ClockThứ Bảy, 30/10/2021 07:18

Huế đã từng giàu có đến thế nào...

TTH - Cho dù những gì “còn lại” phần lớn chỉ là số liệu, nhưng đó là những số liệu có khả năng xoa dịu lòng tự ái của những công dân xứ Huế hay những người yêu Huế…

Giữ cốt cách Huế - Bài 1: “Đặc sản” riêng có chốn kinh kỳ

Cửu đỉnh - Bảo vật Quốc gia hiện được tôn trí trước sân Thế Miếu (Đại Nội - Huế)

Cái tin bà vợ người Pháp của cựu hoàng Bảo Đại là bà Monique Baudot (còn có  danh hiệu là “Hoàng hậu Thái Phương”) qua đời, tang lễ đã được cử hành tại Paris hôm 14/10 vừa rồi đã lại làm gợn lên trong lòng những người quan tâm đến văn hóa Huế về số phận những báu vật nhà Nguyễn mà vua Bảo Đại được thừa hưởng, liệu có còn lại gì không, và nếu có thì sẽ được giải quyết ra sao?

Ngay tại Huế, trong các cơ quan hữu trách thì không rõ thế nào, chứ bên ngoài thì thực sự câu chuyện chẳng mấy rộn ràng. Thậm chí khi đề cập, có người còn tỏ ra khá dè dặt: Ngay tại Bảo tàng cổ vật của Huế, vào thăm cũng thấy lèo tèo, hy vọng gì ở chỗ tư gia…

Tôi rất hiểu cái tâm trạng đó, bởi thật ra tôi cũng đã từng hẫng hụt như vậy trong một vài lần viếng thăm bảo tàng. Nhưng chẳng lẽ vùng đất có lịch sử 700 năm, từ Thuận Hóa đến Phú Xuân - Huế; trong đó có ngót 150 năm là Kinh đô của nước Việt thống nhất mà báu vật chỉ có như vậy thôi sao? Câu hỏi đó đã thôi thúc tôi đi tìm hiểu xem bản chất thực sự của câu chuyện là như thế nào. Và rồi, những thông tin tìm được đã làm tôi không khỏi ngỡ ngàng, thôi thúc tôi phải viết một cái gì đó để sẻ chia cùng bạn đọc. Bài viết “Cổ vật cung đình và âu lo của những người yêu Huế” hoàn tất và công bố trên Thừa Thiên Huế các số 5282 và 5283 (29&30/11/2011). Nay xin nhắc lại những dữ liệu, những con số mà quá trình tìm hiểu chúng tôi đã “gom nhặt” được để bạn đọc và những người yêu Huế biết thêm mà “yên tâm và tự hào” về gia tài cổ vật đã từng có của Huế:

Cổ vật do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thời điểm bài viết đăng tải-TG) quản lý: hơn 11.500 hiện vật, trong đó có 8.800 hiện vật được bảo quản trong kho và trưng bày tại một số điểm (cung An Định, Tả Vu của điện Cần Chánh, Trai Cung thuộc đàn Nam Giao, Thiên Định Cung thuộc lăng Khải Định) và khoảng hơn 2.760 hiện vật được bảo quản, trưng bày tại các khu lăng tẩm và di tích khác. Và số cổ vật này chỉ là một phần rất nhỏ còn lại của kho tàng cổ vật Huế sau những đợt mất mát xảy ra vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972...

Một cuộc triển lãm cổ vật tại Huế

Năm 1775, quân đội Lê - Trịnh tấn công và chiếm giữ Thuận Hóa đã vơ vét của cải trong kho tàng hoàng gia và gia đình quý tộc, quan lại thuộc triều đình chúa Nguyễn. Đồng thời hủy hoại rất nhiều đỉnh, vạc, súng đồng… để đúc tiền. Số đồng đã trưng thu là 799 tạ, đúc thành 23.962 quan tiền.

Năm 1862, với Hòa ước Nhâm Tuất, triều Nguyễn phải “đền” 4 triệu piastre (quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc) chiến phí cho Pháp. Nhà vua đã phải lấy rất nhiều đồ vật quý giá chế tác bằng vàng, ngọc, kể cả tận thu kim ấn, kim sách, tư trang bằng vàng bạc của hoàng tử, công chúa, thân vương, cung phí... để trả.

Vụ mất mát lớn nhất gắn liền với sự kiện Thất thủ kinh đô 1885 (23/5 năm Ất Dậu). Sau khi phản công quân khởi nghĩa của Tôn Thất Thuyết - Nguyễn Văn Tường, quân Pháp đã tràn vào Kinh đô Huế cướp bóc, đốt phá và giết hại dân chúng một cách dã man. Chứng kiến sự kiện, linh mục Père Siefert đã ghi lại: “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc… Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh”. Cũng theo Père Siefert, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5/7/1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp: “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ (Dụ)… Tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng... đều bị cướp”.  Tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công vào Kinh đô Huế đã gửi cho chính phủ Pháp bức điện đề ngày 24/7/1885:“Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”!

Đọc những thông tin trên, có lẽ cũng như tôi lần đầu mới tiếp cận, hẳn bạn đọc sẽ không khỏi sửng sốt với khối báu vật mà Huế từng thủ đắc. Ấy là chưa kể những “đồn đoán” nhưng đã từng có những dấu vết phát lộ thật về kho báu của vua Hàm Nghi được di chuyển ra khỏi Kinh thành Huế (có lẽ) để chuẩn bị tài lực cho “cần vương” kháng chiến; những báu vật trong tư gia của những gia đình danh gia vọng tộc bị thất lạc, tiêu tán do thời gian, thiên tai và những biến động lịch sử. Và cho dù những gì “còn lại” phần lớn chỉ là số liệu, nhưng đó là những số liệu có khả năng xoa dịu lòng tự ái của những công dân xứ Huế hay những người yêu Huế khi biết rằng Huế đã từng lấp lánh, từng giàu có đến mức nào.

Với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và với việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV nhất trí đưa vào chương trình nghị sự để thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế, phải chăng, nương theo đó mà cơ hội “châu về hợp phố” cho những cổ vật của Huế cũng đang dần rộng mở. Khi bài báo này chưa kịp lên khuôn, lại nghe thông tin một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn kèm hộp đựng được đánh giá là còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay đã chuẩn bị được đấu giá tại Tây Ban Nha. Có thể điều kiện hiện tại chưa cho phép tham gia đấu giá và đấu trúng, và cổ vật kia sẽ lại về tay một ai đó. Nhưng dẫu sao, người Huế cũng có thể “cao giọng” mà rằng: Của Huế đấy...

Bà Monique Marie Eugénie Baudot sinh ngày 30/4/1946 tại Pont-à-Mousson miền đông nam nước Pháp, thuộc vùng Meurthe-et-Moselle (Lorraine), giáp biên giới Đức. Cựu hoàng Bảo Đại quen biết bà vào năm 1969, đám cưới của 2 người được tổ chức đầu năm 1972, khi bà Monique Baudot 26 tuổi.

Bài, ảnh: DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa, con người Huế bằng tiếng Pháp

Kể về câu chuyện cụ bà người Huế với trái tim thiện nguyện, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Minh Hoàng (TP. Huế) xuất sắc vượt qua hơn 170 thí sinh trên cả nước để được trao giải Nhất cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ” lần thứ 8/2023.

Lan tỏa văn hóa, con người Huế bằng tiếng Pháp
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng văn hóa Huế, con người Huế

Sáng 23/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập chuyên đề năm 2023 với chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng văn hóa Huế, con người Huế, quyết tâm sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng văn hóa Huế, con người Huế
Hội đồng Châu Bắc kỳ tại Kinh đô Huế

Dưới triều vua Khải Định (1916 - 1925) một số quan chức, thương gia, thợ thuyền… từ miền bắc vào làm việc, sinh sống tại Kinh đô Huế đã tập họp vận động thành lập Hội đồng Châu Bắc kỳ vào năm 1924.

Hội đồng Châu Bắc kỳ tại Kinh đô Huế
Return to top