Lâu nay, đây đã là điểm đến của bao người. Thế nhưng, trở thành điểm văn hóa du lịch, qua đó có thể là chỗ dựa mưu sinh cho bao người lại là câu chuyện khác. Nó phải bắt đầu từ tài nguyên văn hóa du lịch dồi dào và những đòi hỏi khắc khe về đi lại, khả năng ứng xử văn hóa, dịch vụ kèm theo và những điều kiện về môi trường được đảm bảo.
Hiếm có thôn làng nào lại hội tụ được nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, được xem là tài nguyên du lịch vô giá như ở Nguyệt Biều - Lương Quán, từ các dấu tích liên quan đến triều Nguyễn, như Hổ quyền, điện Voi Ré, các phủ đệ; các thiết chế văn hóa làng xã như các đình làng Lương Quán, Nguyệt Biều, các nhà thờ họ; Nhà máy nước Vạn Niên chạy bằng động cơ hơi nước đầu tiên của Việt Nam; các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như đồi Vọng Cảnh, bàu Hồ, sông Hương thơ mộng, hay cả những khu vườn thanh trà nổi tiếng.
Như có điều chi uẩn khúc là câu kệ “Bất phú Dạ Lê thê/Bất giao Nguyệt Biều hữu/Bất thực Lương Quán kê/ Bất ẩm Thạch Hàn thủy”. Còn rõ ràng và dung dị là câu ca “Nguyệt Biều - Lương Quán bao xa/Cách nhau cái hói chia ra hai làng”. Người đời bảo, con hói kia chính là con sông Lý Nhân nay đã bị bồi đắp và chỉ còn một cái vệt. Tương truyền, xưa công chúa Mỹ Ê thời Lý trên đường nhập cung vua Chiêm đã gieo mình tự vẫn. Người Trung Hoa có câu nói nổi tiếng “Bất đáo Trường thành phi hảo hán” để giới thiệu và tự hào về Vạn lý tường thành. Xưa nó như một lời khích tướng, ai chưa chinh phục được Trường thành thì chưa xứng là một nam tử hán đại trượng phu. Và nay nó như slogan thu hút bao khách du lịch. Còn ta, có chi đó tương đồng khi “Nguyệt Biều - Lương Quán bao xa...”.
Tổ chức thành công lễ hội thanh trà từ nhiều năm qua là một thành công của Nguyệt Biều - Lương Quán trong việc biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Thanh trà nơi đây nổi tiếng thơm ngon, gắn liền với chuyện kể về vị chúa đời thứ 6 ở Đàng Trong là Nguyễn Phúc Chu trong một lần du thuyền trên sông Hương chợt nhìn thấy có một vùng cây trái xanh mướt ven sông, bèn truyền ghé thăm và nơi đó chính là Nguyệt Biều - Lương Quán. Dân làng thanh trà dâng chúa thưởng thức, ngài ăn và tấm tắc khen ngon. Từ đó, cứ vào giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, vào mùa thanh trà chín rộ, dân làng Nguyệt Biều - Lương Quán lại chọn ra những quả ngon nhất mang vào kinh thành tiến vua chúa.
Không quá khó, khi theo quy định tại điều 11 Nghị định số 168/2017/NĐ - CP để trở thành điểm du lịch địa phương, phải là nơi có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Từ câu chuyện về nhà vườn Nguyệt Biều - Lương Quán, có thể nghĩ đến việc phát triển thêm nhiều điểm du lịch địa phương ở Thừa Thiên Huế. Tài nguyên văn hóa du lịch không thiếu ở nhiều vùng đất trong tỉnh. Vấn đề là khát vọng, là ý tưởng và cách thức làm giàu bằng du lịch mà lâu nay có vẻ như chưa được phát lộ và còn quá nhiều những lúng túng.
ĐAN DUY