ClockThứ Năm, 10/08/2017 13:46

Hạt mưa & cây lúa hay chuyện về ông vua “nông dân”

TTH - Tháng 6 nhuận, lúa xanh mơn mởn đến mát cả lòng. Những cánh đồng lúa đang thì con gái như thảm nhung xanh kéo dài, nối liền ruộng nọ đến ruộng kia trên suốt những con đường dẫn về các vùng lúa từ Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà đến Quảng Điền, Phong Điền…

1 - Thời tiết năm nay được bà con khen là dễ chịu. Nắng gắt mươi ngày nửa tháng là có trận mưa rào, cây cối, ruộng vườn tốt tươi.

Tiếng mưa tí tách trên mái gợi nhớ đến hai câu thơ đầy tâm tư về nông nghiệp của vua Minh Mạng - vị vua thứ 2 của vương triều Nguyễn:

 “Nguyên vị ưu nông sự

Lượng giai thức ngã tình”

(Nghĩa là toàn tâm trí (của ta) là lo nghĩ việc việc ruộng đồng/ Mong tất cả hãy hiểu cho lòng chân thành của ta).

Mưa và cây lúa là mối quan tâm của toàn thể cư dân vùng văn minh lúa nước Đông Nam Á hàng ngàn năm nay. Các vua triều Nguyễn đã để lại nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp mà kênh Vĩnh Tế là một giá trị lớn cho đến ngày nay. Với vua Minh Mạng thì dấu ấn của ông càng sâu đậm với những chính sách tốt về nông nghiệp. Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng khi đọc thơ của Vua Minh Mạng đã ví rằng “Vua Minh Mạng là ông vua nông dân”. Trong chiếu lên ngôi ngày 1 tháng giêng năm Canh Thìn (14/2/1820), vua Minh Mạng đã đặc cách hai điều quan trọng nhất gắn liền với người dân và hạt lúa“ 1/. Những tiền thóc sản vật mà dân còn thiếu từ năm Gia Long thứ 18 trở về trước đều tha miễn cả. 2/. Thuế lệ tiền thóc sản vật về nhân dinh điền thổ trong năm Minh Mệnh thứ nhất đều rộng miễn cả…”.

Theo Giáo sư Vũ Huy Phúc, công cuộc khai hoang, lập làng mạnh mẽ nhất của các vua Nguyễn tập trung đỉnh cao từ năm 1802 đến 1855. Trong 53 năm ấy, nhà Nguyễn đã ban hành 25 chỉ dụ về khai hoang, trong đó có 14 quyết định thuộc thời Minh Mạng.

Trong hai mươi năm trị vì, vua Minh Mạng đã chú trọng khai hoang, lập ấp, mở mang đất nước và phát triển nông nghiệp. Trên ngôi cao, nhà vua đã nhìn thấu hạnh phúc của người dân chính là no ấm, không gì hơn nữa. Được mùa mới mang lại tiếng cười thật sự cho dân “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn là trời. Tuy có cảnh tình, mây lành, chim phụng tụ tập, kỳ lân ra đời, chẳng bằng được mùa là điềm lành trên hết”. Cho nên, ước nguyện hàng ngày của nhà vua vẫn là lời cầu nguyện được mùa:

“ Nguyện đế giám thành niên lũ tích

Gia gia hàm vịnh vạn thương sương”

(Nghĩa là xin trời chứng giám lòng thành cho năm nào cũng chứa đầy thóc. Nhà nhà ca hát vì có vạn kho thóc dự trữ).

2 - Không chỉ ở mọi miền đất nước mà ngay ở ngoài đảo xa, vua Minh Mạng cũng chú trọng phát triển cây lúa để giữ dân, giữ đảo. Trong chuyến thăm Côn Đảo của mình, tôi bất ngờ khi nhìn thấy nhiều văn bản của các vua nhà Nguyễn về việc chú trọng trồng lúa, xây dựng và phát triển đời sống cư dân sở tại được trưng bày ở Bảo tàng Côn Đảo. Đặc biệt trong đó là tờ dụ của vua Minh Mạng (năm thứ 2) về việc khai khẩn Côn Đảo. Ngoài 200 cư dân, những phạm nhân bị lưu đày ở Côn Đảo được tha cởi bỏ gông cùm, được phát trâu, lợn, dê và công cụ lao động để sản xuất, trồng lúa nuôi sống bản thân. Chính quyền cũng dự trữ 1.000 phường thóc để cứu đói cho dân trong mùa thu và mùa đông… Vua Minh Mạng đã chỉ dụ: “Điều quan trọng là không được bỏ hoang đất, nguồn thức ăn của người dân phải dồi dào và hòn đảo xa xôi và đầy cây cối này sẽ trở thành miền đất của người lao động và đầy hạnh phúc”.

Thời kỳ ấy, cây lúa đã là cây trồng chủ lực ở hòn đảo này và là cây quan trọng được trình báo sau mỗi mùa vụ. Bản phúc trình của Bộ Hộ về việc thu hoạch lúa ở Long Tường “395 mẫu ruộng công thu hoạch được 1.174 hộc thóc. Lại hơn 31 mẫu ruộng ở đảo Côn Lôn đã thu hoạch được 112 hộc thóc. Tất cả đã đưa cất trữ xong”. Côn Đảo thời kỳ ấy là vùng đất xa xôi nhưng nhiều hứa hẹn, cây lúa đã đứng chân được thì con người cũng sẽ sống được ở miền đất này.

Ngay thời ấy, Côn Đảo đã là sự dòm ngó của nhiều ngoại bang. Bản phúc trình của Bộ Binh về việc tiểu nả phỉ quấy nhiễu địa phận Côn Lôn: “Có 10 chiếc thuyền của  phỉ Thanh vào quấy nhiễu. Truyền chỉ cho kinh lược Nam Kỳ Nguyễn Tri Phương truy đánh để yên vùng biển”, đã cho thấy sự chú trọng phát triển Côn Đảo của Minh Mạng là sáng suốt, mà góp sức chính là cây lúa.  Quả thật, ngày nay, ngoài những di tích về chiến tranh thì Côn Đảo là một hòn đảo tuyệt đẹp với biển xanh và cây cối tràn đầy sức sống.

Một trong những chính sách khuyến nông thành tựu nhất của vua Minh Mạng đó là việc khai hoang lập làng. Vào năm thứ 12 Minh Mạng, nhà vua đã ban dụ cho phép thần dân khắp nước viết đơn xin khai hoang ở bất kỳ nơi nào họ muốn và có sự hỗ trợ của triều đình. Cùng với việc giao cho Nguyễn Công Trứ giữ chức Dinh điền sứ (1828), nhiều vùng đất hoang được khai lập, làng xã mới ra đời. Cây lúa, vụ mùa của người dân trở thành niềm vui chính sự của vua Minh Mạng:

 “Trử khán tam nông khánh

Hạt thắng duyệt ngũ chung”

(Nghĩa là chờ xem tam nông được tin mừng, lòng ta vui nào xiết)

Ông vua “nông dân” ấy cũng đi thăm ruộng đồng: “Bản nhật tuần hạnh Lợi Nông hà, thân kiến duyên đố hoàng vân bị dã, nhân dân chính tại thu hoạch tuy vị thượng phong diệc vi trung nẫm thành, vị dân khánh kích, cảm hạo ân hân úy ngũ chung” (Nghĩa là, mấy hôm nay đi xem xét trên sông Lợi Nông, dọc đường thấy lúa vàng ngập đồng, nhân dân đang thu hoạch tuy chưa đạt hạng nhất nhưng cũng hạng  trung, thật mừng cho dân, càng cảm thấy ân trời, vui vẻ và trong lòng yên ổn).

Khi nghe các quan tâu trình các huyện ở Thừa Thiên là Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền, Phú Vinh (Phú Vang), Phú Lộc được mùa vụ thu, trong hạt cơm ăn hàng ngày, vua Minh Mạng đều nhớ đến chuyện nhà nông:

“Trong mỗi bữa ăn ta nào quên việc nhà nông. Hôm nay trong lòng ta mới được yên. Mạ nảy mầm có được mưa ngọt tưới. Lúa trổ bông vui vì không lụt lớn”.

Bây giờ người dân làm ruộng có sự hỗ trợ của hệ thống thủy lợi, máy bơm nước, đập ngăn mặn, xả ngọt, nhưng dù có hiện đại đến đâu thì nước vẫn là nhu cầu số 1 của cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Như còn nghe văng vẳng tiếng thơ ngâm trên Hiếu lăng:

“Duyên đồ cục mục hoàng vân bố

Mãn dã ngưu tâm ngọc lạp doanh

Tải lộ dân nhân giai hỷ sắc

Hoạch điền dũng phụ dật ca thanh”

Dịch thơ:

“Ven đường ngút mắt lúa như mây

Đồng ngập niềm vui hạt ngọc đầy

Đường làng ai nấy đều hớn hở

Vụ mùa rộn rã tiếng ca bay”

(Nguyễn Thanh Thọ)

Những cơn mưa rào cuối hạ trên bầu trời Huế gợi nhiều nỗi nghĩ suy về cuộc sống. Cây lúa, người nông dân và làng quê trong thơ một vị hoàng đế, xuất hiện trang trọng ở nơi yên nghỉ ngàn thu, đó chỉ là những câu chuyện nhỏ về ông vua “nông dân” Minh Mạng mà tôi đã bắt gặp trong những trang văn sử và từ chuyến dịch chuyển của mình.

Bài, ảnh:  Hạ An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa rau chẵn lẻ

Cá khoai vào mùa, cũng là lúc rau chẵn lẻ bắt đầu “rộ” với những đám rau xanh mướt, mơn mởn nằm trải dài trên những động cát gần bờ biển. Trước đây, nó chỉ là loài rau dại đúng nghĩa. Nhưng khi mà không chỉ dân biển, dân quê biết ăn rau chẵn lẻ mà dân thành phố cũng tấm tắc khi ăn cá khoai cùng rau chẵn lẻ, hay rau chẵn lẻ bóp, trộn là món “đặc sản” trong các quán nhậu, nhà hàng thì rau chẵn lẻ bắt đầu được lên đời.

Mùa rau chẵn lẻ
Phát thải khí nhà kính từ cánh đồng lúa cao gấp 2 lần ước tính

Tờ AFP ngày 11/9 dẫn lời các nhà nghiên cứu cho hay, cách quản lý đối với một số cánh đồng lúa trên toàn thế giới, với các chu kỳ lũ lụt và khô hạn, có thể dẫn đến gấp 2 lần ô nhiễm khí nhà kính làm hành tinh ấm lên so với những ước tính trước đây.

Phát thải khí nhà kính từ cánh đồng lúa cao gấp 2 lần ước tính

TIN MỚI

Return to top