Mỹ Lợi là ngôi làng có lịch sử hình thành và phát triển gần 500 năm thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc. Ngoài hệ thống kiến trúc cộng đồng truyền thống cùng nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, sự nổi tiếng của các loại thổ sản đặc thù của một làng bán nông bán ngư (cá cơm, khoai mài, cau, đũi, thao, lụa,…), Mỹ Lợi còn biết đến là nơi lưu giữ gần một nghìn trang tư liệu Hán Nôm có giá trị. Với nhiều nội dung khác nhau (địa giới, ruộng đất, nhân đinh, thuế má, xây dựng, tế tự,…), hệ thống văn bản bản này đã góp phần đáng kể trong việc tái hiện chân dung của một ngôi làng cổ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong số đó, đáng chú ý là bài Tế tiền hiền Phụ nữ văn cùng với hoạt động của hội Mỹ Ích, một thiết chế thể hiện đậm nét tính cố kết cộng đồng làng, xã.
|
Đình làng Mỹ Lợi . Ảnh: thuathienhue.gov.vn |
Sự ra đời của hội Mỹ Ích gắn liền với sự kiện ông Hoàng Văn Tuyển (1821-1879) đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (năm Tự Đức thứ 4, 1851). Sau khi đỗ đạt, ông đã tổ chức một lễ tế tạ ơn ở đình chợ làng Mỹ Lợi; đồng thời, ông cùng 5 người khác trong làng trình đơn xin thành lập hội Mỹ Ích. Đây là một hội tự nguyện, tập hợp những người theo nghiệp văn và nghiệp võ, nhưng không hoàn toàn giống với hội Tư văn hay hội Tư võ, bởi ngoài nam giới, hội còn có sự tham gia của phụ nữ. Hoạt động của hội chủ yếu là tế lễ, cầu an và tương trợ, cứu tế. Vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, hội Mỹ Ích đều tổ chức lễ hiệp tế tại đình chợ Mỹ Lợi, gồm tế cô hồn, tế tiền hiền nam giới, tế tiền hiền phụ nữ. Sau tế lễ, cỗ tế sẽ được đem chia cho những người hành khất, nghèo khổ.
Theo lệ thường, tế tiền hiền chủ yếu nhằm ghi ơn các vị tiền bối là thủy tổ của các dòng họ đầu tiên có công quy dân, lập làng. Riêng tế tiền hiền của hội Mỹ Ích lại có ý nghĩa tưởng niệm những quan văn, quan võ, hương chức, thầy đồ, thầy khóa, kẻ sĩ quá cố của làng. Đặc biệt hơn, tế tiền hiền ở hầu hết các ngôi làng ở miền Trung lẫn miền Nam chủ yếu dành cho nam giới, tế tiền hiền nữ giới như trường hợp làng Mỹ Lợi là hiện tượng hiếm gặp, dù đối tượng hướng đến chủ yếu là phu nhân của các “tiền quan, cố chức” nêu trên.
Nếu như tế tiền hiền nam giới do chính nam giới đảm nhiệm thì phần tế tiền hiền nữ giới của hội Mỹ Ích lại do phụ nữ phụ trách, với sự giúp đỡ của những người đàn ông trong hội. Tế tiền hiền Phụ nữ văn cũng sẽ được đọc trong dịp tế này. Đây là một bài văn tế gồm 224 chữ Nôm, do Tiến sĩ Hoàng Văn Tuyển - người từng giữ chức Thượng thư Bộ Công, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm quản Quốc tử giám, cũng là hội chủ của hội Mỹ Ích soạn vào năm Kỷ Tỵ (1869). Nội dung chủ yếu bày tỏ lòng cảm khái với những người phụ nữ thủy chung, tháo vát, tình nghĩa, cùng chồng vun vén trong ngoài:
“Ăn chung lo lộn, chữ đồng tâm noi dấu với người ta;
Đi trước bước đầu, câu tác thiện làm gương cho kẻ gái.
Từ thủa bắt tay làm bạn, đông có thầy, tây có tớ, hiệp một nhà bốn biển vầy nên;
Cùng nhau coi mặt đặt tên, người có của, kẻ có công, làm lên núi ba cây sum lại.
Rày đặng nhiều tay vỗ nên tiếng, việc trai thành lo trọn vẹn thủy chung;
Những khi ăn trái nhớ kẻ trồng, lòng báo đáp kể càng nhiều công ngãi”.
Trên thực tế, các nữ thần (cả nhiên thần lẫn nhân thần) đã sớm có một vị trí đặc biệt trong hệ thống tín ngưỡng tâm linh thuần Việt. Tuy nhiên, dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng phụ quyền Nho giáo, nhất là ở các làng xã vùng ven đô dưới Triều Nguyễn, phụ nữ ít khi được tham gia các hoạt động tế lễ ở đình, miếu. Bài văn tế cũng như hoạt động cúng tế các tiền hiền phụ nữ xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX ở làng Mỹ Lợi lại thể hiện một cách nhìn khá cởi mở, ghi nhận và tôn trọng vai trò của người phụ nữ, không chỉ trong phạm vi gia đình mà cả trong xã hội.
Trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc tiếp tục phát huy vai trò cũng như hoạt động của các thiết chế làng, xã cổ truyền như hội Mỹ Ích là hết sức cần thiết. Chúng thực sự có ý nghĩa trong việc xã hội hóa các nguồn lực, phát huy vai trò của các cá nhân tiên phong có sức ảnh hưởng trong cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào và truyền thống hiếu học, đoàn kết, tương thân tương ái, đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các giải pháp an sinh dựa vào cộng đồng cũng như cuộc vận động bình đẳng giới.