ClockChủ Nhật, 09/04/2023 15:05

Về Mỹ Lợi, nhớ “nhà văn đầm phá” Hồng Nhu

TTH - Cứ nhắc đến hai chữ Mỹ Lợi là người dân Huế nhớ ngay đến đặc điểm nổi bật của bà con ở đây là giọng nói. Làng Mỹ Lợi nay bao gồm toàn bộ xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), có 5 thôn thì 1 thôn nói giọng Huế, còn 4 thôn nói giọng... Quảng. Bí ẩn về giọng nói ấy, cho đến bây giờ vẫn chưa có ai giải thích thấu đáo được.

Nhà văn Hồng Nhu: 35 năm và 90 năm

leftcenterrightdel
 Nhà văn Hồng Nhu

Địa hình Mỹ Lợi thuộc vào loại đồng bằng duyên hải, nhưng cũng có điểm đặc biệt so với nhiều nơi ở chỗ bị giới hạn một bên là biển cả, một bên là đầm phá, đều thuộc nước mặn hoặc nhiễm mặn cao. Bờ biển và bờ phá gần như chạy song song. Đất đai, sông đầm và biển cả là tài nguyên, vốn liếng tự nhiên đặc biệt cho dân làng Mỹ Lợi quần tụ sinh sống và phát triển trong suốt gần 500 năm qua.

Những vườn cau trải khắp làng. Cau Mỹ Lợi xưa nay nổi tiếng ngon. Vì thế mà có câu ca “Dừa Mỹ Á, cá Đông Am, cam, cau Mỹ Lợi”. Có phải vậy không mà đa phần người dân Mỹ Lợi xưa đều biết ăn cau trầu, đặc biệt có một người con gái làng Mỹ Lợi khi ở ngôi cao nhất trong triều Nguyễn, vẫn giữ sở thích ăn cau trầu và dân làng thường hay dâng cau trầu Mỹ Lợi cho bà dùng, đó là Đức Bà Từ Cung, bà hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

Về Mỹ Lợi, nghe bà con nói chuyện một hồi rồi cũng quen với chất giọng của làng quê đặc biệt này. Chuyện cau trầu, ruộng vườn rồi đến chuyện biển, đầm phá. Chất thôn quê mộc mạc là điểm nổi bật khi tôi trò chuyện cùng bà con ở đây.

Mỹ Lợi gợi tôi nhớ đến một người con nổi tiếng của làng quê ven phá này, mà nay ông đã mất, đó là nhà văn Hồng Nhu. Tôi hỏi một số bà con ở đây về nhà văn Hồng Nhu, nhiều bà con nói rằng, họ tự hào về ông. Còn tôi cũng đã có lần cùng các anh chị nhà văn ở Huế đi cùng nhà văn Hồng Nhu về thăm Mỹ Lợi. Nhà văn Hồng Nhu có dáng người cao với mái tóc bạc trắng và dĩ nhiên, ông cũng nói giọng Mỹ Lợi quê hương. Chuyến đi đó giúp tôi hiểu thêm về ông và tìm đọc nhiều truyện ngắn của ông.

Nhà văn Hồng Nhu được mệnh danh là nhà văn của đầm phá, bởi lẽ phần lớn các tác phẩm của ông đều viết về đời sống ở vùng đầm phá, trong đó có nhiều tập tục sông nước rất đặc biệt, đọc một lần là nhớ mãi. Ví như trong truyện ngắn “Lễ hội ăn mày”, một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Hồng Nhu, ông đã chứng tỏ vốn sống, vốn hiểu biết của mình về đầm phá, đời sống và con người quê mình rất rành rọt. Đó là những đoạn ông viết về lễ cúng thần Đầm, lễ hợp cẩn dưới nước dành cho những đôi vợ chồng mới cưới... Ông viết về các loài cá đặc sản đầm phá “Cá dìa hoa thịt dẻo bùi như hoài sơn tươi, thơm như trầm. Tôm sú rằn con nần nẫn bằng cổ tay, ăn một con no suốt buổi. Cá buôi lườn béo như thịt mỡ, béo mà không ngán” - những miêu tả đó làm cho trang viết của ông sinh động và chân thật, đặc biệt nhà văn Hồng Nhu tả về những người con trai, con gái vùng đầm phá với những đặc điểm rất riêng, đọc là nhớ mãi. Viết về đàn ông đầm phá, suốt ngày chài lưới trên phá, trên biển thì “Dáng họ cao lớn, vạm vỡ, có vẻ bặm trợn nhưng nét mặt thì hiền khô. Họ đều cởi trần, quần đùi, da nâu bóng” nhưng họ hiền như những cọng rong đầm. Còn phụ nữ khi làm nghề trên đầm cũng không mặc yếm áo, để ngực trần, chỉ khi lên bờ đi chợ mua gạo, mua dầu họ mới mặc áo. Phụ nữ đầm phá mang vẻ đẹp mặn mà và mạnh khỏe.

Khi tôi xin một bác cao tuổi trong làng đọc cho tôi nghe những bài ca dao hay tục ngữ nói về Mỹ Lợi, bác ấy đọc cho tôi nghe “Hù huề, ba trái hù huề/ Ve trâu vô rú, chạy về ăn cơm/ Ăn rồi đi tát, đi nơm/ Đi te, đi nhũi nhớ cơm chạy về”, hay “Ai về Mỹ Lợi mà xem/ Trước sông, sau biển, chợ kề một bên”, “Môn khoai Mỹ Á, mía mả Nam Trường, cam đường Mỹ Lợi”, đặc biệt có câu ca nói về giá trị kinh tế của các đặc sản Mỹ Lợi luôn bán được giá cao nên đời sống của bà con ở đây no đủ “Chỉ có vài gốc cau còi, vài tay xăm rách, ăn hoài cả năm”.

Những kiến trúc thờ tự như đình làng, nhà thờ họ, miếu thờ trong làng, ngoài cảnh quan thoáng đãng, trên mái ngói in dấu thời gian làm cho chuyến thăm Mỹ Lợi của chúng tôi đong đầy cảm xúc. Huế mình thiệt lạ, làng quê nào cũng có những điều đặc biệt của riêng mình, Mỹ Lợi là một trong số đó.

XUÂN AN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa

Võ Thành Thân là một trong những họa sĩ trẻ, góp phần làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Mộng Ảnh” của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 30/11 - 15/12/2024 - triển lãm quy tụ 14 bộ tác phẩm sơn dầu, thành quả của hơn ba năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài.

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa
Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

Ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải 3 cuộc thi: Sáng tác ca khúc về truyền thống, sáng tác logo truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và cuộc thi viết “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” tỉnh lần thứ 3, năm 2024; đồng thời, công bố phim tài liệu về lịch sử truyền thống LLVT tỉnh.

Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế
“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”

“Ngoài đề tài văn hóa di sản của Huế, điều mà tôi ấn tượng và cảm xúc trong quá trình sáng tác ảnh nghệ thuật ở vùng đất này đó chính là con người. Người Huế bình dị, mộc mạc và có “chất” riêng”, nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Vĩnh (sinh năm 1986, Gia Lai) – người vừa được xướng tên với giải thưởng tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về Huế với bộ ảnh “Quần thể di tích Cố đô Huế” đã trải lòng như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”
Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

Ngày 28/10, Chi cục Dân số tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị truyền thông, hưởng ứng cuộc thi Sáng tác lô gô ngành Dân số do Cục Dân số, Bộ Y tế phát động nhằm phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển…

Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

TIN MỚI

Return to top