ClockChủ Nhật, 12/02/2023 05:55

Dập bản Cửu đỉnh

TTH - Để lưu trữ bản gốc của Cửu đỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã sao chép Cửu đỉnh bằng phương pháp dập bản. Tư liệu này cũng là “khuôn” để đúc Cửu đỉnh trong trường hợp cần làm một phiên bản.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa & tâm huyết với tranh dân gian xứ HuếCửu đỉnh Huế & hành trình được công nhận di sản tư liệu thế giớiLặng lẽ công việc dập văn bia cổ

Việc dập bản Cửu đỉnh đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo

Bảo vệ Cửu đỉnh

Cửu đỉnh được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn, là một tượng đài tượng trưng cho sự trường tồn của vương triều, thể hiện quyền uy và sự vững mạnh của một triều đại thống nhất.

Đây là báu vật quốc gia thuộc dạng “độc bản”, một cụm tượng đài hoành tráng về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX được biểu trưng bằng hình ảnh, thể hiện trí tuệ và tầm cao nghệ thuật của tiền nhân. Với những giá trị và ý nghĩa của Cửu đỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã gửi hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới.

Theo bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, kể từ khi bộ Cửu đỉnh này được đúc thành công vào năm 1837, 200 năm đã đi qua, với biết bao biến động thế cuộc, thế nhưng chưa một lần chính sử triều Nguyễn hay một nguồn tư liệu bất kỳ đề cập đến việc trùng tu, chỉnh sửa. Đến nay, Cửu đỉnh vẫn nguyên vẹn như ban đầu. Đây chính là giá trị đặc trưng và độc đáo của Cửu đỉnh để người Việt có thể tự hào về di sản này.

Được chế tác từ đồng, trải qua hơn hai thế kỷ “dầm mưa dãi nắng”, thời tiết tác động rất lớn đến Cửu đỉnh. Toàn bộ bề mặt của Cửu đỉnh đang đối diện với hiện tượng ăn mòn điện hóa. Các vết khuyết hỏng trên bề mặt đỉnh đồng như vết đạn làm giảm bề dày của đỉnh...

Đứng trước nguy cơ đến từ yếu tố tự nhiên và những rủi ro có thể xảy ra do tác động của con người, Cửu đỉnh rất cần những biện pháp bảo vệ đúng mức. Bà An Hòa cho hay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiến hành các giải pháp bảo quản phòng ngừa, như: dùng phương pháp chống ăn mòn điện hóa để bảo vệ lâu dài cho hiện vật; thiết lập giới hạn tham quan để bảo vệ hiện vật tránh các tác động do tính hiếu kỳ của khách tham quan; bảo vệ hiện vật tránh bị oxy hóa và bào mòn dần do khí hậu khắc nghiệt...

Sao chép nguyên bản

Để phòng tránh những tình huống đáng tiếc bất ngờ xảy đến với di tích, cũng như hạn chế việc phải sử dụng tư liệu gốc, toàn bộ chín đỉnh đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ. Cùng với việc hoàn thiện tư liệu lưu trữ, trung tâm thực hiện bảo tồn hệ thống hoa văn trang trí trên Cửu đỉnh bằng phương pháp “dập” thác bản.

Những hình ảnh trên Cửu đỉnh được sao chép bằng phương pháp dập bản

Theo bà An Hòa, dập bản là cách sao y bản chính để lưu trữ lâu dài chi tiết Cửu đỉnh. Kích thước, hình ảnh, đường nét của Cửu đỉnh được dập nguyên bản theo tỷ lệ 1-1 nên đây sẽ là “khuôn” nếu cần đúc phiên bản của Cửu đỉnh. Ngoài việc số hóa bản dập thành tư liệu số, những hình ảnh trên Cửu đỉnh được dập bản cũng sẽ được thiết kế in thành những bộ sách ảnh về các sinh vật, dược liệu, tinh tú… để giới thiệu đến du khách. Bộ Cửu đỉnh được dập bản cũng đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gửi kèm theo hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới.

Bằng giấy dó, mực, con lăn…, việc dập bản được tiến hành hoàn toàn bằng thủ công, rất công phu, tỉ mỉ và đòi hỏi kỹ thuật chuyên nghiệp. Giấy dó được chọn là loại giấy đẹp, mịn, dai, không quá mỏng cũng không quá dày. Việc pha trộn giữa nước và keo cũng đạt độ vừa phải để tạo sự kết dính giữa giấy dó và bề mặt các đỉnh. Sau đó dùng mực và con lăn lăn đều để sao chép tất cả các góc cạnh. Khi giấy khô, bóc ra thì nguyên hình ảnh trên Cửu đỉnh được in trên giấy dó.

Theo TS. Võ Vinh Quang, Phòng Nghiên cứu Khoa học, kỹ thuật dập Cửu đỉnh khác với kỹ thuật dập các loại văn bia. Cửu đỉnh bằng đồng nên rút nước rất nhanh. Tùy theo thời tiết mà sử dụng phương pháp, điều chỉnh các thao tác phù hợp. Quan trọng nhất là điều chỉnh cách pha keo và nước, dùng lượng keo phù hợp để giấy dó kết dính, không quá khô, cũng không quá ướt, tránh làm giấy không bám được hoặc bị rách.

“Việc dập bản Cửu đỉnh khá phức tạp và qua nhiều công đoạn. Những chi tiết trên Cửu đỉnh, như hoa lá, cây cỏ, trong đó có những chi tiết rất nhỏ nên kỹ thuật dập, bồi phải tỉ mỉ. Điều này đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm được tích lũy qua thực tế trong nhiều năm. Các góc cạnh phải có kỹ thuật tốt thì bản dập mới đẹp, sắc sảo và chính xác”, anh Quang nói.

Bài: Minh Hiền

Ảnh: Trung tâm BTDT Cố đô Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa

Hãng tin UN News ngày 7/12 cập nhật, được hơn 140 quốc gia ủng hộ, trong phiên họp mới nhất diễn ra vào ngày 6/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết thúc đẩy cuộc chiến chống buôn bán trái phép tài sản, hiện vật văn hóa và tạo điều kiện trả lại các hiện vật bị đánh cắp cho quốc gia xuất xứ.

Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa
Phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số

Ngày 6/12, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc và Công ty TNHH SMC Huế tổ chức Diễn đàn quốc tế lần thứ ba với chủ đề “Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều đại biểu đến từ các sở ngành, tổ chức trong và ngoài nước.

Phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số
Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Ngày Quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường (7/11):
Cần hành động nhiều hơn để chống bạo lực và bắt nạt học đường

Trong một báo cáo được công bố nhân Ngày Quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường, bao gồm cả bắt nạt trên mạng, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, cứ 3 học sinh thì có gần 1 học sinh trên toàn thế giới đã bị gây tổn hại về thể chất ít nhất 1 lần trong năm.

Cần hành động nhiều hơn để chống bạo lực và bắt nạt học đường

TIN MỚI

Return to top