ClockChủ Nhật, 02/02/2014 06:14

Cỗ xe tứ mã trong văn chương xứ Huế

TTH - Nhìn lại văn chương tuổi Ngọ ở Huế thật hiếm hoi: những tác giả thành danh trong thế kỷ XX chỉ có mấy người. Theo thống kê chưa đây đủ của tôi, từ Bính Ngọ (1906) đến Canh Ngọ (1990), văn chương xứ Huế chỉ có bốn tác giả, nhưng đều là những “chiến mã”, tung vó bụi theo thời gian, còn để lại những dấu chân đậm nét trên đường: Bửu Tiến, Thanh Hải, Hải Bằng, Trần Thùy Mai.

Nhà viết kịch thuộc dòng dõi hoàng tộc Nguyễn Phúc Bửu Tiến tuổi Đinh Ngọ (1918), sinh ra ở Huế, học trường Tây, thi đỗ Tú tài, kinh qua nhiều nghề kiếm sống khác nhau như dạy học, mở hiệu cắt may quần áo, làm thuốc và cả nghề chăn nuôi vịt, vì thế đương thời người ta còn gọi ông là “Mệ tú vịt”. Cách mạng tháng Tám 1945, ông đi theo cách mạng, hoạt động văn hóa văn nghệ trong Câu lạc bộ Văn hóa thành phố Huế. Khi mặt trận Huế vỡ, Pháp chiếm thành phố, ông đi theo kháng chiến, ra khu IV Thanh Hóa. Tại đây, ông bắt đầu sự nghiệp của mình là thành lập Đoàn kịch kháng chiến, vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn, vừa dàn dựng, vừa làm diễn viên, đi biểu diễn khắp vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, được bà con nông dân và cán bộ nhiệt liệt hoan nghênh. Sau hòa bình lập lại 1954, ông ra Hà Nội, tham gia Ban kịch Hội văn nghệ Việt Nam, tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957) và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I. Sau đó, ông được phân về công tác ở Nhà hát kịch Trung ương cho đến lúc nghỉ hưu. Ông mất tại Hà Nội, ngày 3 tháng 8 năm 1994, thọ 74 tuổi.

Kịch của Bửu Tiến giản dị về kết cấu, nhưng kịch tính luôn được đẩy đến mức cao trào, ngôn ngữ vừa cao sang vừa bình dị, chất phác, thu hút được sự yêu mến của công chúng, nhất là từ vở Người sợ trời sập (1951), là vở ghi ấn đầu tiên trên con đường sáng tác của ông. Cho đến khi qua đời, Bửu Tiến đã có một sự nghiệp tương đối đồ sộ, là trên 100 vở kịch, trong đó có những vở được công chúng mến mộ, được ghi vào lịch sử sân khấu nước nhà như Ba con Huyền (1954), Việt ơi (1955), Âm mưu và hậu quả (1958), Giáo sư Hoàng (1960), Đào Tam Xuân loạn trào (1965), Trên nở (1971), Đề Thám (1974), Trinh (1976)... Hầu hết tác phẩm của ông đều được các đoàn trong cả nước, từ Trung ương đến địa phương dàn dựng và biểu diễn, được công chúng nhiệt liệt hưởng ứng và ông được ghi nhận “chủ yếu là ở sự cống hiến liên tục, bền bỉ và có nhiều đóng góp cho thành tựu của kịch, nhất là những năm chống Pháp” (Tác giả kịch hiện đại Việt Nam).

Tuổi Canh Ngọ (1930) có hai nhà thơ là Hải Bằng và Thanh Hải. Hải Bằng cũng là người thuộc dòng dõi hoàng tộc, tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Tôn, tham gia cách mạng từ năm 1945, mới 15 tuổi đã là chiến sĩ Vệ quốc đoàn thuộc Trung đoàn 101 Thừa Thiên, suốt 9 năm kháng chiến chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Sau 1954, ông về công tác ở Vụ Văn hóa đại chúng thuộc Bộ Văn hóa, năm 1959, ông chuyển về Ty Văn hóa Quảng Bình, làm công tác phát hành sách. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, ông về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên, sau đó là Thừa Thiên Huế cho đến lúc nghỉ hưu (1994). Ông mất tại Huế, ngày 7 tháng 7 năm 1998, thọ 68 tuổi. Đời sống và đời thơ của Hải Bằng có nhiều lận đận, truân chuyên, như chính ông đã từng tâm sự vào những năm cuối đời nhìn lại: “Sống chết với thơ nên chẳng mấy khi tôi được yên ổn. Nhờ không được yên ổn tôi mới có thơ. Tôi xem thơ như một vật gì đó rất quý đã mất đi. Phải qua bao khổ hạnh trăm bề mới tìm lại được” (Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb VHTT, tr.519).

Hải Bằng làm thơ từ những năm còn cầm súng chống Pháp, đã có thơ in trên báo Chiến sĩ thuộc phòng chính trị Liên khu IV từ năm 1947, nhưng mãi cho đến năm 1980 mới có tập thơ đầu tay ra đời, rồi lần lượt 10 tập thơ đã liên tục đến với bạn đọc, càng về cuối đời càng dồn dập, như Hát về ngọn lửa (1980), Trăng đợi trước thềm (1988), Thơ tình Hải Bằng (1989), Mưa Huế (1992), Mưa lại về (1993), Sóng đôi bờ (1994), Đề lên năm tháng (1995), Thơ lục bát (1995), Tuổi Huế trong ta (1996)...và đã từng được giải thưởng của Báo Văn nghệ, của Bộ Nội vụ và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, giải thưởng Cố đô của Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế và giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liêp hiệp các hội văn học nghệ thuật. Thơ Hải Bằng nồng nàn cảm xúc, tinh lọc và quý phái về câu chữ, thấm đẫm chất trí tuệ về cấu tứ, ít nhiều thể hiện chất “mệ” trong lời ăn tiếng nói đài các một thuở đã qua. Ngoài thơ, Hải Bằng còn là một nghệ sĩ tạo hình, tạo nhiều ấn tượng trong giới, mà chất liệu nghệ thuật của ông là rễ cây. Có thể nói, trong thế giới của rễ cây, dưới cái nhìn của Hải Bằng, ở đâu cũng có thể hình dung ra hình thù của sự sống.

Thanh Hải, tên thật là Phạm Bá Ngoãn, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Phong Điền, cha ông đã từng dạy học, là thành phần trí thức trong làng, nên tuy nghèo nhưng gia đình là nơi lui tới của các vị văn thân trong phong trào Cần Vương. Năm 1947, mới 17 tuổi ông đã tham gia công tác cách mạng ở huyện Hương Thủy, rồi làm chính trị viên Đoàn văn công Thừa Thiên. Năm 1954, ông ở lại hoạt động trong vùng tạm chiếm, làm công tác văn nghệ ở khu Trị Thiên (1967), sau ngày đất nước thống nhất 1975, ông là Tổng thư ký Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ông mất tại Huế năm 1980, khi mới tròn 50 tuổi, vì bệnh hiểm nghèo. Thanh Hải bắt đầu sự nghiệp văn chương từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Cùng với Giang Nam và nhiều người khác, “những bài thơ vượt tuyến” của ông như Miền Nam, Cháu nhớ Bác Hồ, Những đồng chí trung kiên, Mồ anh hoa nở là những đóm lửa đầu tiên thắp sáng niềm tin cho cả miền Nam một thời sống dưới bàn tay sắt của chế độ Ngô Đình Diệm. Là một cán bộ cách mạng, ngày đêm lặn lội ở vùng sâu, luôn cận kề cái chết, nên ông làm thơ không nhiều, chỉ có mấy tập như Những đồng chí trung kiên (1962), Huế mùa xuân (2 tập, 1970, 1975), Dấu võng Trường Sơn (1977), và hai tập thơ tuyển, in ra khi nhà thơ đã qua đời là Mưa xuân đất này (1982), Thơ tuyển (1982), nhưng ông có một vai trò đặc biệt trong lịch sử thơ ca cách mạng, trong sự mến mộ của công chúng, nhất là trong tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh những năm 1954 -1962. Giọng điệu thơ ông thấm đẫm tình yêu đất nước, chân thành, đôn hậu, chất phác hòa quyện với tình tự dân tộc và trữ tình thế hệ. Có lẽ, bài thơ hay nhất, là tia chớp của cơn mưa cuối mùa, ông làm vào những ngày tháng cuối cùng trước khi từ giã cõi đời, là bài Mùa xuân nho nhỏ “lặng lẽ dâng cho đời” (được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc), vừa lắng đọng cảm xúc, vừa đẹp về cả ngôn từ và nhịp điệu, trở thành “tỉnh ca” của Thừa Thiên Huế, làm nhạc hiệu cho đài phát thanh bấy lâu nay.

Trần Thùy Mai tuổi Giáp Ngọ (1954), quê ở Huế, sinh ra ở Hội An, nhưng đi học Trung học Đồng Khánh, Đại học Sư phạm Huế, dạy học tại Đại học Sư phạm Huế rồi đi làm công tác biên tập Nhà Xuất bản Thuận Hóa. Trần Thùy Mai có làm thơ, thỉnh thoảng có viết phê bình giới thiệu sách, nhưng độc giả biết đến chị là nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc và tiêu biểu cho bản sắc văn xuôi xứ Huế. Hàng chục tập truyện ngắn của chị lần lượt ra đời: Bài thơ về biển khơi (1983), Cỏ hát (1984), Thị trấn hoa quỳ vàng (1994), Trò chơi cấm (1998), Quỷ trong trăng (2001), Thập tự hoa (2003), Mưa đời sau (2005), Mưa ở Strasbourg (2007), Trăng nơi đáy giếng (2008), Một mình ở Tokyo (2008)... nhận được nhiều giải thưởng Trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế, nhiều tác phẩm đã chuyển thể thành kịch bản phim truyện, trong đó có Trăng nơi đáy giếng... Nghệ thuật truyện ngắn của Trần Thùy Mai là những câu chuyện tình lãng mạn nhưng không thiếu phần nghiệt ngã, bất hạnh của đời sống, thể hiện sinh động và đậm đặc chất liệu của xứ Huế, thông qua cái nhìn Huế, tâm thức Huế, tất cả sự kiện, con người, không gian, thời gian và nhất là phương thức biểu hiện ngôn từ, đều tồn tại trong vùng sinh quyển của Huế. Chị đã từng tự bạch: “Những câu chuyện tôi đã viết là những mảnh đời ở Huế, có thể là tôi, có thể là những người sống quanh đây. Điều tôi ước mong là dựng lại sau những số phận nhỏ bé này linh hồn mong manh và u uẩn của quê hương tôi. Trên vùng đất mà tôi đã sống, đã thương yêu, tôi khơi những con giếng nhỏ, từ đó cố chạm tới mạch nguồn chung của cõi người” (Nhà văn Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa 2002, tr.98). Trần Thùy Mai không chỉ là nhà văn tiêu biểu cho xứ Huế mà còn là một trong những nhà văn tiêu biểu cho cả nước trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất.

Văn chương không có tuổi, nhưng con người có tuổi. Bản mệnh con người tạo ra số phận của văn chương. Văn chương tuổi Ngọ ở xứ Huế, tuy hiếm hoi nhưng nó như một cỗ xe “tứ mã”, đủ sức tạo ra một môi trường đời sống tinh thần, thể hiện đầy đủ bản sắc của dòng sông, dáng núi, lăng tẩm đền đài, đuổi theo, bén gót bước chân của thời gian. Nhưng dẫu sao, người đọc vẫn trông chờ nhiều ở những cây bút trẻ, những người đang ở tuổi Bính Ngọ (1966), Đinh Ngọ (1978), Canh Ngọ (1990), sẽ gánh vác cái sức nặng văn chương mà thế hệ trước trao lại.

Phạm Phú Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top