ClockThứ Bảy, 14/09/2024 07:46

Làng Hưng Thái với truyền thống cách mạng

TTH - Cách đây trên 200 năm, làng Hưng Thái (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) đã ra đời với những thăng trầm của lịch sử quê hương, đất nước.

Phước Tích bên dòng Ô Lâu

Không gian đình làng Hưng Thái 

Khai hoang lập làng

Thuở xưa, đây là một vùng đất hoang sơ, màu mỡ, chưa có sự hiện diện của bàn tay con người. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại bị hương lý áp bức nên các Ngài từ nhiều nơi, gồm họ Lê, Trần Văn, Nguyễn đưa nhau lên đây để làm ăn cư ngụ bên dòng Ô Lâu. Lâu dần thành lập làng và đặt tên là làng Bến Đôốc (Bến Dốc). Bà con sống bên nhau đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, đồng lòng, đồng sức khai hoang, canh tác, trồng trọt, làm củi, làm chổi, lấy mây đưa về đồng bằng bán đổi lấy gạo, muối, thực phẩm… Dần dà đã trở thành một điểm giao thương buôn bán, thu hút thương lái thập phương về đây mua bán, trao đổi hàng hóa.

Tưởng là yên bình nhưng vào một ngày của năm 1900, các hương lý, gian thương ở Mỹ Xuyên thấy được nguồn lợi nên bàn nhau lập bản đồ địa chí rồi vào triều đình xin được cấp đất. Lúc bấy giờ, Nhà Nguyễn thống nhất chia đất làng Bến Đôốc thành 2 phần: Phần từ khe Cơn Mưng - miếu Cơn Dương - đất Cồn Khoai - bến Bốm là đất của Mỹ Xuyên; phần đất còn lại từ đó ngược lên đồi Rú Miếu là đất của dân làng Bến Đôốc. Người dân trong làng không đồng tình đối với cách chia như vậy, đã cử 3 Ngài đại diện cho 3 họ, gồm họ Lê Văn, Trần Văn, Nguyễn Văn đi vào Huế để khiếu kiện ròng rã ba năm trời.

Đến năm 1904, Triều Nguyễn đã cử Ngài Hoàng Mười là con trai thứ 10 của vua Dục Đức, lúc đó, Ngài được vua Thành Thái (anh ruột) phong làm Hưng Nhân Quốc Công, thân chinh bằng đường thủy đến làng Bến Đôốc xem xét thực trạng rồi vào Triều lập lại bản đồ địa chính trình tấu lên vua Thành Thái xin được phê chuẩn vùng đất của Ngài là thượng Khe Trăn hạ Voi Đấy (phía trên là vực Khe Trăn, phía dưới là vực Sông Kềm). Ngài đổi tên làng Bến Đôốc thành làng Hưng Thái (hưng thịnh và thái lai).

Sau khi làng Hưng Thái ra đời, Ngài đã cho xây dựng một dinh thự chính giữa làng vào cuối năm 1904. Hàng tuần, hàng tháng, Ngài ra ngự và chăm dân. Người dân dựng một điểm gác để chủ động nắm bắt lộ trình đi lại của Ngài và kịp thời thông tin cho dân làng biết mà nghênh đón. Mỗi lần nhận tin Ngài đến, dân làng Hưng Thái khẩn trương tập trung hai bên trục đường chính qua cổng Tam quan, có dãy cây nhãn sum suê hoa quả lá để đón Ngài từ Bến lên. Cũng trong thời điểm này, Ngài đã chọn ra các ông Bộ, ông Hương và những tùy tùng khác phục vụ và đặt ra các điều lệ phục vụ công tác quản lý, lập lại tình hình an ninh trật tự trong làng. Như bài vè: “Cấm trâu ăn kẹ, cấm nghé leo dường (dường ruộng). Nào ai bắt được tiền trượng ba quan, vạ làng ba chục, đánh đòn một trăm” và các lễ nghi khác. Đình làng Hưng Thái và các miếu thờ thần linh cũng ra đời từ đó.

Làng Hưng Thái thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Phía đông giáp thị trấn Phong Điền; phía Tây giáp với làng Cù Di, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị); phía Nam giáp xã Phong Xuân; phía Bắc giáp xã Phong Thu.

Tham gia kháng chiến

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, con dân làng Hưng Thái đoàn kết một lòng không ngại hy sinh, gian khổ, đồng lòng hợp sức đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, đứng lên đánh giặc giữ làng. Lúc bấy giờ, làng Hưng Thái chưa đầy 35 hộ dân thì cả 35 hộ đều đi theo cách mạng với nhiều hình thức hoạt động. Thanh niên thì tham gia đi bộ đội ra chiến trường, nông dân, phụ nữ tham gia nuôi dấu cán bộ cách mạng hoạt động nằm vùng. Quân địch ra sức đàn áp Nhân dân, đưa Luật 10/59 áp dụng vào dân làng. Chúng bắt Nhân dân ta, những người mà chúng cho là Việt cộng, có dính líu với Việt cộng nhốt ở đình làng Hưng Thái, sau đó đưa ra bãi đất trống trước đình để tra tấn một cách dã man. Chúng đổ nước xà phòng, nước ớt, dùng lửa thui bộ phận sinh dục, lấy kềm bẻ răng, buộc đá vào cổ chạy tàu thủy dìm nước… Một số chiến sĩ cách mạng bị tra tấn kiệt sức đã vĩnh viễn ra đi, nhiều chiến sĩ khác bị thương, mang thương tích trong mình; và cũng đã có kẻ bị dụ dỗ rồi chiêu hồi, làm tay sai cho giặc. Sau khi tra tấn không lấy được kết quả, chúng ném những người dân vô tội xuống vực sâu tại Bến Đình.

Năm 1960, chúng lùa một số dân lên Nà Mây và một số dân về làng Huỳnh Liên để cai quản. Dân làng phải một lần nữa rời xa nơi chôn nhau cắt rốn nhưng không làm nhụt chí của người dân Hưng Thái theo cách mạng. Đến năm 1966, địch dồn dân về ở tại Động Cát (nay là Bệnh viện Phong Điền), lập nên ấp chiến lược, dưới sự cai quản của Mỹ ngụy. Năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dân làng lại trở về quê cũ khai hoang, làm ăn sinh sống, cùng nhau xây dựng quê hương cho đến ngày nay.

Hiện nay, dân số 352 người/98 hộ. Thu nhập bình quân đầu người 42 triệu đồng/người/năm. Lĩnh vực kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, mà nghề thu nhập chính của người dân là trồng rừng kinh tế (keo, tràm và cao su). Một số ít hộ làm nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ.

Đời sống văn hóa, tinh thần luôn được dân làng coi trọng. Truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn các vị tiền bối, thế hệ cha anh đã không ngại gian khổ, hy sinh bản thân mình vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Đáng tự hào và vinh dự trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhân dân làng Hưng Thái được Nhà nước công nhận và phong tặng: 24 liệt sĩ, 5 bà mẹ VNAH, 10 thương bệnh binh, 32 người có công cách mạng. Đó là chưa tính các vị quê quán Hưng Thái nhưng sau khi thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ cao cả của Đảng, Bác Hồ giao phó thì đã ở lại làm việc, sinh sống cùng cán bộ, Nhân dân ở các địa bàn cơ sở, địa phương khác trong tỉnh và trong cả nước; số ấy còn khoảng 20 người.

Tôn vinh văn hóa làng và truyền thống cách mạng

Cũng như bao làng khác, Hưng Thái với biểu tượng “cây đa, bến nước, sân đình” sừng sững, kiên trung trước di biến của thời gian, thời đại và một làng anh hùng trong thời kháng chiến chống quân xâm lược. Các hoạt động lễ hội truyền thống, về nguồn luôn được bà con duy trì đều đặn.

Những kiến trúc công cộng gắn với lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt, của dân làng luôn được quan tâm, tôn tạo. Nổi bật là đình làng Hưng Thái. Năm 2013, đình làng Hưng Thái lại được xây dựng lại một cách đàng hoàng, tôn nghiêm để thờ những người dân làng đã khuất và những người có công với làng.

Trong lòng Nhân dân Hưng Thái, các vị thủy tổ họ Lê, Trần Văn, Nguyễn Văn có công khai hoang vùng đất, dựng làng Bến Đôốc và Ngài Hoàng Mười - Hưng Nhân Quốc Công Triều Nguyễn - có công giữ đất, dựng làng Hưng Thái là những bậc luôn được tôn thờ, trọng vọng, khiêm cung.

Xét lịch sử hình thành và minh chứng lịch sử, cán bộ và Nhân dân làng Hưng Thái mong muốn cấp thẩm quyền xem xét công nhận Đình làng Hưng Thái là di tích lịch sử cấp tỉnh để xứng đáng với lời thề “Ly hương bất ly Tổ”.

Bài, ảnh: TS. NGUYỄN THỊ SỬU

(KÊ SỬU)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phước Tích bên dòng Ô Lâu

Cách TP. Huế khoảng 40km về phía bắc, làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Đây là ngôi làng thứ hai của đất Việt được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2009.

Phước Tích bên dòng Ô Lâu
Dương Hòa - xưa & nay

Triển lãm ảnh “Chiến khu Dương Hòa” khai mạc sáng 30/7 tại khu vực Bia chiến tích Dương Hòa (xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy). Đây là hoạt động trong chương trình “Với chiến khu xưa” Dương Hòa 2022 do Phòng Văn hóa & Thông tin và Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy phối hợp tổ chức.

Dương Hòa - xưa  nay

TIN MỚI

Return to top