ClockThứ Ba, 31/12/2024 09:09

"Đại sư phụ" nghệ thuật nhà mồ

TTH - Người Cơ Tu tại huyện Nam Đông luôn tự hào về lớp nghệ nhân tài hoa, những người vẫn giữ ngọn lửa đam mê với nghề điêu khắc nhà mồ. Ông Phạm Xuân Tin (thôn 4, xã Thượng Long) được xem là “đại sư phụ” của nghệ thuật này.

Hân hoan cùng lễ hội Tấc Ka Coong

 Nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu là một tác phẩm nghệ thuật tổng hòa giữa kiến trúc, điêu khắc và tâm linh

Giữ hồn dân tộc qua từng đường nét

Xuất thân trong gia đình truyền đời làm nhà mồ, ông Phạm Xuân Tin bắt đầu học nghề từ khi mới 11 tuổi. Ông thường đi theo cha đến những bản làng xa xôi, bắt đầu bằng những công việc đơn giản như đục đẽo theo hoa văn đã được cha vẽ sẵn.

Khi đạt đến trình độ cao, ông bắt đầu tự điêu khắc những tượng tròn khách tạc xung quanh nhà mồ. Trong ký ức, ông không quên các bức tượng đầu tay như tượng người đeo gùi, người nhảy múa, người đánh cồng chiêng... “Cha tôi đã rất tự hào khi nhìn thấy những tác phẩm đầu tay này”, ông nhớ lại. Ông đã trở thành một nghệ nhân điêu khắc có tiếng khắp các bản làng.

Một ngày đầu tháng 12, tại nhà làng trung tâm huyện Nam Đông, nhóm nghệ nhân người Cơ Tu miệt mài đục đẽo và tô vẽ những khối gỗ thành các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Giữa họ, ông Phạm Xuân Tin được mệnh danh là “đại sư phụ”. Ở tuổi 70, ông vẫn giữ ngọn lửa đam mê và tinh thần trách nhiệm với nghề cha truyền con nối. “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiến thức sâu về văn hóa, vì thế, tôi luôn kiểm tra kỹ lưỡng từng hoa văn, từng chi tiết”, ông Tin chia sẻ.

Nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu là một tác phẩm nghệ thuật tổng hòa giữa kiến trúc, điêu khắc và tâm linh. Từ cột, mái đến các họa tiết đều mang ý nghĩa sâu sắc, phản ánh thế giới quan của người Cơ Tu. Trong đó, a chua (phần nóc nhà mồ) được coi là “linh hồn” của toàn bộ công trình. A chua thường được tạc hình đầu trâu và đầu sơn dương, biểu tượng cho sự kết nối giữa người sống và người đã khuất, cũng như lòng thành kính đối với tổ tiên.

Ngày chúng tôi đến, ông Tin đang chỉnh sửa lại phần a chua của nhà mồ mẫu. Ông xóa đi một số họa tiết chưa chính xác do học trò thực hiện. Với ông, dựng nhà mồ không chỉ là nghệ thuật mà còn liên quan đến tín ngưỡng. Sai một chút cũng không được. Vậy nên, ông luôn dặn dò học trò phải làm cẩn thận, vì đây không chỉ là công trình dành cho người đã mất mà còn là di sản tinh thần”.

Ngoài a chua, phần quan tài độc mộc cũng thể hiện trình độ điêu khắc và sự tỉ mỉ của nghệ nhân. Quan tài được làm từ thân cây lớn, xẻ đôi và khoét rỗng để đặt thi hài. Phần nắp được tạc hoa văn tương tự a chua, tạo nên sự hòa hợp giữa các cấu kiện. "Những họa tiết trên quan tài và nhà mồ đều thể hiện quan niệm của người Cơ Tu về vũ trụ, cuộc sống và cái chết. Từ hình chòm sao, cây cối đến động vật như tắc kè, gà trống đều mang ý nghĩa sâu xa", ông Tin giải thích thêm.

Với kinh nghiệm hàng chục năm, ông Tin đã chuyển từ việc sử dụng gỗ quý như lim, kiền kiền, vốn ngày càng khan hiếm sang các vật liệu thay thế như xi măng. Tuy nhiên, ông vẫn giữ nguyên các hoa văn truyền thống để bảo tồn giá trị văn hóa.

Đào tạo thế hệ kế cận để giữ nghề

Từ năm 2020 đến nay, ông Phạm Xuân Tin dành nhiều thời gian hơn để truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Tại xã Thượng Lộ, ông đã mở lớp đào tạo cho 20 học viên, bao gồm cả những người trẻ và những nghệ nhân đã có kinh nghiệm. “Dựng nhà mồ, điêu khắc tượng đều dễ học, nhưng cần năng khiếu để đạt được cái đẹp”, ông chia sẻ. Nhiều học trò của ông đã đoạt giải thưởng trong các cuộc thi, như ông Trần Văn A Hinh từng giành giải Khuyến khích tại Trại sáng tác Điêu khắc truyền thống năm 2023.

Ngoài việc giảng dạy, ông còn trực tiếp tham gia các dự án bảo tồn văn hóa của địa phương. Những nhà mồ mẫu ông và học trò thực hiện không chỉ mang tính thực tiễn, mà còn là nguồn tư liệu quý giá, giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu thêm di sản của dân tộc mình. Sự cống hiến của ông Phạm Xuân Tin không chỉ giữ lửa nghề điêu khắc nhà mồ, mà còn lan tỏa tinh thần tự hào văn hóa dân tộc. Những tác phẩm của ông và học trò vừa là công trình nghệ thuật, vừa là biểu tượng của tình yêu và lòng kính trọng đối với tổ tiên, cộng đồng và quê hương.

Bài, ảnh: Thái Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Háo hức chờ… đếm ngược

Thời tiết đẹp, trời lạnh nhưng không mưa nên hàng ngàn người dân, du khách đã có mặt từ rất sớm để chờ đợi được hòa mình vào chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025. Sự háo hức của hàng ngàn khán giả hơn hẳn mọi năm bởi đây cũng là thời điểm họ sẽ đếm ngược đến giây phút Huế chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương.

Háo hức chờ… đếm ngược
Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường

Một chương trình nghệ thuật nhưng không đơn thuần chỉ có múa hát, ở đó một thông điệp được người làm chương trình định hình rõ ràng: Bảo vệ môi trường. “Hoa và rác” là một chương trình nghệ thuật như thế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay tại Huế - một thành phố được mệnh danh xanh - sạch - sáng của Việt Nam.

Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

“Dù có biết đôi chút về Phật học, nhưng để nói “tả” được chất thiền trong tranh thì tôi không dám nhận. Tôi chỉ vẽ những gì theo tâm tưởng, những ẩn ức của nội tại, những gởi gắm, tâm tình của một người họa sĩ đến với xứ sở nơi mình sinh ra, đơn giản vậy thôi!”, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh trải lòng khi nói về con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

TIN MỚI

Return to top