1. Ở chỗ tôi đang làm việc bây giờ, một khu du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, có một khu không gian các nhà truyền thống Bắc Trung Nam và Tây Nguyên. Trong đó, 2 không gian nhà khiến cho nhiều người phải trầm trồ thán phục nhất là nhà rường Huế và nhà Bình Định.
Nét đẹp riêng có của Huế. Ảnh: Hoàng Hải
Cha ông ta từ xưa đã hết sức tài tình và thông minh khi đã biết hài hoa với tự nhiên khắc nghiệt, nương theo tự nhiên để tồn tại, sống và phát triển, mà những ngôi nhà là một ví dụ.
Bỏ qua việc tuân theo chỉ dụ của vua Minh Mạng để dân ta phải làm những cái nhà nhỏ hơn, thấp hơn Hiển Lâm Các, thì những ngôi nhà nhỏ, nền cao, mái dốc là để phù hợp với tình hình bão lụt hàng năm ở vùng đất này. Mái ngói âm dương còn giúp cho người ở trong ấy mát về mùa hè và ấm mùa đông. Ngày xưa là những vách đất phên tre cũng có tác dụng này.
Và đỉnh cao của sự thông minh của nhà rường Huế chính là những cái rầm thượng chạy suốt chiều dài ngôi nhà, kéo xuống cả nhà ngang. Đến giờ vẫn còn nhiều cách giải thích tên gọi nhà rường. Những là rường cột, rường mối, những là lương gọi chệch, và cả rương gọi chệch nữa. Đây chính là nơi gia chủ cất đồ đạc quý mùa lụt. Và khi cần thiết, người cũng có thể di chuyển lên trên này. Lụt vào rồi lụt lại ra, hàng bao nhiêu đời, người Huế chung sống với lụt ở chính những cái rầm thượng này.
Và nó không phải là thứ gá tạm vào để trốn/tránh lụt. Mà nó chính là một phần của ngôi nhà, hết sức hài hòa, hết sức tiện dụng. Nó được chạm trổ công phu như các bộ phận khác của nhà, vốn dĩ đã rất công phu. Những hàng con tiện hết sức tinh tế và kỹ lưỡng chứng tỏ ngay từ khi thiết kế, người ta đã coi nó chính là một thành tố của ngôi nhà.
Tất nhiên, nói cho công bằng, ngày xưa lụt Huế cũng từ từ và... an nhiên như Huế, chứ bây giờ, đương không, uỵch phát, nước ồ ạt chảy về, không kịp chạy, đến mức có cô tiến sĩ dạy đại học sư phạm Huế ví nước lên nhanh như... người yêu cũ trở mặt. Nhưng những cái rầm thượng ấy vẫn luôn hữu dụng, vẫn gắn với nhà rường, là một phần của nhà rường. Nhà rường Huế là đặc sản của xứ Huế dẫu có người cho là nó hơi giống nhà bên Tàu, nhưng những sáng tạo của cha ông đã khiến nó rất Huế, là Huế, có chi mô nờ...
2. Càng ngày, bão lụt càng hung hãn. Năm vừa rồi Huế bị khá nặng. Tôi đã về nhà đúng những ngày ấy. Chính xác là tôi về trước ba ngày, giỗ mẹ. Cái hôm giỗ ấy anh chị em cán bộ huyện Phong Điền có đến thắp hương mẹ tôi vào lúc chiều muộn. Và lần cuối cùng tôi gặp liệt sĩ Nguyễn Văn Bình là hôm ấy. Sáng hôm sau lụt vào, anh đi liên miên và rồi vĩnh viễn đi mãi.
Có vẻ như cấp độ hàng năm bão lụt vào Huế càng tăng lên. Suốt thời gian ở Huế, những năm 80 của thế kỷ trước, tôi chưa từng thấy cuộc lụt lớn nào. Nước chỉ lừ lừ lên rồi lừ lừ xuống. Ai từng ngoài Bắc vào thì thấy cái gọi là lụt Huế chỉ là... muỗi. Mùa lũ, những con đê vững chãi hùng mạnh được gia cố suốt đời này sang đời khác trên các con sông Hồng, Mã, Chu... trở nên mỏng manh, người yếu bóng vía không dám nhìn xuống. Trong khi sông Hương chảy qua Huế thì không có đê. Làng tôi ở ngay bên đập cửa Lác cũng không có đê, nước lên, băng qua đường, dân xắn quần lội, lên cao tí nữa, lui dần lên độn cát, vài tiếng đồng hồ là hết. Ra trường xa Huế tới mấy năm thì mới biết Huế có cuộc lụt nặng đầu tiên, sinh viên bị cô lập trong ký túc xá Thiên Hữu, còn giảng viên Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học) bị cô lập ở khu 5 tầng đường Đống Đa (nay là đường Lê Hồng Phong). Tôi nhớ có đọc một bài báo viết về một cô sinh viên quê vùng biển, bơi rất giỏi. Chính cô này là cầu nối liên lạc ra ngoài tiếp tế đồ ăn vào cho các bạn.
Vấn đề là, chắc là chúng ta lại sẽ phải có những thích nghi mới, phù hợp với những gì thiên nhiên đang hành xử với chúng ta. Tất nhiên trong việc ấy có cả lỗi của con người, bao nhiêu năm đã cố khuất phục, chống lại thiên nhiên, mà không như người xưa, nương vào tự nhiên và sống cùng, biến bất lợi thành thuận lợi, như từng có dự án biến mưa Huế thành sản phẩm du lịch.
Thì cũng, có chi mô nờ.
3. Giờ đi đâu trên đất nước này cũng gặp người Huế. Và tất nhiên người Huế thì có tiếng Huế. Tôi người Huế nói tiếng Bắc và đang sống xa Huế, rất thích nghe câu “có chi mô nờ” người Huế nói tiếng Huế hay dùng cho mỗi kết thúc câu. Nó chỉ sự đơn giản, sự sẽ làm được, sự thích nghi, sự đương nhiên không gì phải bàn cãi. Nhà rường đẹp, độc đáo, rất Huế. Tất nhiên rồi, có chi mô nờ. Lụt Huế là... đặc sản, người Huế thông minh chắc chắn sẽ biết cách để sống chung, tồn tại với lụt như cha ông đã từng, có chi mô nờ. Tết này, dẫu vừa trải qua trận lụt rất lớn, thiệt hại cả người và tài sản cực lớn, nhưng người Huế sẽ biết cách để vượt qua, tự tin tự tại như đã từng, có chi mô nờ.
Và tất nhiên mai vàng, cái giống mai Thế Chí đặc sản quê tôi lại sẽ vàng rực khắp nơi, kéo cái lạnh tết Huế thành ấm cúng trong cái miên man bất tận vàng của từng cánh mai kết lại như thảm vàng tươi neo nỗi nhớ người xa quê trở thành hiện hữu.
Thì cũng, có chi mô nờ...
Văn Công Hùng