ClockThứ Ba, 14/08/2018 14:20

Đừng cạn tình với bến sông xưa

TTH - Bến đò Phường Đúc là bến đò ngang nối làng Kim Long ở bờ bắc bên kia với Phường Đúc bờ nam bên này. Trong ký ức tôi, đây là một bến đò tuyệt đẹp. Gọi là bến đò, nhưng ngoài là tính năng làm nơi đón trả khách cho những chuyến đò ngang, chiếc bến này còn là nơi để người dân trong vùng lấy nước sinh hoạt, giặt giũ hàng ngày.

Dòng đục, dòng trongĐiểm nhìn sông HươngCòn đó làng nghề đúc đồng ở xứ Huế

Tôi có bà cô nhà ở cạnh bến đò, thuở còn là cậu bé con, thỉnh thoảng mấy anh em tôi được theo người lớn leo xe lam lên Phường Đúc thăm bà. Đó là những chuyến du ngoạn thật kỳ thú của tuổi thơ tôi. Từ trung tâm thành phố lên Phường Đúc bây giờ có... mỗi sải, nhưng hồi ấy thấy sao mà xa thế. Xe lam từ bến xe An Cựu lên Phường Đúc theo lối cầu Lòn- Gọi cầu Lòn là bởi đây là điểm mà cầu đường sắt cắt đường bộ, người, xe đến đây phải chui bên dưới mà đi, người Huế quen gọi là lòn, lâu ngày mà thành tên, có lẽ thế.

Xe qua khỏi cầu Lòn là chúng tôi như lọt vào thế giới khác với cây xanh, với đồng ruộng, với những lò đúc nghi ngút khói... Nhà bà cô vườn rộng, trồng nhiều loại cây trái, lũ trẻ chúng tôi tha hồ sục sạo, quậy phá. Nhưng, bao giờ cũng thế, khoái nhất là được lon ton chạy theo mấy bà chị con cô xuống bến sông chơi. Bến được xây bằng xi măng với những bậc cấp rộng rãi, rợp mát bởi bóng cây cổ thụ mà lâu quá tôi không còn nhớ là cây gì, dòng nước thì trong veo đến mức thấy được cả những bầy cá nhỏ tung tăng bơi lội, thoắt ẩn thoắt hiện dưới đáy sông. Trong lúc mấy chị giặt giũ, chúng tôi tha hồ vừa được tắm, vừa được chơi đủ trò trên bãi cát mịn màng ven sông. Thích nhất là trò xây lâu đài cát. Đứa nào cũng cố tạo cho mình một “sở đất”, rồi say sưa vốc cát ướt nhỏ từng giọt để xây lên cả một thế giới lâu đài của riêng mình...

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh. Bà cô tôi đã thành người thiên cổ từ lâu. Mấy chị thì lập gia đình tứ tán khắp nơi. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy giờ đây cũng người nam kẻ bắc. Bến sông xưa cũng đã không còn những chuyến đò ngang chở khách ghé lại, cũng không còn ai gánh nước, tắm giặt. Bởi nhiều lẽ, đã có nhiều những chiếc cầu bắc qua sông Hương; nước máy đã về đến tận mỗi nhà, chỉ cần nhón tay vặn cái là dùng thoải mái. Và có lẽ cũng còn bởi một lý do nữa là nước sông bây giờ đã không còn trong xanh như ngày xưa nữa rồi. “Trời hành cơn lũ mỗi năm”, bến sông xưa không người dọn dẹp cứ bị lấp dần, lấp dần rồi mất dấu.

Dạo vừa rồi ghé lên Phường Đúc, tôi lững thững tìm về bến đò ấu thơ một thuở, thấy ngay chỗ bến sông xưa, một miệng cống khổng lồ và dòng nước thải đen ngòm đang nhễu ra từ miệng thoát. Chợt nghe lòng hẫng hụt như mất mát một thứ gì. Ừ, thì có thể bến sông đã hết vai trò lịch sử, nhưng cái hình ảnh bến nước gắn với dòng sông, với những xóm làng trên này hay khu phố miệt hạ lưu dưới kia vẫn tạo được nét duyên rất hay đấy chứ. Thế thì có cần phải “cạn tình” với nó đến vậy chăng...

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một thời đò dọc

Với những người sống bên chân phá Tam Giang, đò dọc là một miền ký ức mà ở đó, mỗi chuyến đò rời bến mang theo sự chờ đợi và khát khao.

Một thời đò dọc
Về ngang bến cũ

Trong tiết thu vàng nắng lấp lóa, mẹ đem mấy tấm chiếu và vỏ chăn gối ra giặt.

Về ngang bến cũ
Vua Duy Tân và những bến nước

Cuộc đời vị vua yêu nước Duy Tân để lại trong tâm thức Huế nhiều ký ức đẹp; trong đó, có những bến nước mà ông đã từng gặp gỡ các chí sĩ để bàn bạc về cuộc khởi nghĩa phục quốc…

Vua Duy Tân và những bến nước
Chấp hành nghiêm khi qua vùng nước ngập sâu

Ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của một số chủ đò và người dân Quảng Điền chưa cao là vấn đề đáng lo ngại, nguy cơ mất an toàn trong mùa bão, lũ.

Chấp hành nghiêm khi qua vùng nước ngập sâu
Khôi phục bến đò Đông Ba phục vụ du lịch

Lớn lên, tôi đã nghe câu ca dao: “Đò từ Đông Ba đò quan Đập Đá, đò về Vỹ Dạ thẳng ngã Ba Sình…”. Điều đó cho thấy, ngày xưa bến đò chợ Đông Ba tấp nập như thế nào, nhưng bến đò nổi tiếng năm nào nay đã không còn nữa.

Khôi phục bến đò Đông Ba phục vụ du lịch
Return to top