Chủ Nhật, 14/10/2018 18:18
(GMT+7)
Kiểm soát lượng khách
TTH - Đó là điều mà người Hàn Quốc đã thực hiện khi mỗi ngày chỉ có 100 vé bán ra cho du khách nước ngoài vào tham quan đối với cung điện Changgyeonggung và 200 vé ở cung điện Gyeongbokgung.
Đó cũng là câu trả lời cho những thắc mắc của tôi, về việc không hiểu vì sao mà lượng khách vào đó không đông như tôi vẫn tưởng, hơn nữa di sản này ở ngay thủ đô Seoul. Người hướng dẫn đoàn hôm ấy đã không trả lời cho tôi câu hỏi ấy nhưng thông tin từ https://visitkorea.org.vn cho hay, người ta làm điều đó là để giảm thiểu sự tắc nghẽn.
Nhưng chắc chắn là, việc kiểm soát lượng khách không đơn giản chỉ là để giảm thiểu sự tắc nghẽn. Hướng đến một tiêu chí cho lâu dài, tránh những tác động trở lại đối với kiến trúc của di sản qua lượng khách tham quan đã được đặt lên bàn cân đối với những hiệu quả, lợi ích mà các di sản này mang lại từ du lịch. Đương nhiên, điều trước tiên vẫn là tạo một không gian rộng rãi đủ để người thưởng ngoạn cảm nhận được di sản văn hóa một cách toàn vẹn nhất trong các chiều không gian và thời gian của nó.
Kinh tế học di sản là một thuật ngữ đang được nhiều chuyên gia nhắc đến. Điều này đã được xây dựng dựa trên hiệu quả so với chi phí kể từ khi các di sản văn hóa được đầu tư kinh phí để bảo vệ và trùng tu. Lượng khách tìm đến di sản và các địa phương nơi có di sản tăng qua mỗi năm là con số có thể định lượng được. Chẳng hạn như lượng khách tăng 6,2%/năm đối với Old Tow Lunenburg (Canada) sau khi được công nhận là di sản thế giới; doanh thu của Sihu (Hàng Châu-Trung Quốc) tăng 162% vào năm 2009 sau khi khôi phục kênh đào Vận Hà vào năm 2006. Hoặc gần nhất là doanh thu từ bán vé tham quan vào thăm các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã bắt đầu chiếm một vị trí quan trọng trong thu ngân sách, cũng như trong vai trò đầu tư trở lại đối với chính di sản văn hóa này (năm 2017 nguồn thu này đạt 320 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2011).
Tuy nhiên, người ta cũng bắt đầu đặt vấn đề trở lại đối với những tác động từ dòng người đến tham quan tại các điểm di sản. Ví như việc kiểm soát vé vào cung điện hoàng gia ở Hàn Quốc mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Ví như việc kiểm soát gắt gao lượng khách ở hang đá Dunhuang ở Cam Túc (Trung Quốc) để tránh việc nhiệt độ trong hang tăng, các bức tường bị hỏng do bị ẩm…
Đây có lẽ chưa phải là vấn đề được đặt ra ở Việt Nam. Thông tin từ báo chí có thể ghi nhận việc dừng bán vé vào Phong Nha (Quảng Bình) trong một thời điểm do quá tải, còn lại hầu như đều là những lượng định về nguồn khách tăng, doanh thu tăng. Tôi không biết có phải là còn quá sớm để nói về điều này hay không, nhưng cũng đã có vài tiếng nói khác về việc cần định lượng lại năng lượng nguồn tài nguyên, tránh khai thác quá nóng và quá mức dẫn đến quá tải và cạn kiệt…
Việc khai thác nguồn lực du lịch từ các di sản khai thác nguồn khách đến du lịch có lẽ, cũng cần phải được tính đến bằng chất lượng và ứng xử của nguồn khách, chứ không chỉ ở những con số đơn thuần về tăng trưởng số lượng. Tôi một lần nữa lại nghĩ đến điều này khi tha thẩn ở Gyeongbokgung…
Nhiên Bình