ClockThứ Năm, 08/02/2024 13:48

Chén vỡ… hóa rồng!

TTH - Từ những mảnh sành sứ của chén bát vỡ được thu mua, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành sứ xứ Huế đã làm hồi sinh dáng vẻ uy nghi của rồng bay, phượng múa trên những di tích Cố đô Huế, đình chùa, miếu vũ…

Truyền nghề khảm sành sứ hoàng cung

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Thuần bên những chén bát vỡ được thu mua để khảm sành sứ phục chế rồng, phụng cho điện Thái Hòa. Ảnh: Bùi Ngọc 

Tài hoa “thợ kép”

Những nghệ nhân đảm trách việc phục chế hồi sinh những trang trí rồng, phụng, hoa văn trên nóc cung điện là những nghệ nhân khảm sành sứ mà dân gian vẫn quen gọi “thợ kép”. Công việc của họ hội đủ các yếu tố: tay nghề khéo léo, tỉ mẩn, kỳ công và phải có năng khiếu mỹ thuật. Nghệ nhân trẻ Nguyễn Thanh Thuần (41 tuổi, ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) hiện đang phụ trách đội nghệ nhân gần 20 người có tay nghề cao đảm nhận công việc tạo hình, khảm sành sứ, phục dựng lại những rồng, phụng trang trí trên nóc điện Thái Hòa.

“Thường, một người thợ kép muốn trở thành nghệ nhân phải “tầm sư học đạo” với các bậc thầy là nghệ nhân có tay nghề cao và tuổi tác thâm niên, có uy tín trong ngành để học nghề. Mỗi học trò để có thể trở thành “thợ kép” phải theo thầy từ 3 - 5 năm để vừa học vừa làm. Nhưng những “thợ kép” cao cấp làm việc cho các công trình lớn của cung đình thường chỉ cha truyền con nối, ít khi các nghệ nhân truyền ra bên ngoài. Đặc biệt là “thợ kép” đảm trách việc khảm sành sứ tạo hình thành những tác phẩm nghệ thuật rồng, phụng trên nóc các cung điện lại càng hiếm tìm hơn”, nghệ nhân Nguyễn Thanh Thuần chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Thuần theo nghề khảm sành sứ trong các công trình phục hồi di tích Cố đô Huế từ năm 18 tuổi. Đến nay, anh đã có hơn 20 năm gắn bó với công việc phục chế rồng, phụng trên kiến trúc cung đình Huế. Anh có cơ duyên đến với nghề khảm sành sứ qua người thầy là nghệ nhân Trương Văn Ấn, một nghệ nhân lão làng trong nghề khảm sành sứ ở Huế từng đảm trách nhiều công trình phục hồi rồng, phụng, trang trí khảm sành sứ trên các công trình trùng tu di tích Cố đô Huế hơn 30 năm qua.

 Những đường nét trang trí rồng, phụng uy nghi trên nóc điện Kiến Trung được các nghệ nhân khôi phục sau khi công trình được trùng tu. Ảnh: Lê Hoài Nhân

“Sau khi học nghề xong, mình cũng nhiều lần ra làm ngoài rồi, nhưng không hiểu sao vẫn phải quay lại làm việc trong các công trình trùng tu di tích triều Nguyễn như một cái duyên khó dứt. Đi làm bên ngoài, công việc tuy không đều nhưng bù lại thu nhập rất cao. Với những công trình lăng mộ cho người dân các tuyến ven biển, như Phong Hải, Phú Thuận, Thuận An… và đặc biệt làng An Bằng (Phú Vang) những người “thợ kép” có thu nhập rất cao, bình quân ngày công thợ từ 1 - 2 triệu đồng. Làm công trình tâm linh có điều rất khó giải thích là thu nhập cao nhưng người thợ không ai giàu cả. Nhiều người trong nghề cũng thường tâm sự, hễ có tiền là cũng có việc để tiêu, nên làm mãi không dư được. Mình cũng có thời gian làm nghề ở tuyến biển, nhưng cứ có tiền là có việc, chỉ khi quay về làm việc trong cung thì mới có được cảm giác yên bình. Thêm một lý do nữa mà mình gắn bó với các công trình di tích, đó là với mỗi công trình đổ nát, sau khi phục hồi xong nhìn lại những tác phẩm của mình được đặt uy nghi trên nóc các cung diện vàng son trong lòng cảm thấy rất tự hào, hạnh phúc”, anh Thuần tâm sự.

“Làm việc trong di tích, người thợ ngoài đòi hỏi tay nghề cao còn phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn nghiêm ngặt. Không như ở ngoài, người thợ làm theo nhu cầu của gia chủ, nên các sản phẩm đều theo quy chuẩn của... gia chủ. Nhiều ngôi mộ có khi phải mua cả tấn chén bát về đập vỡ để làm nên những con rồng nguy nga, sặc sỡ”, anh Thuần chia sẻ thêm.

 

Tại xưởng phục chế rồng, phụng của anh Thuần hiện có hàng chục đôi rồng được tạo hình bằng bê tông cốt thép và đang được các nghệ nhân tỉ mẩn ghép những mảnh sành sứ để tô điểm thành những tác phẩm nghệ thuật rồng, phụng theo nguyên mẫu trên nóc công trình được hạ giải. Bên cạnh những đôi rồng mới đang được hoàn thiện là những đôi rồng có tuổi đời hàng trăm năm trên nóc điện Thái Hòa được đưa xuống đang được làm mẫu.

Các nghệ nhân sau khi tạo hình theo nguyên mẫu những đôi rồng bằng bê tông, cốt thép vững chắc sẽ bắt đầu tiến hành “giải phẫu” những mảng ghép sành sứ còn tốt trên những đôi rồng cũ để khảm lại lên thân những đôi rồng mới. Phần còn thiếu sẽ được bổ sung mới từ hàng tấn mảnh sành sứ cổ được mua lại từ những người chuyên trục vớt sành sứ cổ trên các dòng sông của Huế và miền Trung.

“Sành sứ dùng để khảm rồng, phụng trong di tích không thể dùng hàng mới trên thị trường, vì màu sắc sẽ không phù hợp. Đa số sành sứ được dùng trong cung điện đều là sành sứ cổ của Nhật và Trung Quốc, một số ít của châu Âu. Để có nguồn phục vụ việc trùng tu di tích, mình phải đặt hàng những người làm nghề cát sạn trên sông Hương. Trước đây, nguồn sành sứ này phong phú, nhưng nay cũng đã cạn dần, nên để có nguồn đủ dùng mình phải đi mua lại từ những người sưu tầm đồ cổ hoặc tìm mua sành sứ ở các cửa hàng sành sứ Nhật… với giá thành rất cao”, anh Thuần cho biết.

Sau khi những lô chén bát, sành sứ được mua về, các nghệ nhân đã đập vỡ để lấy mảnh phù hợp. Từng mảnh sành một được các nghệ nhân tỉ mẩn kết dính bằng xi măng, ngày này qua này khác đã tạo hình nên mắt, mũi, chân, móng vuốt, vảy… hình thành nên những đôi rồng uy nghi, sống động trên các bờ nóc cung điện.

Sáng tạo độc đáo của người Huế

Theo khảo cứu của tác giả Hồ Hoàng Thảo, nghề khảm sành sứ ở Huế có từ thế kỷ XVIII, ban đầu lưu truyền dân gian, về sau mới trở thành nghệ thuật phục vụ nhiều trong chốn cung đình. Các loại vật liệu khảm sành sứ được lựa chọn từ mảnh vỡ của những loại gốm cổ xưa, vì vậy nguồn nguyên liệu luôn khan hiếm; song dưới lòng sông Hương lại cung cấp đủ bởi thuở đó, lượng tàu thuyền chở các vật phẩm đi lại trên sông Hương nhiều vô kể do Huế là Kinh đô vương triều. Chính nhờ lượng lớn gốm sứ đó mà nghệ thuật trong lăng tẩm, đền, chùa và nơi thờ cúng ở Huế đã phát triển cực thịnh, trở thành nét văn hóa không thể thiếu ở vùng đất Cố đô.

Trong sách “Phủ Biên tạp lục”, tác giả Lê Quý Đôn mô tả Phú Xuân vào đầu thế kỷ XVIII cũng đã từng ghi nhận về nghệ thuật khảm sành sứ trên các công trình như sau: “…nơi đây cung điện, lầu gác, mái lớn nguy nga, đài cao sặc sỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề chạm khắc, vẽ vời khéo léo vô cùng… Tường trong, tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi mật và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ hoa…”.

Nghệ thuật khảm sành sứ tiếp tục phát triển rực rỡ dưới thời các vương triều Nguyễn, trong đó thời Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đã sử dụng loại hình trang trí này, đến thời Tự Đức, khảm sành sứ đã mang tính trang trí. Đến thời Khải Định, trang trí khảm sành sứ kết hợp thủy tinh màu mới phát triển rực rỡ. Trang trí khảm sành sứ vôi nề đã xuất hiện ở hàng loạt kiến trúc, như: Cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, Thái Bình Lâu, điện Kiến Trung… Những nghệ nhân tài ba đã thể hiện các đề tài từ dân gian cho đến cung đình: tứ linh, bát bửu, nhật nguyệt, mười hai con giáp… Những con vật, cây trồng gần gũi trong đời sống và những đồ dùng mang tính thời đại mới như đồng hồ, đèn Hoa Kỳ, kính lúp… cũng được sử dụng trang trí. Tất cả đã dung hợp từ những mảnh sứ tốt được nhập cảng từ Trung Quốc, Nhật Bản nhiều màu sắc quý đẹp như màu cam, màu ngọc, một chất liệu mới là kính thủy tinh màu nhập từ Pháp.

Triều Nguyễn kết thúc vai trò lịch sử (năm 1945), nhưng nghệ thuật khảm sành sứ vẫn “cha truyền con nối” giữ nghề ở Huế, như một phong cách trang trí đặc trưng của công trình xây dựng truyền thống và tâm linh. Nghệ thuật khảm sành sứ là sáng tạo độc đáo của người Huế, tạo nên cho các công trình kiến trúc đình miếu ở Huế một dáng vẻ riêng biệt. Nghề khảm sành sứ đến nay vẫn được lưu truyền và phát triển để quay trở lại phục vụ trong các công trình trùng tu di tích, hồi sinh dáng vẻ uy nghi quyền quý của đền đài, cung điện triều Nguyễn.

Bùi Ngọc Long
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến

Sáng Chủ nhật 30/6, ở khu cồn mồ Ngũ Tây (phường An Tây, TP. Huế) ở mé trái chùa Thuyền Tôn đã diễn ra một nghi lễ cúng tạ lăng mộ.

Điểm đến
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá các tour du lịch độc đáo tại Đà Lạt cùng Traveloka

Đà Lạt luôn ẩn chứa sức hút khó cưỡng với những ai yêu thích du lịch bởi khí hậu ôn hòa, cảnh đẹp thơ mộng và con người thân thiện. Để khám phá trọn vẹn thành phố mộng mơ này, Traveloka mang đến cho bạn những tour du lịch độc đáo, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm khó quên.

Khám phá các tour du lịch độc đáo tại Đà Lạt cùng Traveloka

TIN MỚI

Return to top