Ý chí người lính
Đến nhà ông Phần, nhưng phải đợi tới giữa trưa chúng tôi mới gặp được ông. Ở tuổi 85, ông cả ngày ở đồng ruộng và ao cá rộng 400 mét vuông do chính tay ông đào cách đây 10 năm. Mời chúng tôi vào căn nhà sàn giữa bóng tre mát rượi, ông Phần bảo: “Trước đây ở với con cái, khi chúng trưởng thành, tôi ra dựng căn nhà sàn sống giữa thiên nhiên, gió rừng, vừa khỏe người nhưng cũng để gìn giữ ngôi nhà truyền thống của dân tộc”.
|
Ông Phần trao đổi các phong tục tập quán người Cơ Tu với nghệ nhân Hoài Nam
|
Bảo chúng tôi ngồi đợi giây lát, ông cởi nhanh bộ áo quần làm mương, khoác trang phục truyền thống để tiếp khách, trên ngực phải lộ rõ vết sẹo. Ông Phần tâm sự, vết thương do địch bắn rất sâu, may mắn trời đất cho ông còn sống để tiếp tục chiến đấu nên bây giờ ông luôn một lòng với đất nước. Suốt 53 năm gắn bó với Đảng, tinh thần dân tộc luôn sáng trong tâm trí ông. Ông Phần kể: “Những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, tôi cùng đồng đội bắn rơi 2 chiếc máy bay. Năm 1962, tôi được kết nạp Đảng, sau đó giữ chức Bí thư chi bộ xã Hồng Hạ năm 1967-1970. Năm năm tiếp theo (1971-1975) làm Chủ tịch xã rồi xin nghỉ, về làm “cố vấn” cho những người lãnh đạo mới”. Thắc mắc vì sao về hưu sớm, ông Phần cười: “Ý thức, trách nhiệm tôi luôn có, công việc cũng hoàn thành tốt, nhưng tôi chỉ học đến lớp 2, trình độ thua người ta. Nghỉ hưu sớm để cán bộ khác làm. Phải biết nghĩ cho dân chứ không tham lam cái chức”.
|
Tuổi cao nhưng ông Phần vẫn gắn bó với ao cá
|
Trong suy nghĩ của ông Phần, thời chiến hay thời bình, ý chí của người lính vẫn vẹn nguyên. Câu nói khiến chúng tôi cảm phục người thương binh Cơ Tu là: “Đất nước lâm nguy thì mình chiến đấu, đất nước hòa bình thì mình gìn giữ văn hóa quê hương, thời nào cũng vì nước vì dân mà cố gắng”.
Gìn giữ truyền thống dân tộc
Trong căn nhà sàn bé nhỏ, ông Phần treo khá nhiều nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Chỉ tay vào cái phèn la, ông tiếp lời: “Cái này tôi mới mua 2,8 triệu đồng. Đánh để gìn giữ bản sắc quê hương, để giới trẻ không quên truyền thống của đồng bào mình”.
Thử cho chúng tôi nghe vài điệu phèn la, ông Phần kể, biết dân ca, dân nhạc, dân vũ của quê hương từ nhỏ. Thời chiến đấu không thể theo đuổi ước mơ gìn giữ truyền thống ông cha để lại nên ngày đất nước hòa bình, ông nghĩ ngay đến những bài hát, điệu múa, cách sử dụng nhạc cụ của người Cơ Tu. Để có tiền sắm nhạc cụ, ông Phần cùng người vợ Kăn Xuông (73 tuổi) phấn đấu bám ruộng đồng, nuôi cá trắm cỏ và rô phi, tích góp để sắm dần cồng, phèn la. Những lúc rảnh rỗi hay sau giờ làm đồng, ông lại cất lên tiếng hát giữa núi rừng cùng những âm thanh vang vọng của nhạc cụ dân tộc. Ông Phần bảo, vì đam mê thì ít nhưng ước mơ để con trẻ biết tập quán của quê hương thì nhiều. Ông sẵn sàng truyền dạy cho lớp trẻ những câu hát, điệu múa của người Cơ Tu.
Ông Phần còn nghiên cứu, tìm hiểu phong tục, tập quán của quê hương. Ông tâm sự, ở địa phương, lễ hội gì, chương trình gì, thôn xóm cũng phải nhờ ông hướng dẫn cách tổ chức. “Tôi không được đào tạo ở trường lớp, cái tôi không biết thì tôi phải cố tập và học, nhưng phong tục tôi biết rõ nên việc gì mọi người cũng đến hỏi tôi. Tôi là người thích gìn giữ những giá trị truyền thống, cũng chính vì vậy nên một tay tôi đã chặt cây, dựng lên căn nhà sàn này để ở từ khi về hưu đến nay”, ông Phần khẳng định.
Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy A Lưới, hiện là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hồng Hạ cho rằng, ông Trần Minh Phần như là linh hồn của người Cơ Tu nói chung và thôn bản Pa Ring nói riêng. “Người già không còn đủ sức để truyền dạy, giới trẻ lại không biết đến các phong tục, tập quán của dân tộc. Nhờ có ông Phần, nhiều giá trị truyền thống của quê hương được gìn giữ”.
Rời ngôi nhà sàn của ông Phần, hình ảnh về người thương binh có ý chí sắt đá quyết bảo tồn bản sắc dân tộc khiến chúng tôi cảm phục. Câu nói của ông đọng mãi trong suy nghĩ chúng tôi trên đường về: “Chiến tranh ác liệt, tôi còn đuổi theo đánh giặc được, hòa bình rồi tôi phải cố gắng không để truyền thống dân tộc bị mai một”.