Nếu chúng ta cứ cãi nhau về chuyện đẹp - xấu theo cảm tính chủ quan mà không thống nhất khái niệm thì sẽ không đi đến đâu – thế nào là đẹp, thế nào là xấu. Anh thấy xấu nhưng tôi thấy đẹp thì sao? Anh không thích nhưng tôi thấy thích thì đã sao? Có lẽ nên tạm thời thống nhất với nhau: đẹp - xấu là một khái niệm triết học.
Người ta coi cái đẹp là sự hài hoà, đối xứng, tao nhã… Cái này đã được “định danh”, tức là được số đông công nhận. Tuy nó phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của từng người nhưng nó cũng mang tính khách quan. Có trường phái triết học cho rằng, các đối tượng cân xứng theo “tỷ lệ vàng” có vẻ hấp dẫn hơn. Hiểu theo một nghĩa khác đó chính là sự hài hòa.
Tất nhiên, lấy chuyện triết học để nói chuyện mấy cái lu ở Vinh Hưng quả là khập khiễng. Tuy nhiên, như đã nêu, nếu chúng ta không thống nhất khái niệm ngay từ đầu thì sẽ bàn đến không cùng.
Vậy, chúng ta xem thử hàng trăm chiếc lu đặt dọc đường ở Vinh Hưng, đặt trong sân nhà văn hóa xem thử nó đã hài hòa, đã đối xứng, đã tao nhã chưa? Có lẽ, chúng ta dễ thống nhất với nhau là chưa.
Quan sát trong thực tế đời sống, thấy thời gian gần đây người sưu tầm lu cổ, lu cũ (chủ yếu là lu sành) để trang trí cho sân vườn khá nhiều. Có lẽ họ chơi loại lu này với ý thức như là một sự hoài cổ không gian Việt hồi xưa – mái tranh, sân gạch, lu (ảng) nước. Không hiểu kỹ thuật nung hồi xưa như thế nào, nhưng phải công nhận nó ra một loại màu men rất khác biệt so với loại lu làm bây giờ. Hiện, trên thị trường rất ít bán loại lu này. Mà thật ra không có nhiều để bán nên nó rất đắt. Ở thị xã Hương Thủy có một nơi bán loại lu sành, không nhiều lắm. Tôi đã có lần hỏi thử một chiếc lu cao cỡ 60cm, đường kính ước cỡ 40- 45cm nhưng có giá đến 3,5 triệu đồng.
Ở Huế, thi thoảng chúng ta cũng bắt gặp trong sân vườn nhà, quán cà phê, thậm chí là các khu resort người ta cũng sử dụng lu, rất “điệu nghệ”. Lu được đặt một góc vườn, cạnh gốc cây và thảm cỏ. Ở một số khu resort người ta còn sử dụng lu để trang trí tại phòng tắm với không gian mở, tiếp giáp với cây xanh. Trên lu đặt một chiếc gáo dừa. Nói chung là rất nhiều cách phối cảnh, nhưng đặc điểm chung là lu (chum, ảng) không bao giờ đặt chỏng chơ ở một nơi nào đó mà thường là phải “nương tựa” vào một cái gì đó, ví dụ như dưới gốc cây, góc sân vườn… Cái này có giá trị tôn vinh cho cái kia và ngược lại. Và nói chung, “ép phê” nhất là sử dụng trong một không gian đầy sự hoài cổ. Theo tôi, nếu mất đi tính chất này, chiếc lu trở thành một vật đặt không đúng chỗ!?
Nếu chúng ta tương đối thống nhất với nhau vài điều như vậy – cái đẹp là sự hài hòa, đối xứng, tao nhã… (theo nghĩa triết học), gợi một không gian hoài cổ (cảm xúc thẩm mỹ) thì hàng trăm chiếc lu, mà là lu được đúc bằng xi măng ở Vinh Hưng sẽ khó đạt được ý nghĩa thẩm mỹ.
Cho nên mới thấy, “cái sự chơi” để đạt đến độ hài hòa, tao nhã, gây được cảm xúc thẩm mỹ cũng khó lắm thay!
LÊ NGUYỄN