Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng - Đỗ Hữu Triết tại Viện Bảo tàng mỹ thuật TP Cheongju
1. Hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật pháp lam Huế, lần đầu tiên bộ sưu tập các sản phẩm pháp lam của Công ty TNHH Thái Hưng do ông chủ trẻ Đỗ Hữu Triết và các học trò thực hiện có mặt tại xứ sở kim chi trước sự chào đón nồng nhiệt của người dân bản xứ. Tại đây, sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt- Hàn được thể hiện rõ trong từng sản phẩm, cách trang trí hay thông qua những ngày tham quan làng nghề truyền thống nơi đất nước bạn.
Tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường đại học Khoa học Huế, từ niềm đam mê nghề truyền thống đã đưa Đỗ Hữu Triết đến làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế một thời gian dài. Những năm tháng nghiên cứu phục dựng, bảo tồn các di tích đã dấy lên niềm đam mê pháp lam và thôi thúc anh lựa chọn, nghiên cứu và bảo vệ luận án thạc sĩ với đề tài phục dựng pháp lam Huế. Sau 20 năm gắn bó với nghề, hiện cơ sở ra mắt ba dòng sản phẩm chính, đó là hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch; tranh pháp lam; trang trí nội thất các công trình với 4 loại hình: họa pháp lam, pháp lam chạy chỉ, pháp lam chạm khảm, kính pháp lam, nâng tổng số các mặt hàng lên đến hơn 700 sản phẩm.
Mặc dù pháp lam được du nhập từ Trung Quốc và người Huế tiếp thu kỹ thuật này khá muộn so với thế giới, song qua bàn tay tài hoa và ý tưởng sáng tạo, những tác phẩm pháp lam “made in Huế” đã được sáng tạo, trở thành nét riêng biệt của nghệ thuật pháp lam Huế và người làm sống lại kỹ nghệ người xưa chính là Đỗ Hữu Triết. Với sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, hàng trăm sản phẩm thờ tự, hàng lưu niệm và trang trí mang tên Thái Hưng ra đời, tạo nên thương hiệu cho pháp lam Huế và mở ra cơ hội phát triển du lịch thông qua tour tham quan không gian thao diễn nghề tại xưởng sản xuất của công ty.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng- Đỗ Hữu Triết, sản xuất sản phẩm pháp lam là một kỹ nghệ tích hợp nhiều ngành nghề thủ công như kim hoàn, nghề chạm kim loại, nghề gốm sứ, nghề đúc đồng… Chính vì sự kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa các nghề thủ công truyền thống đó đã làm cho các sản phẩm pháp lam trở nên độc đáo và đa dạng, mỗi sản phẩm pháp lam đều mang những giá trị đặc trưng. Vì vậy, chuyến đi là bước khởi đầu để tạo sự chuyển dịch trong giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt- Hàn và sự gắn kết giữa hai TP. Huế- Cheongju. Tại đây, những sản phẩm đặc trưng của pháp lam Huế, như tranh, đèn, vật dụng trang trí, bình, ấm trà trưng bày trang trọng và được người dân cũng như du khách thưởng lãm.
Nghệ nhân phục dựng trang phục cung đình Nguyễn Thị Đoan Trang (áo dài trắng) chụp ảnh lưu niệm với du khách Hàn Quốc trong bộ sưu tập áo dài cung đình do chị thiết kế
2. Đam mê, yêu nghề và không ngừng sáng tạo, đó là cảm nhận đầu tiên khi đối diện với nghệ nhân phục dựng trang phục cung đình Nguyễn Thị Đoan Trang. Từ một giáo viên ngoại ngữ, với niềm đam mê áo dài và các ngành nghề truyền thống Huế, chị từ bỏ việc dạy học để trở thành nhà thiết kế áo dài và thành lập DNTN thêu may nằm trên đường Bạch Đằng (TP. Huế). Không ngừng nghiên cứu và sáng tạo, từ thêu, may đến thiết kế các trang phục áo dài xưa, áo dài cách tân, sau nhiều năm ấp ủ ước mơ phục dựng trang phục cung đình Huế, năm 2015 chị đầu tư 100 triệu đồng thiết kế trang phục cung đình với ý tưởng “khoe Huế qua trang phục áo dài xưa”. Trong hai năm 2015 và 2016, bộ sưu tập được trình diễn tại Malaysia và Thủ đô Hà Nội, tháng 9/2018 thì tham gia triển lãm tại Viện Bảo tàng mỹ thuật TP. Cheongju (Hàn Quốc).
Theo chị Đoan Trang, sau hai năm phục dựng và thiết kế công phu, bộ sưu tập trang phục cung đình hoàn thành bao gồm 15 bộ, với các thứ bậc: vua, hoàng hậu, hoàng thái hậu, hoàng tử, công chúa, quan văn, quan võ, quan đại thần, thái giám, cung nữ và lính. Trong suy nghĩ của chị Trang, Huế là thành phố festival và năm nào cũng tổ chức các lễ hội lớn nên mong muốn đem những đặc điểm của vua quan xưa trình diễn để thế hệ trẻ hiểu hơn về các trang phục chốn hoàng cung; từ đó, đã phục dựng nhưng tinh hoa, đặc sắc của nghệ nhân xưa và tái hiện lại toàn bộ ý tưởng trong các bộ trang phục cung đình. “Mình đã nhiều đêm thức trắng, nhiều ngày lang thang trong Đại Nội và mấy tháng trời nghiên cứu tư liệu lịch sử để thiết kế gần như nguyên bản những trang phục cung đình này”, chị Trang chia sẻ.
Nghệ nhân Trương Đình Phương bên các tác phẩm của mình tại TP Cheongju
Nhận lời mời từ Viện Bảo tàng mỹ thuật TP. Cheongju, sản phẩm của các nghệ nhân Huế được gửi qua Hàn bằng đường tàu biển và trưng bày trang trọng trong phòng kính, thu hút hàng ngàn người dân bản xứ đến tham quan, tìm hiểu và chụp hình lưu niệm.
3. Hơn 15 năm đứng lớp với chuyên ngành đào tạo kỹ năng điêu khắc gỗ, nghệ nhân Trương Đình Phương, giảng viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP. Huế, chủ cơ sở điêu khắc gỗ Trương Đình Phương tại 119 Vạn Xuân (TP. Huế) vinh dự là một trong 3 nghệ nhân tham gia triển lãm tại Viện Bảo tàng mỹ thuật TP. Cheongju. Tại đây, 6 pho tượng kích thước lớn nặng cả chục tấn, như tượng Khổng Giáo, Đạt Ma nghệ thuật và 4 bức tượng Di Lặc- Tam tặc được chạm trổ công phu đã vận chuyển đến TP. Cheongju để tham dự triển lãm.
Điêu khắc gỗ là nghề thủ công truyền thống mang nét đặc trưng trong kiến trúc Huế, thể hiện giá trị mỹ thuật với kỹ xảo nghề nghiệp. Trong đó, trình độ chạm khắc và sự phối hợp nhuần nhuyễn với cảm quan thẩm mỹ được thông qua đôi bàn tay tài hoa của người thợ bằng các vật dụng quen thuộc như cưa, đục, khoan... Để tạo nên những sản phẩm tinh xảo từng đường nét, ngoài bàn tay vàng, người thợ phải có trí tưởng tượng phong phú, kỹ thuật chạm khắc điêu luyện và quan trọng là niềm đam mê.
Huế là cái nôi của mộc mỹ nghệ và điêu khắc gỗ với hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi, song điều đặc biệt tác giả làm nên pho tượng ấy là người thầy của những trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi do cơ sở cưu mang và truyền nghề từ nhiều năm qua. Với mong muốn mang nét đặc trưng của văn hóa Huế, văn hóa Á Đông đến trình diễn, nghệ nhân Trương Đình Phương đã sáng tạo ra các dụng cụ để thực hiện sản phẩm được tinh xảo, độc đáo. Anh chú ý khai thác các đường nét tự nhiên của gỗ, nghĩ ra ý tưởng để thực hiện sản phẩm mang tính nghệ thuật cao.
“Những ngày lưu lại xứ Hàn và tham quan một số làng nghề truyền thống ở đây, chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý. Ở Huế, đa số nghệ nhân đều rất trẻ, tâm huyết và yêu nghề, còn ở TP. Cheongju, những người làm nghề có tuổi đời khá lớn, trên dưới 70 tuổi, còn thế hệ trẻ dường như ít đeo đuổi đam mê. Sau chuyến đi, chúng tôi đã kết nối với chính quyền TP. Cheongju và lãnh đạo TP này đã đến Huế tham dự hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể tại châu Á - Thái Bình Dương 2018 diễn ra đầu tháng 11/2018, đồng thời hứa sẽ tham dự Festival Nghề truyền thống 2019 do UBND TP. Huế tổ chức”, anh Trương Đình Phương chia sẻ.
Quản lý Viện Bảo tàng mỹ thuật TP. Cheongju, ông Koh Yoengchan cho rằng, sau khi tham quan các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, truyền thống tại Huế, chúng tôi đã lựa chọn 3 nhóm sản phẩm có nét tương đồng với văn hóa Hàn Quốc và mời các nghệ nhân đến tham gia triển lãm. Những ngày lưu lại Hàn Quốc, các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam như trang phục cung đình, tượng Phật bằng gỗ, tranh pháp lam đã thu hút sự quan tâm của người dân cũng như các nghệ nhân Hàn.
Bài: Thanh Hương
Ảnh do nhân vật cung cấp