ClockThứ Ba, 31/01/2023 14:00

Mong có người tiếp nối việc nghiên cứu về vua Hàm Nghi

TTH - Vừa qua, chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của vua Hàm Nghi (1944 - 2023) tại Huế, nhất là việc khai trương không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” giúp công chúng hiểu rõ hơn chân dung về vị vua yêu nước. Ông Nguyễn Đắc Xuân, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và phát triển Di sản văn hóa Huế, người nghiên cứu về vua Hàm Nghi từ rất sớm, rất vui trước sự kiện này. Ông đã có buổi trò chuyện với Báo Thừa Thiên Huế xung quanh việc nghiên cứu về vua Hàm Nghi.

Không gian của vua Hàm Nghi tại HuếNghiên cứu về vua Hàm Nghi là sứ mệnh cần phải làmHậu duệ vua Hàm Nghi trò chuyện với học sinh, sinh viên Huế

Không gian trưng bày vua Hàm Nghi tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Là người nghiên cứu về vua Hàm Nghi, ông cảm nhận như thế nào về không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” vừa được khai trương tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế?

Năm 2014, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế giúp tôi thực hiện một cuộc trưng bày về vua Hàm Nghi nhân 70 năm nhà vua qua đời (1944-2014). 10 năm qua, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và cả tôi đã nghiên cứu, sưu tập thêm nhiều hình ảnh, tư liệu quý về vua Hàm Nghi. Chuyến đi Pháp của lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được TS. Amandine Dabat - cháu ngoại 5 đời của vua Hàm Nghi trao tặng cho quyền sử dụng trưng bày mấy mươi tác phẩm nghệ thuật chính của cuộc đời làm nghệ thuật của vua Hàm Nghi.

Nhờ thế, trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” rất đầy đủ về gia đình, đời sống tình cảm, tinh thần yêu nước và đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam được chiêm ngưỡng tài năng nghệ thuật về nhiều mặt của ông vua yêu nước Hàm Nghi ở chốn lưu đày. Trưng bày không những giới thiệu về cuộc đời vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày, mà còn có thể khẳng định vua Hàm Nghi là một họa sĩ tài năng quốc tế, người mở đầu cho hội họa Việt Nam theo phong cách phương Tây. Thật trân quý, tự hào!       

Ông có hy vọng việc kết nối sưu tầm tư liệu về vua Hàm Nghi của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ bổ sung thêm nhiều tư liệu, hiện vật quý và mở ra hướng nghiên cứu rộng hơn về ông vua bị lưu đày?

Chuyến đi Pháp của lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã gặp được TS. Amandine Dabat và được trao tặng 2 cuốn sách: “Hàm Nghi Empereur en exil - Artiste à Alger” và “Hàm Nghi - Prince d’Annam (1871-1944)-L’Art en Exil” chứa đựng “một trời” thông tin tư liệu cho giới nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về vua Hàm Nghi. Ảnh: Minh Hiền

Song song với thời gian Amandine Dabat làm luận văn tiến sĩ, bác sĩ Gérard Chapuis - người mua được bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi năm 2010, sau này là hội viên tán trợ của Hội Nghiên cứu và phát triển Di sản văn hóa Huế, đã theo đuổi thông tin tư liệu trên sách báo ở Algérie và Pháp biên soạn được cuốn sách “Hàm Nghi, hồi ức con đường El-Biar”. Qua vận động của Hội Nghiên cứu và phát triển Di sản văn hóa Huế, tác giả đã chuyển bản thảo cho ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và được biết cuốn sách sẽ ra mắt độc giả sau Tết Quý Mão. Hiện nay, Gérard Chapuis đang biên soạn cuốn tiếp theo.

Trong mấy tháng qua, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều cây bút trẻ rất mong được tạo điều kiện về thông tin và phương tiện để họ có thể khám phá những góc khuất trong cuộc đời vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày. Tư liệu thông tin hội chúng tôi có thể hướng dẫn, nhưng phương tiện thì phải tự túc như tôi trong mấy chục năm qua. Chuyện tổ chức tour du lịch thăm viếng di tích vua Hàm Nghi và gia đình ở Pháp, chuyện làm phim tư liệu vua Hàm Nghi, việc rước hài cốt vua Hàm Nghi về Huế là những đề tài đang được chú ý. Tôi nghĩ chuyện nghiên cứu vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày sẽ được mở rộng trong thời gian tới.

Được biết, ông là người tiếp cận việc nghiên cứu về vua Hàm Nghi từ rất sớm. Ông cũng từng lặn lội sang Pháp và được gặp gia đình của cựu hoàng. Cơ duyên nào giúp ông có may mắn này?

Sau ngày thống nhất đất nước 1975, đang làm công tác tuyên giáo ở Thành ủy Huế, do một cái duyên, tôi thực hiện công trình “Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế”. Muốn nghiên cứu về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, tôi phải biết triều Nguyễn và Huế xưa – nơi thời Bác đã sống qua. Ngoài chuyên đề về thời niên thiếu của Bác Hồ, tôi đầu tư nghiên cứu ba ông vua yêu nước: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Cuộc đời ba ông vua yêu nước của Triều Nguyễn ai cũng biết. Điều mà lịch sử muốn biết là nửa đời sau của ba vua ở chốn lưu đày. Về hai vua Thành Thái, Duy Tân tôi may mắn được thân quen với công chúa Lương Linh (mệ Sen), con gái vua Thành Thái từ trong phong trào đấu tranh đô thị và sau đó gặp gỡ các hoàng tử con vua Thành Thái, như Vĩnh Giu, Vĩnh Cầu, Vĩnh Giêu (ở Hoa Kỳ), được gặp và phỏng vấn bà Fernande Antier (vợ của vua Duy Tân), gặp và hỏi chuyện các hoàng tử Georges Vĩnh San, Claude Vĩnh Sa, Roger Vĩnh San - con vua Duy Tân.  Đối với vua Hàm Nghi thì rất khó khăn vì không tìm được người thân của ông.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (người đứng cầm ảnh vua Hàm Nghi) trong cuộc gặp với công chúa Như Lý tại Pháp năm 1999. Ảnh: Tư liệu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân

Bất ngờ, vào khoảng đầu năm 1998, ông Daniel Grandclément từ Paris về Huế sưu tập tư liệu cho cuốn sách “Bảo Đại và những ngày cuối cùng của Vương triều An Nam”. Khi nói chuyện về hoàng hậu Nam Phương, ông Daniel cho biết lăng mộ hoàng hậu ở Chabrignac/Corrèze gần nhà của công chúa Như Lý, con gái vua Hàm Nghi. Ông Daniel đã vô tình cung cấp cho tôi hai thông tin quý: lăng mộ hoàng hậu Nam Phương và nơi ở của công chúa Như Lý. Đầu năm 1999, tôi đi Pháp tìm gặp công chúa Như Lý và viếng mộ hoàng hậu Nam Phương để hỏi chuyện vua Hàm Nghi.

Nhờ sự giúp đỡ của bà Mộng Điệp và Hội Người yêu Huế tại Pháp, người hướng dẫn cho tôi đi gặp công chúa Như Lý là dược sĩ Nguyễn Duy Thản. Đây là một chuyến “điền dã” lịch sử nên tôi còn nhờ ông Huỳnh Văn Tươi - thư ký của GS.TS. Trần Văn Khê ở Paris cùng đi để giúp quay phim.

Chiều 24/1/1999, tôi được gặp công chúa Như Lý – một bà già cao ráo nghiêm nghị, ngồi ở bộ bàn ghế cổ đứng dậy đưa tay cho chúng tôi bắt.

Sau khi nghe giới thiệu tôi là nhà sử học từ Huế sang, bà nói: “Từ khi vua Hàm Nghi đặt chân lên cảng Alger (tháng 1/1889) cho đến nay (1/1999) vừa tròn 110 năm. Các ông là những người Việt Nam đầu tiên từ bên nước sang đến nhà người thân của vua Hàm Nghi.

Thời gian vua Hàm Nghi sống ở Alger (Thủ đô Algérie) còn nhiều điều chưa được biết đến. Ông đã tìm được thông tin gì mới về vua Hàm Nghi?

Cái quan trọng nhất là đính chính ngày mất của vua Hàm Nghi là ngày 14/1/1944. Qua lời kể của công chúa Như Lý, tôi được biết, khi vua Hàm Nghi mất là lúc Thế chiến thứ hai đang diễn ra, các con của vua không về Algérie được. Lúc vua Hàm Nghi qua đời, chỉ có bà vợ Marcelle Laloe bên ông mà thôi.

Thứ hai, tên của con gái đầu của vua Hàm Nghi không phải là Nhữ Mây như thông tin trong bộ phim “Đi tìm dấu tích Ba Vua” mà là Như Mai.

Thứ ba, tôi nghiên cứu vua Hàm Nghi, biết được hậu duệ của vua Hàm Nghi có ba dòng: Dòng 1 con cháu của hoàng tử Bửu Trắc mà người đại diện hiện nay là ông Đặng Giáp (cháu ngoại đời thứ tư); dòng thứ 2: con cháu bà Marcelle Laloe; dòng thứ 3: con cháu bà gia sư Gabrielle Copak mà người đại diện là bác sĩ Isabelle Copak. Tôi liên lạc được với cả 3 dòng và được xem như người nối kết ba dòng.

Thông tin tư liệu mới thú vị nhất là vua Hàm Nghi với những người tình. Xin hẹn giới thiệu trong một dịp khác. 

Khi nghiên cứu về vua Hàm Nghi, điều ông ấn tượng nhất ở vị vua này là gì?

Ấn tượng nhất về vua Hàm Nghi là trong hoàn cảnh lưu đày, ông luôn giữ lòng yêu nước. Vua Hàm Nghi là người tù bị giam lỏng, lấy vợ Pháp theo đạo Thiên chúa, chung quanh không có người Việt, nhà vua khó có cơ hội để tỏ lòng yêu nước. Nếu có thì cũng không có ai ghi nhận. Cho nên, qua bao năm nghiên cứu về vua Hàm Nghi, tôi chỉ kín đáo hiểu qua những sự việc khi nhà vua ở chốn lưu đày.

Chẳng hạn, lúc đầu nhà vua không học tiếng Pháp. Nhà vua rất vui được đón các nhà yêu nước đến thăm như Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm ở Alger. Ông trốn khỏi nơi giam lỏng và bị bắt lại đày vào thành phố quân sự Médéa từ tháng 10/1891 đến  tháng 5/1893.

Nhà vua xây dựng biệt thự Gia Long theo phong cách kiến trúc cung đình Huế. Suốt đời ông sống ở đó và sau khi qua đời táng ngay trước biệt thự Gia Long. Ông cũng suốt đời dùng quốc phục, áo dài khăn xếp… Khi mất, nhà vua di chúc cho các con khi hoàn cảnh thuận lợi thì đưa hài cốt ông về Huế.

Điều gì ông vẫn còn băn khoăn, trăn trở trong việc nghiên cứu về vua Hàm Nghi?

Tôi là người tiên phong, đi được một bước đường trong việc khai thác những bí ẩn về khoảng thời gian vua Hàm Nghi sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi vẫn còn nhiều vấn đề rất hay cần được tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ. Chúng ta mới mở được cánh cửa về vua Hàm Nghi, bước vào cánh cửa ấy là vườn hoa rộng lớn cần được khám phá. Huế cần có một chuyên gia đi tiếp việc nghiên cứu về vua Hàm Nghi.

Một việc quan trọng nữa là thực hiện di nguyện đưa hài cốt của nhà vua về nước. Trước đây, khi đặt ra vấn đề này, tôi biết rất khó nhưng giờ đã thuận lợi hơn.

Không gian trưng bày về vua Hàm Nghi mới là bước khởi đầu. Sau này, có thể thành lập Bảo tàng nghệ thuật vua Hàm Nghi gồm tranh, tượng, hình ảnh, tài liệu của ông và cả những họa sĩ theo phong cách Tây phương sau này, từ họa sĩ Lê Văn Miến cho tới họa sĩ Bửu Chỉ.

Ngoài ra, cũng cần làm phim tư liệu về cuộc đời vua Hàm Nghi, một bộ phim vừa mang giá trị lịch sử vừa có giá trị về văn hóa du lịch.

Xin cảm ơn ông về những trao đổi!

Minh Hiền (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Tiếp nhận kỷ vật của vua Hàm Nghi

Khay trà, tẩu thuốc và bộ sách chữ Hán được hậu duệ của vua Hàm Nghi hiến tặng cho Huế và Quảng Trị. Các kỷ vật vừa được Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam trao cho đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Tiếp nhận kỷ vật của vua Hàm Nghi
Hướng đến Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung

Đó là mục tiêu của Đại học Huế. Điều này không chỉ tăng vai trò, vị thế của Viện Công nghệ sinh học nói riêng, của Đại học Huế nói chung mà cả thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian đến. Để hiểu rõ hơn về định hướng, các giải pháp thực hiện và vai trò của trung tâm trong tương lai, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế.

Hướng đến Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung

TIN MỚI

Return to top