ClockChủ Nhật, 10/10/2021 17:10

Cây khế

Đất khócSự cố… mất điện

Bưng ly nước cam đặt trên bàn, thấy cô nhìn chăm chăm qua phía bên kia đường, gã chủ quán lên tiếng:

- Hình như cô muốn mua nhà phải không?

Cô ngước lên, dè dặt: - Sao chú biết hay vậy?

Gã ngồi xuống ghế, ngập ngừng: - Ờ, thì cũng có mấy người tới ngồi đây, hỏi mua căn nhà đó. Nhưng hỏi thiệt, cô mua để ở hay bán lại vậy?

- Chớ bộ cháu giống “cò đất” lắm hả?

Thì hỏi cho chắc vậy mà - gã xuống giọng - thấy cô hiền lành, nói thiệt cô nghe, nếu mua ở thì đừng cô ạ! Cô nhướng mày ngạc nhiên. - Ai ở đây lâu cũng biết, nhà đó nhìn thì đẹp, nhưng ở thì không được. Cô có thấy cái cây khế góc sân đó không? Nó có ma đó! Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, cô ạ. Thấy cô hiền lành, tôi nói vậy đó, còn tùy cô!

Rồi gã đứng dậy, đi vô trong khi thoáng thấy người đến mở khóa cổng, nhìn quanh như muốn tìm ai. Cô móc ví, để tiền trên bàn rồi đi ra. Gã trai xởi lởi chào cô: Chị hẹn em qua điện thoại, phải không? Cô mỉm cười gật nhẹ. Chắc chị nghe ông chủ quán nói về ngôi nhà với cây khế rồi, phải không? Cô không ngạc nhiên, chỉ thấy hơi vương vướng, sao “phải không” nhiều vậy. Dắt cô đi quanh sân rồi vòng vô trong nhà, gã trai thủ thỉ: Chị cứ xem kỹ đi, hơi cũ một chút, nhưng dọn dẹp, tân trang sơ lại thì không chê vào đâu được, chị ạ! Cô không chút lăn tăn khi quyết định gọi số điện thoại đăng kèm tin trên web về căn nhà này, bởi nó hợp ý cô lắm. Hình ảnh trên web không khác mấy so với thực tế.

Em nói thật với chị nhé, ông chủ quán nước đó không muốn ai mua căn nhà này, nên mới bịa chuyện ma trên cây khế. Cũng có vài người tin, nên rút lại. Dò hỏi mãi em mới biết. Nhìn người, em biết chị rất quyết đoán nên chị cứ quyết định. Nhưng em rất tiếc nếu người như chị mà không mua căn nhà này với giá như vậy... Mặc gã trai rót từng câu mỏng tang như rót mật vào chai khi hai người đứng dưới tán cây khế góc sân, đôi mắt chị nhìn xuyên qua cánh cổng, trải dài theo con đường thật đẹp, chạy xuống bờ sông phía xa. Chị gật đầu cương quyết, mai làm thủ tục, em nhé!

***

Cô cho người dọn dẹp, sửa sang lại căn nhà rồi về ở, không một chút lăn tăn trước lời dặn dò của gã chủ quán. Bữa cô dọn tới, gã chủ quán sang nhà, giọng nghiêm trọng: Cô không nghe lời tôi, sau ráng chịu nghe! Cô gật đầu, lạnh lẽo...

Những lời của gã chủ quán không làm cô e ngại; nhưng những câu chuyện chắp vá khi dọn vườn, lúc ngồi uống trà dưới cây khế... với mấy người hàng xóm, lại làm cô băn khoăn. Hóa ra gã chủ quán chính là đời chủ trước của căn nhà với khu vườn mang dáng dấp cổ xưa xinh xắn này.

Họ là một cặp đẹp đôi. Bà là con gái duy nhất của đôi vợ chồng trí thức, không giàu có lắm nhưng cuộc sống nho nhã. Sau khi kết hôn, gã về ở rể. Dù ông bà mất đi, hay cô con gái của họ ngày một lớn dần, thì nhìn cuộc sống của hai người vẫn đầy nét lãng mạn, đầm ấm. Người chồng bao giờ trông cũng lịch lãm. Người vợ đẹp dịu dàng, đoan trang, thùy mị, ra dáng một phụ nữ biết vun vén gia đình. Sau buổi cơm chiều, hai vợ chồng thường đi dạo ven bờ sông, tay trong tay. Nhìn họ thảnh thơi đi trong làn sương chiều dâng lên bàng bạc, có một nỗi vừa ước ao vừa ngấm ngầm ghen tỵ nhen lên trong mắt người khác. Nhưng tự trong lòng bà, cũng đang từng ngày dâng lên một cái gì rất mơ hồ, vừa như cam chịu vừa phản kháng sự chỉnh chu, khuôn phép đến mức phi lý của chồng. Trái với vẻ ngoài lịch lãm, gã tỉ mỉ đến từng chi tiết trong cuộc sống gia đình. Dần dần, những cảm xúc tự nhiên của người phụ nữ trong bà trở nên thui chột. Bà lẳng lặng làm theo những điều đã trở thành khuôn mẫu, nhàm chán, để giữ thể diện cho bà, thanh danh cho gia đình. Như cây khế, lẻ loi góc vườn.

Cho đến một buổi chiều muộn, gã hớt hải từ bờ sông chạy về trong cơn mưa phơ phất. Vợ gã biến mất khi đi dạo cùng gã. Mọi nỗ lực tìm kiếm của nhà chức trách không thành. Nhiều giả thiết đặt ra nhưng đều không lần ra manh mối, cũng như chứng cứ thuyết phục. Hồ sơ mất tích tạm khép lại, giấy tờ thừa kế mở ra. Và gã sửng sốt: Tất cả gia tài, kể cả khu vườn, căn nhà... mà cha mẹ bà để lại thuộc quyền sử dụng của bà, nếu bà mất đi thì quyền thừa kế thuộc con bà. Gã chỉ có quyền trong tài sản chung mà hai vợ chồng làm ra sau khi kết hôn. Sau bữa thất tuần cho vợ, chếnh choáng hơi men, gã va phải người phụ nữ bất cẩn băng qua đường và chịu 2 năm tù... Đứa con gái 16 tuổi, được gửi cho bà con bên ngoại nuôi, chờ đến ngày đủ tuổi thừa kế tài sản.

Bây giờ, gã trở về thuê quán bán nước giải khát, và kể câu chuyện mơ hồ về cây khế trong khu vườn đã từng là của gã. Cũng để chờ đứa con gái, một ngày quay trở lại.

***

Cô đặt chiếc bàn dưới gốc cây khế, vừa nhâm nhi tách trà mỗi sớm mỗi chiều, vừa nhìn mùa đi qua. Cuối xuân, đầu hạ, những đóa hoa bắt đầu xuất hiện. Chi chít trong nách lá hay đầu cành, những chùm hoa tím hồng bung ra; cánh hoa rũ xuống như níu giữ ánh mắt người ngước trông. Mãi đến mùa thu, khi ngọn gió chuyển vàng trong nắng, thì hoa bắt đầu kết trái. Ban đầu, bé bé xinh xinh e dè nấp trong vòm lá màu xanh nhạt như chơi trốn tìm, nhưng khi đã hấp thụ đủ khí trời đất, chúng lớn dần lên và trở màu vàng ươm mọng, lúc lỉu trên cành. Những buổi chiều, cô hay nhường chỗ cho đám bạn của con, sau buổi học kéo nhau về tụ tập dưới tán cây. Chỉ cây sào để sẵn dưới gốc, cô dặn tụi nhỏ đừng leo lên cây, bởi cành khế giòn dễ gãy. “Hóc xương gà, sa cành khế” mà! Đám nhỏ tíu tít dạ ran, rồi chen nhau quanh rổ khế cùng bao câu chuyện của tuổi học trò. Mấy người hàng xóm đôi lúc tạt ngang, xin vài quả, khen cây khế nhà cô quả nhiều và ngọt quá trời. Họ nói, trước khi bà chủ cũ mất tích, cây khế ra hoa tím cành nhưng không bao giờ đậu quả. Từ ngày bà đi biệt, tự dưng cây trĩu quả, đến mùa chín rụng đầy vườn nhưng có ai dám nhặt đâu... “Nay mới biết cây khế ngọt vậy đó cô. Nhà cô thật có phước!”. Cô vui lây...

Thế nên, cô đứng như trời trồng trước cây khế héo rũ khi trở về sau chuyến công tác nước ngoài. Cô đã dặn kỹ đám thợ sửa lại sân vườn, cần coi sóc cây khế. Nhưng có tay mà không có mắt, họ xén đứt mất đám rễ. Cô thanh toán tiền, thẳng tay đuổi đám thợ về, gọi nhóm khác đến làm sân.

Cô loanh quanh bên đám thợ đang hì hụi bứng gốc khế ra khỏi sân, rồi ngồi thụp xuống bên hố đất, tỉ mẩn nhặt từng cọng rễ. Bỗng cô dừng sững lại, ngạc nhiên. Trên bề mặt đám đất nâu, líu ríu nhú lên một cây con chừng nửa gang tay; thân cây màu xanh non phủ đám lông tơ mịn mướt; những chiếc lá hình bầu dục mềm mại mỏng tang mọc cách trên thân... Ôi, cây khế con! Cô reo lên thảng thốt, rồi sai người đi mua chậu, mua phân bón... Tự tay cô bứng cây khế con, nhẹ nhàng đặt vào trong chậu. Cô nhớ lần đầu tiên bế đứa con gái đầu lòng chào đời, cũng vậy...

***

Cô ngồi dưới cây - khế - con - gái, nhâm nhi từng ngụm trà trong giọt nắng chiều đang rớt xuống nhè nhẹ. Những đóa hoa nở muộn tim tím rơi xuống đầy chiếc bàn con, bên cạnh rổ khế vàng ươm cô vừa hái. Cô thích thú với cái tên “cây - khế - con - gái” mà cô đặt cho cây khế con ngày nào, khi nó ra hoa đậu quả mùa đầu tiên, cũng đã mấy năm rồi. Bởi như khế mẹ, cây - khế - con - gái càng lớn, quả càng đậu trĩu cành, nho nhỏ nhưng căng tràn chất ngọt. Nhìn nó tự tin thay dáng mẹ, trong lòng cô dâng lên một nỗi vui nghẹn ngào…

NGUYỄN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top