ClockThứ Hai, 01/01/2018 13:27

Đến hoa cỏ cũng phải khác người...

TTH - Gần 400 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế là nơi cung vua phủ chúa. Bao nhiêu kỳ hoa dị thảo từ khắp nơi, loài nào đẹp nhất, thơm nhất mới được tiến cống và có cơ duyên bén rễ đâm cành nơi chốn kinh kỳ.

Có 9 loài hoa được vua Minh Mạng chọn để khắc vào 9 đỉnh đồng đặt trước sân Thế miếu

Chiều đông rét mướt, ông đội mưa đến nhà tôi gạ gẫm uống trà. Cũng đang rỗi rãi và thiếu người trò chuyện, tôi hào hứng chuẩn bị ấm chén, đun phích nước mới và chọn loại trà thượng hạng được người ta biếu đang cất kỹ lâu nay ra mời bạn vong niên. Hỏi ông sao trời mưa gió lạnh lẽo thế ấy mà siêng ra khỏi nhà thế. Ông hít hà chiêu ngụm trà thơm rồi rủng rải:

- Mê cây hoa mộc quá mà tìm không ra, tới thăm nhà báo và nhờ mách miệng chút coi.

Tôi ngạc nhiên, tưởng gì, chứ hoa mộc người ta bán đầy. Các xe chở đi bán dạo cũng có, mà về tận vựa càng nhiều. Ở đường Nguyễn Chí Thanh bên miệt Gia Hội, hay cuối đường Tố Hữu, gần khu An Cựu City có nhiều vựa cây cảnh nổi tiếng. Muốn cây to có cây to muốn cây nhỏ có cây nhỏ. Gần tết, hoa nhập về càng nhiều, tha hồ chọn. Sao phải nhọc sức đi tìm? Ông nhìn tôi, vẻ thất vọng:

- Nói vậy mà cũng nói. Tôi muốn tìm cây mộc Huế mình kia, chứ mộc ấy ngoài Bắc chở vô, cây to, lá dầy, nhưng hoa lại kém hương.

Giống sen trắng gần đây đã được Huế phục tráng thành công

Lại đến lượt tôi tròn mắt. Mộc nào cũng là mộc, lại còn rườm rà vậy nữa sao? Thế rồi câu chuyện của chúng tôi cứ vậy mà xoay quanh chuyện hoa. Hoa là biểu tượng của cái đẹp, mà tự cổ chí kim, cái đẹp bao giờ cũng được tôn vinh. Huế là xứ Kinh đô. Từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho đến hết 13 đời vua triều Nguyễn, tính ra gần 400 năm đất Thuận Hóa - Phú Xuân -Huế là nơi cung vua phủ chúa. Hẳn nhiên bao nhiêu kỳ hoa dị thảo từ khắp mọi miền đã được tuyển lựa để tiến cống. Loài nào đẹp nhất, thơm nhất, ý vị nhất mới có cơ duyên được bén rễ đơm hoa nơi chốn kinh kỳ.

Năm 1835, khi lệnh cho Bộ Công đúc bộ Cửu đỉnh đặt trước sân Thế miếu thể hiện cho ý chí thống nhất và sự trường tồn của vương triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã chọn 9 loài hoa cho chạm lên 9 đỉnh đồng, mỗi đỉnh mỗi loài. Hoa tử vi (Tử vi hoa) ở Cao đỉnh; hoa sen (Liên hoa) ở Nhân đỉnh; hoa lài (Mạt lỵ hoa) ở Chương đỉnh; hoa hòe (Mai khôi hoa) ở Anh đỉnh; hoa hải đường (Hải đường hoa) ở Nghị đỉnh; hoa quỳ (Quỳ hoa) ở Thuần đỉnh; hoa sói (Trân châu hoa) ở Tuyền đỉnh; hoa cẩn (Thuấn hoa) ở Dụ đỉnh; hoa ngọc lan (Ngũ diệp lan) ở Huyền đỉnh. Với nhiều thế hệ người Huế, những loài hoa trên Cửu đỉnh đều mộc mạc, gần gũi và thấy được trồng nhiều ở các khu vườn. Không rõ chúng từ chốn cung đình được dẫn giống ra dân gian hay từ dân gian được tuyển lựa mà vào với cung đình, có lẽ là cả hai (?). Chỉ biết rằng một thời, đến các nhà vườn Huế nhà nào cũng thấy có vài khóm tử vi, hoa lài, đôi ba chậu sói. Vườn rộng thì thêm gốc hải đường, ngọc lan để lấy hương thơm và hoa dâng cúng... Sau này đất chật người đông, vườn bị cắt xẻ để chuyển nhượng, xây nhà, lại thêm trào lưu các loài hoa mới nhập về, vậy là không ít loài hoa truyền thống của Huế phải ngậm ngùi hoặc là bị đốn bỏ, hoặc là thủ phận vai phụ nơi cuối góc vườn...

Hoàng mai xứ Huế vẫn đứng ở ngôi quán quân

Hoa ngô đồng nở trong Đại nội​

Nhưng rồi, hình như cái gì mới cũng chóng chán. Sau một thời gian mê mẩn, nhiều người chợt nhận ra sự "vô duyên" của cái hữu sắc vô hương, của cái "dễ dãi" đơm nụ đâm chồi, của cái "trơ lì" bất chấp tuế nguyệt của một số giống lá hoa thời thượng. Và rồi lại hoài niệm về cái mặn mòi, đằm thắm của những lài, những sói, những mộc lan, hoàng lan, hàm tiếu... một thuở. Vậy là nhiều người lại lóc cóc dò tìm, lóc cóc sưu tập về khu vườn nhỏ của mình những giống hoa truyền thống để nâng niu, chăm bẵm. Hoàng mai xứ Huế sau một thoáng bị mai cúc, mai hồng diệp "uy hiếp'' bởi cái ưu thế nhanh lên, dễ chăm bón đã nhanh chóng lấy lại ngôi vương trong dòng họ mai vàng. Quý phái nhất, sang trọng nhất, giá đắt nhất vẫn thuộc về mai Huế. Rồi hoa mộc mà ông bạn già của tôi đang nhọc công tìm kiếm. Giống cây gỗ thân nhỏ, hoa nhỏ mọc thành chùm nhỏ li ti nhưng hương thơm thì ngạt ngào quyến rũ. Hay hoa hàm tiếu, cũng loài cây thân gỗ nhỏ, nụ hoa chín căng mọng, e ấp nép mình bên kẽ lá, đến chừng 9-10 giờ sáng là bừng cánh, tỏa hương níu bước chân người. Loài hoa này trước nhiều nhà chỉ trồng tự do giữa sân hay góc vườn, nhiều năm gần đây được giới cây cảnh săn tìm mua với giá cao, những gốc lớn nghe nói giá đến vài chục triệu là thường. Nhiều nhà lỡ tay đốn bỏ, nay ngồi ngơ ngẩn tiếc thì sự cũng đã rồi. Hoa lài, hoa sói bây giờ cũng được nhiều người sưu tầm, và không chỉ là được trồng lấy hương, ướp trà như ngày trước mà đã được đưa vào chậu chăm bẵm như giống cây cảnh độc, quý trong khu vườn. Hay hoa ngọc lan, mặc dù đang được bày bán nhiều ở các vườn ươm, vựa cảnh, nhưng giới chơi cây khó tính của xứ ''mệ" thì phải cố tìm cho được cây ngọc lan Huế. Ngọc lan Huế lâu lớn, không quá to cao vạm vỡ, nhưng hương thơm thì đằm thắm ý vị hơn nhiều. Tôi không đủ trình độ để thẩm định và cũng cảm thấy nó cầu kỳ phức tạp, nhưng giới chơi hoa thì ai cũng gật đầu. Kể cả Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cùng với việc dần dần trùng tu phục dựng lại các khu vườn ngự, nhiều năm nay cũng đã cho sưu tầm, gầy dựng lại những giống hoa, cây xanh quen thuộc một thời trong Đại nội...

Ôi cái xứ Huế của tôi, đến hoa cỏ cũng phải khác người mới chịu. Hèn chi dân gian vẫn bảo, chơi như "mệ''...

HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động

Ngày 15/11, Trường đại học Phú Xuân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện “PXUni Job Festival 2024” với sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến hơn 500 cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên và người lao động.

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Return to top