để phán xét hành động đầy tội lỗi của tôi cả. Tôi nhảy tới ôm con gà vứt vào trong bụi rậm, chạy một mạch về nhà. Về nhà vẫn không yên, lo ngay ngáy, đi ra trở vô. Được độ mươi phút, tôi lén lút ra lại chỗ đã gây hoạ. Cũng chờ lúc không có người, tôi ngó vào trong bụi. Lạ quá, con gà đã biến đâu mất. Tôi không hề biết rằng, con gà đã sống lại và chạy biến.
 
Tôi không bắn được chim bằng ná, nhưng bẫy được rất nhiều chim bằng nhựa. Đấy là chim én. Vào mùa xuân, chim én về đầy đồng. Không có đứa nào không bẫy được ít nhất vài con trong mỗi buổi chăn bò. Loài chim thứ hai cũng thuộc nạn nhân của những chiếc bẫy là chim chiền chiện. Loại này xuất hiện vào cuối mùa xuân, khi bông lúa đã hạt non. Chim chiền chiện từng bầy từng bầy sà xuống ruộng lúa bắt sâu. Cái thằng tôi hoặc nhờ hoặc tự làm một cái bẫy, nom rất đơn giản: hai cọng tre vót nhỏ, xếp chéo hình chữ X, bôi nhựa. Chính giữa hình nạng phía trên có buộc một tăm tre ngắn, đầu cắm con mồi (ruồi). Chim lao tới mổ con ruồi, đôi cánh bị dính nhựa. Có lần, thấy chim bị mắc bẫy, tôi lao từ trong bóng nhim ra như bò điên, chạy băng băng giữa đám lúa nhà ai trĩu hạt. Lúa quấn vào chân rụng vô kể. Chân tôi cũng bị toác máu, về nhà mới hay.
 
Giữa khoảng không vô tận của bầu trời, cái thằng tôi phải gọi đích danh là một tội đồ của chim. Không còn nhớ bao nhiêu loài từng đậu lại trong ký ức mà giờ đây tuyệt nhiên quạnh vắng những đôi cánh thiên thần ước nâng tâm hồn tôi bay về nơi dẫu là viễn xứ.
 
Trong khu vườn tuổi thơ tôi cũng như cánh đồng ngập mặn mồ hôi mẹ cha thủa nào, chỉ một tiếng động nhỏ từ xa, những loài chim dạn nhất cũng đã nhún mình bay vút lên để lại những vết hằn sâu bên khoé mắt già nua của tôi từ độ...
 
Nhụy Nguyên
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Món quà đêm giáng sinh

Trên đường không khí Nô-en rộn ràng, những cây thông Nô-en được trang trí bắt mắt, các cửa hàng, cửa hiệu bày bán nhiều món quà giáng sinh có màu sắc sặc sỡ. Nghĩ đến những món quà Nô-en, Phương lại nhớ đến câu hỏi ban nãy của Trà: “Phương ơi, Nô-en năm nay cậu muốn được ông già Nô-en tặng quà gì nào?”. Hôm nào bố Trà cũng đến trường đón Trà. Phương dõi mắt nhìn theo bóng hai bố con Trà nhỏ dần trên đường mà thoáng thấy chạnh lòng, giá mà Phương cũng được bố đưa đón đi học mỗi ngày như Trà.

Món quà đêm giáng sinh
Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”

Bây giờ, rừng Ngọc Linh xanh ngắt vẫn um tùm bóng cây che trên di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng: Ngục Đăk Glei. Hơn 70 năm trước, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Tiếng hát đi đày” ở ngay Đăk Glei tháng Giêng năm 1942: “…Đường lên xứ lạ Kông Tum/ Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao”. Bài thơ ấy đến nay còn vọng...

Đăk Glei, còn vọng “Tiếng hát đi đày”
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Return to top