Thứ Sáu, 30/08/2024 18:43
(GMT+7)
Công bố giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII
TTH.VN - Chiều 30/8, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế công bố kết quả về giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII (2018 – 2023).
|
Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII |
Sau khi phát động Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII, cơ quan Thường trực Giải thưởng nhận được 244 tác phẩm, công trình của 113 tác giả, nhóm tác giả thuộc 8 chuyên ngành văn học nghệ thuật đăng ký dự thi. Qua rà soát, còn 225 tác phẩm, công trình của 111 tác giả/nhóm tác giả đúng tiêu chí quy định về thời gian công bố, hồ sơ tác phẩm,… được tham dự giải thưởng.
Ban tổ chức Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII chọn ra 57 tác phẩm, công trình của 57 tác giả được xét chọn trao thưởng. Trong đó, có 7 tác phẩm, công trình đạt giải A đến từ các chuyên ngành: Nhiếp ảnh với bộ ảnh “Mổ tim bẩm sinh cho trẻ” của Nhiếp ảnh gia Trương Vững; Kiến trúc với cụm công trình “Các điểm kiến trúc cảnh quan và tiện ích công cộng bờ sông Hương” của Nguyễn Xuân Minh; Mỹ thuật với tác phẩm “Đêm hoàng cung” của Nguyễn Đình Dàng; Sân khấu với tác phẩm “Cái mẻ kho” của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; chuyên ngành Múa với “Thanh trà hiến quả” của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế; chuyên ngành Âm nhạc có tác phẩm “Thành phố xanh bên dòng Hương Giang” của tác giả Lê Quang Vũ; chuyên ngành Văn học với tác phẩm “Công chúa Đồng Xuân” của tác giả Trần Thùy Mai.
Riêng chuyên ngành Văn nghệ dân gian không có giải A, chỉ có 2 tác phẩm đạt giải B là “Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế” của tác giả Trần Nguyễn Khánh Phong và “Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai: Tiếp nhận từ văn hóa dân gian, tri thức bản địa hướng đến du lịch sinh thái cộng đồng” của tác giả Lê Vũ Trường Giang.
Qua các tác phẩm, công trình đạt giải thưởng, Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo đều công nhận lần này có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng mang nội dung, tư tưởng ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước; ca ngợi văn hóa, con người xứ Huế, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, các tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình đang dần hình thành những hướng nghiên cứu mũi nhọn, đặc thù, quy tụ các tác giả ở nhiều thế hệ khác nhau.
Phạm Phước Châu