Suốt 700 năm đó, họ từng cưu mang, nhường cơm sẻ áo cho thế nhưng thật lạ, giọng nói của hai miền vẫn cứ không hòa lại làm một được.
Sắc xuân. Ảnh: Đình Huy
Người Đà Nẵng vào Sài Gòn ba tháng là mất giọng, nhưng ra Huế 30 năm cũng không nói giọng Huế được. Ở ngay Huế đó cũng đã có những ốc đảo nói giọng Quảng bao đời nay. Ở Đà Nẵng, cũng bao nhiêu phường toàn những người nói giọng Huế, cố chuyển giọng cho hòa đồng vẫn không được. Rõ ràng, đó không phải là do nước uống như nhiều người nghĩ mà có lịch sử dân tộc học từ xa xưa. Meillet, nhà ngôn ngữ học người Pháp đúc kết: “Khi có một cộng đồng người nào đó từ bỏ tiếng nói mẹ đẻ của mình để nói một ngôn ngữ khác thì ngôn ngữ đó bị biến đổi”.
Nguồn gốc giọng Quảng xem ra cũng dễ hiểu. Còn giọng Huế? Trong bài viết nhỏ này chỉ xin nêu vài nhận định tiếng Huế đặt trong không gian so sánh với tiếng Quảng.
Nếu lấy phương ngữ Bắc làm chuẩn, ta thấy phương ngữ khu Bốn cũ (từ nam Thanh Hóa đến Hải Vân) phát âm không đủ 6 thanh (tức 6 dấu) như người Bắc; dấu sắc, dấu ngã, ở một số vùng thì cả dấu hỏi được phát âm như dấu nặng. Còn phương ngữ Quảng Nam thì chỉ không phân biệt được hỏi ngã nhưng khá rõ dấu sắc, thế nhưng giọng nói người Quảng Nam thì “sai” (tạm dùng từ này), lệch chuẩn trầm trọng về nguyên âm. Điển hình nhất là âm /a/. Âm a làm một âm rất phổ biến, dễ nói, nếu cả thế giới đứa bé mới sinh ra đều nói papa, mama một cách dễ dàng nhưng không hiểu sao ở người Quảng Nam mọi âm a đều biến thành gần như /oa/. Câu: “Cha ơi cha, anh Ba ảnh câu con cá ảnh để trên hòn đá con gà hăn ăn” được người Quảng Nam nói thành, gần như: “Choa bơi choa, anh boa ảnh câu con kóa ảnh để trên hòn đóa con gòa hén en”. Và khi /a/ đi kèm với các nguyên âm khác, thành các nguyên âm kép như: ai, ay, ao, au... thì sự biến âm cũng trở nên xa đến mức người miền khác rất khó nhận ra: tai thành tưa, tay thành ta (kéo dài), bao thành bô, đau thành đa (kéo dài). Chả trách mà người Huế cố cũng rất khó nói giọng Quảng, và ngược lại, người Quảng dù cố cũng không thể nói sắc thành nặng được. Ở đây cần chút phân biệt ở giọng Huế, vốn đất kinh kỳ nên sự uyển chuyển không còn rõ sắc thành nặng nữa nhưng vùng ngoại ô hoặc Quảng Trị, Quảng Bình thì còn rất rõ. Trong nghiên cứu ta lấy đặc điểm chung nhất của cả vùng phương ngữ này để khảo sát.
Không chỉ ngữ âm, vốn từ và mẫu câu của người Quảng và người Huế cũng khác nhau nhiều lắm. Người Quảng Nam gần như không có thanh ngã trong hệ thống thanh điệu, mọi thanh ngã đều được phát âm như thanh hỏi. Có thể, chính vì không biểu đạt được âm sắc của số từ có dấu ngã ở cuối nên hầu như người Quảng Nam bỏ hẳn cách dùng các từ này, cũng như các mẫu câu có từ này; ví dụ như: bỗ bã, buồn bã, bừa bãi, nỡm, hãm, chữa, vẽ! (chuyện), hãi, chết giẫm. Một ví dụ khác, người Huế khi muốn nói sự gì đó phiền nhiễu thường dùng từ mệt cuối câu với một ngữ điệu khá đặc biệt, ký âm thì mệt là âm thấp về cuối, trong những ngữ cảnh đối thoại phiền nhiễu người Huế nói cao lên về cuối khiến từ mệt nghe như mết bao hàm nghĩa như “đâm mệt hí”, “mệt hí”, “mệt quạ” (quá thành quạ kéo dài). Những sắc thái biểu cảm độc đáo này của ngôn ngữ thanh điệu tiếng Việt được người các miền, nhất là phương ngữ I và II sử dụng khá nhuần nhuyễn tạo nên sự sinh động nhất định trong giao tiếp; chỉ riêng Quảng Nam chúng tôi không ghi nhận sự uốn cong âm ở bất cứ trường hợp nào, nếu có chỉ là sự nhấn mạnh, gằn giọng được gặp khá phổ biến.
Một số từ thuần Bắc bộ người Quảng Nam không hề dùng đến, trong khi người Huế dùng khá bình thường, như: chứ, nhỉ, nhé, thế, đấy, bảo, chả, vâng, chữa, chửa được, chết chửa, chết giẫm, chứ, rách việc, phải gió, dơ lắm, gái dở, mãi thôi, gọi thưa, xơi nước, vả, đẹp lòng, dạy chuyện, bắt vạ, một thể, lấy vậy, nghe ra, nhuận sắc, đáo để, ăn vạ, đấy thôi, đánh chén, dở người, trót, bắt vạ, va vào, ngã vạ, thế thôi ạ, ăn cả, cút, bằng hết, nháo nhác, giăng gió, hãm, dở hơi, quá đáng, kín nhẽ, xinh phết, mát mặt, thế ru, bẩn (thay thế là nhớp nhưng không thể thay thế bẩn bằng nhớp trong bẩn thỉu, bẩn tính, keo bẩn, nhơ bẩn)... bỗ bã, lã chã, điêu; tinh tướng; hão; háo; vẽ chuyện; ra phết; đanh đá; sĩ; đáo để; đoản; nỡm ạ; khí ít, khí nhiều; hãi; kẻo nữa; khiếp, cam lòng...
Trường hợp Trịnh Công Sơn cũng là một ví dụ hay để ta nhận ra lượng vốn từ của người Quảng Nam. Người Huế nói riêng và cả khu bốn nói chung dùng những từ khá “điệu đàng” của Trịnh Công Sơn một cách tự nhiên, dễ dàng với cả nhà thơ, nhạc sĩ cho đến em bé quê, bà già trầu, nhưng người Quảng Nam thì không hề biết đến, như: xác xơ, phôi phai, tóc mây, phiêu diêu, tuyệt vời, chiều hôm, thênh thang, đá cuội, tàn tạ, buồn úa, gió heo may, muộn, tủi hờn, nắng ngời, hiu quạnh, hôm nao, ngẫu nhiên, huyền thoại, một cõi, hoang vu...
Bảng thống kê sẽ còn dài nữa nhưng sự ngạc nhiên thiết nghĩ cũng đã đủ để ta đặt câu hỏi vì sao. Dĩ nhiên, trong đây có nhiều từ là từ mới hình thành do phép tu từ của Trịnh Công Sơn thế nhưng người Huế bình dân mấy cũng có thể sử dụng phép tu từ để tạo ra từ mới như thế này một cách tự nhiên trong sinh hoạt hằng ngày, trong khi người Quảng Nam thì hầu như không biết đến, và đặc biệt nếu ai có học, có đọc sách báo, biết hiểu các từ này cũng cố gắng tránh dùng trong giao tiếp hằng ngày, rất ít dùng đến. Vì thế, tìm một nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn ở Quảng Nam là một điều không nên hy vọng. Chính vì lý do này mà người Quảng Nam giỏi làm báo, làm văn chứ ít nhà thơ, nhạc sĩ.
Hồ Trung Tú