ClockChủ Nhật, 03/10/2021 16:42

Đất khóc

Sự cố… mất điệnThành phố sau lưng

Khung cửa sổ mở hướng đông. Chỉ cần dậy muộn là nắng có thể liếm đến vạt chiếu trên giường. Buổi sáng trời âm u. Ông Mạnh nằm xoài trên giường, uể oải nghe tiếng gió thổi ràn rạt lùa qua mấy bụi chuối bên hiên. Phiến lá sạt qua mái tôn nghe rột rạt, cứ như tiếng chuột đang sột soạt chạy trên mái nhà.

Căn nhà lặng ngắt. Đến độ nghe rõ tiếng mọt kêu kẽo kẹt phát ra từ phía chân giường. Nơi đó, chỉ cần đặt bàn chân xuống, chắc sẽ giẫm lên đám bụi gỗ đã rớt đầy trên đất. Có hôm, ông Mạnh đã định dốc hết chai dầu gió vào mấy lỗ mọt ở phía dưới thành giường, chấm dứt cái phận đời sâu mọt chui rúc trong mấy thớ gỗ tăm tối. Nhưng nhà im ắng quá, tiếng mọt nhai gỗ rào rạo đôi lúc lại bầu bạn với ông giữa canh khuya.

Tiếng gà kêu oang oác nơi phía hàng rào giáp ranh với hàng xóm khiến ông Mạnh giật mình. Chắc con Vện lại đuổi cắn con gà mái nhà hàng xóm hay len qua dưới gốc hàng rào rồi bới móc nơi dãy hoa tóc tiên trước ngõ. Mấy hôm nay, đám tóc tiên đã nở rực rỡ trên con đường dẫn vào nhà. Quanh năm suốt tháng chúng đều mang dáng vẻ xác xơ, khô cằn như sắp chết. Vậy mà khi mấy trộ mưa cuối hè vừa rớt xuống, từ những bụi hoa quắt queo chỉ trơ lại đám lá héo rụi nằm sát rạt trên đất lại mạnh mẽ nhú lên đầy những nụ hoa, nở liên tục suốt mấy tuần liền. Mưa càng nhiều, càng sai hoa.

Ông không nhớ nổi hai hàng tóc tiên ấy được trồng từ hồi nào. Có thể là chú ông trồng. Cũng có thể là ông nội ông trồng. Ông chỉ biết, khi ông dẫn vợ con về đây ở, thì con đường từ ngoài ngõ dẫn vào nhà lúc nào trời sang thu cũng đồng loạt nở hoa. Cái màu hồng nhàn nhạt chạy dài từ ngoài ngõ dẫn vào nhà bừng bừng sức sống, khác hẳn với cái vẻ u tối của căn nhà. Cứ mỗi năm, thấy đám tóc tiên trước ngõ trổ bông, là ông biết mùa mưa về. Năm đã đi qua hơn một nửa, mà lốc lịch vẫn chưa vơi mấy. Với ông, ngày nào cũng giống nhau, thức dậy thì ra ruộng, nắng gắt thì trở về, bắc lên bếp nồi cơm. Nồi cá kho liu riu trên cái bếp củi ám đầy mùi khói bếp, vậy là qua ngày.

Từ hồi ông nhất quyết không trả lại miếng đất này cho người chú ruột thì vợ ông dứt khoát bỏ nhà vào ở với vợ chồng đứa con gái tận trong nam. Khi đi hăng hái thế, mà lúc về, chỉ là nắm đất trong chiếc hũ sành mang màu vàng của lá úa. Hơn chục năm, ông lui cui một mình trong căn nhà này. Có lúc ông không nhớ nổi dáng hình mụ vợ, nếu không ngước lên nhìn chiếc ảnh của bà nằm trơ trọi trên bàn thờ đặt giữa nhà.

***

“Mình trả nhà, trả đất lại cho chú Ba đi ông. Đất này ông nội chia cho chú Ba. Lúc mình khó khăn, chú đã cho ở nhờ. Giờ chú muốn lấy lại thì mình dọn đi thôi. Ông nội cũng chia phần cho ba. Hay mình về lại miếng đất đó, dựng cái nhà mà ở”. Bà Lanh nhỏ giọng nói với chồng lúc cả hai đang ngồi ăn cơm trước hiên nhà.

“Về là về thế nào. Mình ở đây hai chục năm, công sức giữ gìn đất đai hương hỏa của ông bà để lại, sao nói đi là đi được?”. Ông Mạnh gầm lên.

“Ai có phần nấy rồi. Ông tranh làm gì? Chết có mang theo được đâu? ”.

“Chết không mang được thì mình để lại cho con cho cháu. Chú Ba ở phố, không sống ở quê thì lấy đất ông bà làm gì”. Ông Mạnh càng nói, càng to tiếng.

Hồi đó, cứ đụng đến chuyện đất đai là vợ chồng ông cãi nhau như cơm bữa. Hôm vợ chồng ông cãi nhau to nhất, là lúc con trai chú Ba dẫn người lên nhìn đất. Ông Mạnh cầm lăm lăm cây rựa ra đứng nơi hàng rào quát vào mặt người xem đất: “Đất này của tau. Thằng nào ngon dám tới đây mua bán?”. Ông hất mặt nhìn về phía đứa em con ông chú ruột vẻ thách thức. “Anh ăn nói cho rõ, đây là đất của ai? Muốn tranh, anh về bên đất cha anh để lại mà tranh”. Ông Mạnh cầm cây rựa hùng hổ lao tới.

Bà Lanh ngồi xắt chuối sau vườn. Đám vịt vờn quanh chân bà. Chiều đã nhạt nắng, nhà hàng xóm đang dẫn bò về chuồng, tiếng lục lạc kêu leng keng vọng trong tiếng gió ràn rạt từ mé sông thổi lại. Lúc bà vội vã chạy ra, kéo lấy tay ông Mạnh mặt đang phừng phừng đỏ rực, cuộc ẩu đả chỉ xém chút nữa đã xảy ra.

“Vợ chú Ba bệnh nặng. Ra Hà Nội chạy chữa, tốn kém đâu phải ít. Ông để chú bán đất đi, lấy tiền chữa cho thím”.

Ông Mạnh cười khẩy, đưa tay lục tìm điếu thuốc trong túi áo. Dầu cạn, đèn tắt, bệnh đến như thế thì cứu chữa gì nổi, chỉ tổ tốn tiền.

“Đất của ông nội để lại. Tui muốn giữ gìn, rồi để lại cho con cái, cho cháu chắt thì làm sao?”. Ông thừa biết mảnh đất này vẫn chưa làm sổ đỏ. Chỉ cần ông tranh chấp, khiếu nại, thì cả một đời này, chú ông cũng không ra được cái giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông ở đây thì có ma mới dám đến mua.

“Ông muốn tranh thì ở đó một mình mà tranh. Tui mặc kệ”. Bà vào nhà quơ cái nón máng trên góc tường, bỏ đi một mạch. Cứ tưởng như mấy lần vợ chồng cãi nhau, bà đi sang ở với con cái ít hôm lại về. Ai biết một lần này đi, là đi mất dạng.

***

Mỗi khi không đi làm, ông Mạnh hay ngồi nơi bậc cửa hóng gió sông, mông lung nhớ chuyện xưa. Cái chân đau ngày một sưng to khiến ông chẳng thể đi làm thuê làm mướn được. Mà tuổi già, như ngọn đèn trước gió, cũng chẳng còn đủ sức để trèo đèo lội suối như hồi còn trẻ. Nhớ cái hồi ấy, ông có thể leo tuốt lên đỉnh ngọn núi sau làng, bứt tranh gánh về bán. Gánh tranh đè nặng trên vai.

Đám cỏ trong vườn chẳng hiểu thế nào mà nhanh tốt kinh khủng. Vừa cuốc xong đám này, đám kia đã xanh rì rì. Cánh tay chiều hôm trước mới xới quanh mấy gốc bưởi, mà đêm ngủ nhấc không lên, đau ê ẩm cả đêm. Ông nhớ hồi chia mảnh vườn bên kia cho hai thằng con trai. Cây trái trong vườn nhiều lắm. Ông giao kèo với tụi hắn, cây trái trong vườn ông thu hoạch, ông ăn cho đến hết đời mình. Tụi nó muốn ăn cây gì, tự trồng lấy.

Ai biết sau đó mỗi năm, tụi nó lại chặt vài ba cây trong vườn rồi thay cây mới. Hôm nào đó ông ghé qua, mới nhận ra, những cái cây mình trồng giờ không một cây sót lại. Ông nhớ mang máng lời mụ vợ: “Giờ ông giành giật đất đai với chú mình. Không sợ hai đứa con ông sau này cũng như vậy?”. Lúc đó ông còn chê cười bà, chuyện sau này, ai biết thế nào được mà lo.

Hồi còn trẻ, ông với vợ cũng đi phở đất như người ta. Cái lán trại dựng bằng mấy cành cây. Bên trên lợp tấm ni lông che mưa che nắng, sau vài cơn gió rừng đã rách bươm. Đêm nằm trong lán ngủ, có khi mưa rừng bất chợt đổ xuống, vợ chồng phải ngồi co ro giữ ấm suốt đêm. Cặm cụi làm việc, cũng phở được mấy đám đất. Sau này hai thằng con trai lấy vợ, ông chia mỗi đứa một miếng đất rừng, vợ chồng nó tự tính kế làm ăn.

Ông giữ lại một mảnh, thả trên đó cây keo tràm, vài năm lại thu hoạch một lứa. Ông định bán mảnh rừng của mình, xây lại mấy cái lăng cho ông bà, xây cả lăng cho mụ vợ, và cả ông nữa. Còn chừa lại một ít, ông để dành dưỡng già, vậy là cơm áo không lo.

“Cha thiếu cơm ăn thì để bọn tui nuôi, chứ bán đất làm gì. Bán hết rồi, sau này con cháu lấy gì làm ăn để sống”.

“Tau định xây cái lăng…”

“Người sống sờ sờ đây, cha không lo, cha lo người chết làm gì?”, thằng con nạt ngang.

“Đất của tau, tau muốn làm thì làm, muốn bán thì bán…”. Ông Mạnh thở hổn hển, tức tối.

“Ông muốn bán, cũng phải xem có người dám mua không đã. Họ dám mua, tui cũng dám đập chết người. Họ trồng cây, tui chặt cây, họ trồng cỏ, tui nhổ cỏ. Ai dám?”.

Ông Mạnh trơ mắt nhìn thằng con đạp văng cánh cửa lúc đi khỏi nhà. Ông nhấc cái chân sưng phù kê lên chiếc ghế đẩu. Chiếc ghế cũ kỹ phát ra tiếng kêu ọp ẹp. Tự dưng ông thấy cái chân đau lợi hại.

Mặt trời đã lặn hẳn về phía bên kia núi. Con sông trước nhà chìm dần vào bóng đêm. Ông Mạnh đưa tay vào túi lấy điếu thuốc, nhưng lục mãi vẫn tìm không ra cái bật lửa. Nhà hàng xóm chắc đang nấu cơm tối. Ông nghe tiếng nồi niêu va vào nhau lẻng xẻng, cả mùi thức ăn thơm lừng tràn qua hàng rào.

Ông chẳng nhớ bếp nhà mình bao lâu rồi chưa bốc lên mùi thức ăn thơm lừng như thế.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top