ClockThứ Năm, 25/06/2015 14:02

Khói

TTH - Cái mùi rơm, mùi rạ thơm tho và lành sạch ít khi làm ta từ chối hay né tránh. Cũng có thể vì trên những cánh đồng rộng, không khí loãng ra trong những chiều gió nên dù có vào chính vụ đốt đồng đi chăng nữa, người đi bên này những bờ ruộng, triền đê hay những con đường làng nương theo bờ bãi vẫn không cảm thấy ngột ngạt vì khói. Tôi còn đồ rằng, khi trở về trong những năm tháng đi xa hay đơn giản chỉ là lần trở lại, không ít người đã cay cay con mắt chẳng phải vì khói mà vì họ đã gặp lại hương vị cũ, dư âm cũ. Cài mùi khói tưởng chừng như đã quên lãng đâu đó, chợt nhiên bị đánh thức trong nỗi xốn xang.

Buổi chiều hôm ấy, chừng như tôi đã gặp lại ký ức tuổi thơ. Nhớ những gốc rạ không hẳn là mềm mại dưới đôi chân trần non nớt khi cố xách váy lên rồi lũn chũn chạy theo anh trai đang mải miết đuổi theo sợi dây diều. Hồi ấy, không phải tôi thích những con diều mà anh tôi hì hụi dán bằng giấy báo cũ mà sợ anh bỏ quên tôi trên cánh đồng với không ít những gương mặt trẻ con lạ lẫm khác. Nhớ là tôi đã bám chắc vào tay anh khi trở về trên con đường người ta phơi rơm, nước mắt nhòe nhoẹt dù được anh dỗ dành. Tôi nhớ lúc ấy tôi muốn về mách má lắm. Nhưng rồi có đôi chỗ đường rộng ra thành bãi, và anh em chúng tôi đã nhoài mình trên những vạt rơm đến tận tối mịt. Đến nỗi khi trở về không cần mách cũng bị má lôi ra cho cả hai một trận đòn vì tội ham chơi. Tôi nhớ đến chừng đi học, khi miền Bắc không nghe tiếng máy bay nữa, hình như vào quãng những năm 1973-1974 gì đó, má vẫn đội lên đầu tôi một chiếc mũ rơm và dắt tôi đi học mãi tận trong làng, xa đến nỗi mỗi khi tự mình trở về, tôi lại đếm những cây rơm ở hai bên đường cho bước đi gần lại…

Nói thật ra là ký ức rơm rạ của tôi quá ít ỏi. Nhưng chừng đó thôi đã làm ngùi ngẫm hoài mỗi khi gặp lại mùi rơm, mùi khói. Huống chi những người từ làng ra đi. Một vài khi tôi bắt gặp sự thảng thốt trong những trang viết về rơm rạ, bắt gặp nỗi hoài nhớ quê qua dáng hình cây rơm. Cái thảng thốt dễ lây làm váng vất. Có lần theo xe chạy qua những cánh đồng đang vào mùa đốt đồng, tôi làm những người đồng hành ở huyện cười hoài khi cứ hạ cửa kính và nhoài mình đón khói.

Nhưng quả thật sau mùa, đồng quê bây giờ nhiều khói hẳn. Nhiều đến nỗi có khi người ta cùng đốt luôn trên cả chục thửa ruộng liền kề, khói rơm không còn khoáng đạt và dễ chịu nữa mà đã đen luôn cả một phía đường trời. Khi ấy khói rơm thật sự cay. Tôi vẫn còn nhớ cái ước ao làm thế nào tận dụng rơm và có nhiều hơn những chế phẩm từ rơm, để rơm không lụi tàn trong khói, để rơm quay trở lại tận hiến mình cho đời sống trong một chu trình khép kín mà bạn tôi – một cán bộ huyện ao ước. Cái ước ao cũng hiền như nụ cười và những chia sẻ gần gụi trong bóng chiều chạng vạng, khi những đám lửa đã tắt và màu khói khuất dần vào đêm. Không biết đến bây giờ, bạn tôi có còn giữ trong mình cái ao ước mang mùi khói?

Tôi đã có những chiều bình yên trong mùi lá khi má tôi lậm cậm gom đốt. Mùi lá thơm làm nhớ những ngày quá vãng quét lá nhãn làm chất đốt trên khoảng sân cơ quan nơi ba má tôi từng làm việc. Những cây nhãn ở đó giờ không còn nữa. Thay vào những dãy nhà cấp bốn cũ kỹ bây giờ là những dãy nhà kiểu phố trong ngõ, hẹp và dài. Ba và anh tôi cũng đã đi xa mãi. Nhưng màu khói, mùi khói, dẫu cuộc sống đã thay đổi thế nào đi chăng nữa thì vẫn cứ còn đây, vẫn cứ làm thương nhớ những mong manh…

Lê Nguyễn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vũ điệu thời gian”

Là chủ đề của chương trình nghệ thuật do Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc biểu diễn tối 22/11, tại sân khấu Nhà hát Duyệt Thị Đường – Đại Nội Huế. Chương trình trong khuôn khổ Festival Huế Mùa Đông 2024 và chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

“Vũ điệu thời gian”
Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

Trong năm 2024, có 6 cá nhân tặng hiện vật và 9 cơ sở, cá nhân sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống Huế hỗ trợ cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong công tác trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng, khách tham quan.

Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Return to top