Tôi đã tỳ tay vào lan can thật lâu để nhìn dòng sông mênh mang trước mặt. Nghĩ về những điều không giống như mình tưởng tượng. Về cái điều không biết tại sao vẫn là màu đục của phù sa như sông Hậu, sông Tiền mình qua nhưng Hàm Luông lại lặng lẽ như mặt nước sông Hương quê nhà. Có lẽ cũng vì thế mà vài đám lục bình cũng nương theo con nước nhu mì dạt trôi trên vùng nước rộng.
Hàm Luông, cũng giống như điều mà ai đó đã từng định nghĩa “sông hiền hòa là dòng sông sâu” khi tách ra từ sông Tiền, chảy trọn vẹn trong lòng Bến Tre với chiều dài đâu chừng 70 km và chiều rộng trung bình hơn 1.000m, có nơi đến 1.500m và đoạn rộng nhất là nơi cửa biển hơn 3.000m. Nhìn vào lưu lượng và độ đậm của nguồn nước Hàm Luông, có thể hiểu vì sao vùng Chợ Lách, Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri và thành phố Bến Tre... trở thành một vùng đất trù phú với những con người, giọng nói hiền hòa mà tôi đã gặp, đã nghe. Dõi mắt qua phía bên kia bờ, có thể thấy những mảng xanh thấp thoải mà tôi chắc chắn là dừa. Chúng không cao như cách tôi từng thấy ở Bình Định mà quây quần, hội tụ trong một quần thể miên man. Những thân cây thâm thấp mà chững chạc đã mang lại sự hiện diện hồn nhiên khắp mọi nơi chốn dưới nhiều cách thức khác nhau mà tôi đã trông thấy. Bên ấy là cù lao Minh (thuộc huyện Mỏ Cày).
Lúc ráng chiều đã hết, có thể trông thấy những quầng sáng bắt đầu được thắp lên dưới rặng xanh. Tôi nhớ cái cảm giác cồn cào dậy lên khi ước lúc nào đó trở lại, sẽ được đặt chân lên ít nhất là mấy cái cù lao có những tên nghe rất dân dã như cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Đất, cù lao Lăng, cồn Hố, cồn Lợi...
Thức dậy với một thói quen cafe vào sáng hôm sau, tôi lại mở cửa ra ban công và lặng đi trước trước bảng lảng sương buông trên dòng Hàm Luông. Lúc ấy, hình như là nước và sương đã nhòa vào nhau đến mơ hồ hình hài. Không thấy thuyền ba lá trên sông rộng nhưng những chiếc thuyền máy cũng đủ khẽ để lẫn vào sương giăng. Tôi đặt ly cafe xuống mặt bàn, mặc kệ sương vương ướt áo để nhìn vào mông lung trước mặt, thấy mê mải đến chùng lòng trong một sớm mai yên ả. Dường như không còn gì để phải nhớ khi sông, như là một tình yêu hiện hữu. Như là tôi đã bắt gặp một sớm mai khác của sông Hương trong một ngày mùa thu, ở một nơi thật xa, và quá đỗi dịu dàng.
Có con tàu cũ trên bến phà cũ, ngay mé trái khách sạn mà tôi dừng chân trông y một bức tĩnh vật dưới mù sương. Chủ khách sạn chắc hẳn là người có ý tưởng khi níu giữ một hình ảnh đến từ quá khứ. Ít nhất thì những người con của Bến Tre sẽ có chỗ để hoài nhớ những chuyến phà qua sông, với những ký ức có thể chẳng thể nào buông bỏ trong năm tháng đời người.
Vẫn biết trước mình là dòng Hàm Luông, và bến phà cũ không phải là nơi bắt đầu của mối tình vừa ngọt ngào, vừa xa xót rưng rưng của Marguerite Duras, nhưng lúc ấy, tôi vẫn cứ mường tượng về dáng vẻ mảnh mai, chiếc mũ, mái tóc và đôi môi hờn dỗi của thiếu nữ trong cuộc gặp gỡ định mệnh đã làm nên kiệt tác “Người tình” trong tác phẩm của bà. Ở đây, trên bến phà này, có thể những ai đó cũng đã gặp một nửa của đời mình, nhưng cũng có thể những ai đó sẽ vẫn hoài nhớ một nửa, hay có khi chỉ là sẽ mãi thắc thỏm về một dáng hình...
Khi quay lại, ly cafe của tôi đã nguội. Nó dường như đã bị lãng quên trong một sáng mù sương.
MỘC TRÀ